ĐẠI BIỂU NGUYỄN CÔNG LONG: THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ NGHỊ QUYẾT 27-NQ/TW, BẢO ĐẢM TÍNH ĐỘC LẬP TRONG XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận lần đầu về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi). Cho ý kiến về dự án Luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng dự án Luật cần bám sát nội dung trọng tâm được xác định trong Nghị quyết 27-NQ/TW; đồng thời nên tập trung vào các nội dung sửa đổi để đảm bảo thẩm quyền độc lập của Tòa án, của thẩm phán và Hội thẩm nhân dân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là dự án luật đầu tiên trong lĩnh vực tư pháp được Quốc hội triển khai sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết 27-NQ/TW đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo phù hợp với thực tiễn và mô hình hệ thống tổ chức tòa án là cơ sở để định hình, định hướng hoàn thiện hệ thống tư pháp nói chung, trong đó, tòa án được đặt làm trung tâm. Do đó, dự án luật phải bám sát yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW và thể chế hóa những nội dung đó. Thể chế hóa những vấn đề gì gọi là căn cốt nhất, cốt lõi nhất, đại biểu nhấn mạnh. Một trong những nội dung được quan tâm nhất, được nhấn mạnh nhất trong Nghị quyết 27-NQ/TW đó là phải đảm bảo vai trò, tính độc lập của Tòa án, độc lập của thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, từ những yêu cầu trên, qua đối chiếu với dự án Luật, cho thấy nhiều nội dung đã được xây dựng trên cơ sở định hướng yêu cầu của Nghị quyết 27-NQ/TW. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét và cần cân nhắc thêm một số nội dung.

Thứ nhất, về Điều 3 của dự thảo Luật đưa ra định nghĩa về quyền tư pháp của Tòa án. Như đã biết, hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện nay cũng chưa có một văn bản nào đưa ra quy định, định nghĩa cụ thể về 3 quyền này mà chỉ có thực hiện cụ thể hóa nội dung quyền. Như vậy có thể hiểu rằng tất cả quyền này đều được thực hiện thông qua các luật, theo các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.

Dự thảo Luật Tổ chức tòa án (sửa đổi) lựa chọn phương án định nghĩa luôn ở trong dự thảo luật thế nào là quyền tư pháp tại Điều 3.Trong khi đó, Nghị quyết 27-NQ/TW quy định cụ thể thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ quyền tư pháp. Nếu theo định hướng của Nghị quyết 27-NQ/TW thì định nghĩa vào luật sẽ không đủ được. Bởi vì Luật Tổ chức tòa án nhân dân chỉ quy định tất cả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức của Tòa án nói chung. Còn thẩm quyền của Tòa án với vai trò là cơ quan xét xử được định hình, xác định cụ thể trong hệ thống pháp luật về tố tụng. Vì vậy, nếu đặt ra quy định hết vào dự thảo Luật không thể quy định được và cũng không thể bảo đảm được nguyên tắc chung.

Đại biểu Nguyễn Công Long – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu trong phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thứ hai, dự thảo Luật quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” (điểm đ khoản 2 Điều 3 và Điều 30) theo đó, Tòa án là xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử và giải thích pháp luật trong xét xử. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật bởi sẽ tạo ra sự nhầm lẫn sang thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử”. Như vậy, thẩm quyền này của Hội đồng Thẩm phán đã được thực hiện ổn định từ trước đến nay. Việc phân tích, làm rõ lý do áp dụng quy định pháp luật trong bản án, quyết định để giải quyết vụ việc cụ thể về thực chất chỉ là hoạt động áp dụng pháp luật có tính chất nghiệp vụ trong xét xử. Về nguyên lý, lý luận những thẩm quyền cụ thể trong một trình tự thì không nên xác định thành một chức năng của Tòa án. Do đó, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị không quy định nội dung này.

Thứ ba về tổ chức và thẩm quyền thành lập các Tòa án. Hiện nay, hệ thống Tòa án quy định là Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa sán huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố và Tòa án quân sự.

Theo phương án sửa đổi tại Điều 4 của dự thảo Luật thì tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân sẽ sửa đổi thành Tòa án nhân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt và Tòa án quân sự.

Đại biểu Nguyễn Công Long chỉ rõ, thoạt nhìn thì hệ thống có vẻ thay đổi nhưng theo Tờ trình của Tòa án xác định chức năng xét xử cũng dựa trên cơ sở là mô hình hiện nay. Tức là Tòa án nhân dân huyện sẽ gọi là Tòa án sơ thẩm huyện, Tòa án nhân dân tỉnh A trở thành Tòa án nhân dân phúc thẩm tỉnh A.

Ngoài ra, theo Tờ trình dự án Luật của Tòa án nhân dân tối cao cũng lý giải quy định này phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án. Tuy nhiên, qua rà soát và nghiên cứu hiện chưa thấy rõ định hướng lâu dài của Tòa án đề cập đến ở đây là gì? Tại sao lại đưa ra mô hình này? Do đó, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có báo cáo làm rõ nội dung này, định hướng lâu dài là gì. Trong trường hợp chỉ là thay đổi tên, đại biểu Nguyên Công Long đề nghị hết sức cân nhắc như các lý do báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã nêu ra là chi phí rất lớn và không giải quyết được gốc của vấn đề.

Thứ tư, Điều 11 dự thảo Luật sửa đổi khá cơ bản và kì vọng sửa đổi nội dung này là đảm bảo tính độc lập xét xử của tòa án, của thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Trong đó tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 quy định: Tòa án, thẩm phán, hội thẩm và chức danh tư pháp khác của Tòa án không phải giải trình, không được thông tin về quan điểm giải quyết vụ án trong quá trình tố tụng; không tiến hành điều tra, thanh tra đối với hoạt động xét xử, giải quyết các vụ án trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp có căn cứ rõ thẩm phán, hội thẩm vi phạm pháp luật trong giải quyết vụ án.

Đại biểu Nguyễn Công Long cho biết về nội dung này, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã có ý kiến là không quy định những nội dung này vì nguyên tắc điều tra và thanh tra tuân thủ các luật quy định. Và không bị thanh tra, kiểm tra trong quá trình tiến hành tố tụng thì cũng không đảm bảo cho nguyên lí độc lập.

Đại biểu Nguyễn Công Long lý giải, điều quan trọng nhất là xác định những cơ sở pháp lý cho tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm trong quá trình xét xử. Dưới góc độ nghiên cứu và thực tiễn cho thấy rằng vai trò, ý nghĩa, cái độc lập của thẩm phán, hội thẩm phải được thể hiện ở cả hai phương diện.

Một là, hệ thống tòa án làm sao để đảm bảo sự độc lập tương đối và không bị chi phối bởi các hệ thống cơ quan khác trong cái hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, để có sự độc lập tương đối. Trên thế giới thì quy định này rõ nét, chính là mô hình tòa án khu vực như cả thành phố Paris, Pháp rất rộng lớn cũng chỉ có một tòa sơ thẩm, sau đó lên tòa phúc thẩm; rồi các cái tòa khác theo chức năng.

Ở Việt Nam thì phương án tòa khu vực thì mặc dù có nghiên cứu rất bài bản và đầu tư công phu nhưng cũng đã không thành. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đã có bước phát triển vượt bậc, thông tin liên lạc và hệ thống giao thông tốt như hiện nay và trong điều kiện áp dụng công nghệ 4.0 nhưng mà bây giờ lại mỗi huyện, quận (bán kính từ trung tâm của Hà Nội ra đến các huyện ngoại thành cũng chưa đến 10km), mỗi đơn vị nhỏ như vậy lại phải tổ chức một Tòa án cấp huyện thì có nên không? Và cuối cùng là làm cho đầu tư rất dàn trải, lực lượng cũng giảm, mỏng đi và không tập trung được. Chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Công Long chia sẻ.

Hai là phải đảm bảo cho thẩm phán, hội thẩm độc lập trong nội tại của hệ thống tòa án. Có nghĩa rằng không bị chi phối, không còn cái khái niệm tòa án cấp trên, cấp dưới. Do đó điều quan trọng để bảo đảm tính độc lập ở đây là về hệ thống quản lý, nguyên lý quản lý của hệ thống tòa án.

Tuy nhiên thực tiễn thì gần như chưa giải quyết được thấu đáo vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Công Long dẫn chứng Điều 20 dự thảo Luật về quản lý Tòa án nhân dân về tổ chức không sửa gì, vẫn quy định Tòa án nhân dân tối cao quản lý các tòa án nhân dân về tổ chức. Như vậy vẫn duy trình quản lý tòa cấp trên - cấp dưới. Do đó, đại biểu đề nghị nên cân nhắc để đưa Điều 20 vào phạm vi sửa đổi của Luật trên cơ sở quy định của Hiến pháp. Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Công Long để tăng cường hơn và bảo đảm độc lập hơn cần phải tăng cường hơn vai trò của chính Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

Góp ý vào Điều 21 về giám sát hoạt động của Tòa án, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng quy định tại Khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật quy định: "Tòa án nhân dân tối cao giám sát hoạt động của các tòa án, thẩm phán, hội thẩm, thẩm tra viên, thư ký Tòa án thông qua công tác giám đốc xét xử, thanh tra và kiểm tra nghiệp vụ để đảm bảo tuân thủ pháp luật và kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" là chưa thực sự phù hợp với nguyên lý.

Đại biểu lý giải, trong hệ thống pháp luật hiện nay, giám sát là việc của cơ quan dân cử và hệ thống Mặt trận Tổ quốc. Nay dự thảo Luật lại quy định Tòa án tối cao giám sát thông qua hoạt động xét xử là không phù hợp. Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy tất cả các tòa đều có thẩm quyền xét xử theo thẩm quyền của mình mà không thể nào lại quy sang giám sát và tòa án cấp trên giám sát tòa án cấp dưới. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ khoản 3 Điều 21 vì không phù hợp.

Về vấn đề Tòa án có thu thập chứng cứ hay không? có khởi tố hay không? Đại biểu cho rằng, việc bỏ quy định về thẩm quyền của Tòa án trong việc khởi tố vụ án là có căn cứ. Bởi Tòa án là cơ quan xét xử và chỉ xét xử trên cơ sở tất cả những chứng cứ, hồ sơ do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện; và không nên để Tòa án tự mình khởi tạo hoặc là khởi động trình tự tố tụng - đấy là chức năng của cơ quan khác, không nên giao về Tòa án, đại biểu Nguyễn Công Long nêu rõ.

Tuy nhiên, riêng đối với tố tụng dân sự thì vai trò của Tòa án hoàn toàn khác với tố tụng hình sự. Trong tố tụng dân sự, Tòa án giữ vai trò trung tâm, sẽ không có cả một tiến trình tố tụng và hệ thống cơ quan tố tụng cụ thể, chi tiết như tố tụng hình sự. Trong tố tụng dân sự, kinh doanh, thương mại, chỉ vai trò của các đương sự xung quanh Tòa án. Như vậy, nghĩa vụ chứng minh như thế nào và cơ chế nào để đảm bảo chứng minh tốt nhất? Do đó, đại biểu cho rằng cần hết sức cân nhắc khi bỏ đi vai trò thu thập chứng cứ của Tòa án trong tố tụng dân sự. Nếu bỏ quy định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền, nghĩa vụ của bên đương sự và giảm vai trò của Tòa án.

Mặt khác trước quan điểm cho rằng Tòa án tự mình thu thập chứng cứ ảnh hưởng đến tính khách quan, vai trò của Tòa án, đại biểu Nguyễn Công Long làm rõ, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã mở ra nhiều cơ chế để thu thập chứng cứ; các cơ chế để thu thập chứng cứ rất đa dạng và pháp luật cũng quy định nhiều hình thức khác như Thừa phát lại, chứ không phải là chỉ có một hình thức là Tòa án tự mình đi thu thập chứng cứ. Do đó đây không phải vấn đề đáng lo ngại.

Về thành lập Tòa án chuyên biệt, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, cần cụ thể hóa các Tòa án chuyên biệt. Hiện dự thảo Luật chưa xác định là chuyên biệt về vấn đề gì. Đại biểu cho rằng không thể quy định chung chung như vậy và đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định, giải thích vấn đề này; cần giải trình cụ thể về dự kiến các Tòa chuyên biệt có thể bao gồm như tòa vị thành niên, tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ,... đánh giá thực tiễn về quá trình giải quyết những vụ việc liên quan đến các mô hình tòa này để xem mức độ, tần suất, độ phức tạp như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Công Long nhấn mạnh dự thảo Luật nên tập trung vào các nội dung sửa đổi liên quan để đảm bảo thẩm quyền độc lập của Tòa án, đảm bảo độc lập của thẩm phán và hội thẩm và nếu như mô hình tổ chức không có gì mới thì nên giữ nguyên như hiện nay, không nên đổi tên./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82279