Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Chiều 22-5, tiếp tục các nội dung chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo luật. Đồng thời nhấn mạnh, việc tiếp thu ý kiến các ĐBQH tại kỳ họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, bổ sung đã giúp dự thảo luật chặt chẽ hơn, khắc phục được những tồn tại hạn chế, có nhiều sai sót trong việc xây dựng luật thời gian qua.

Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia thảo luận trực tuyến.

Tham gia cụ thể vào dự án luật, đại biểu tập trung phân tích về vấn đề “ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của VBQPPL”. Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 153 có quy định “Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quyết định ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản đó để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Quy định này là hoàn toàn phù hợp về mặt lý luận. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tiễn ở địa phương cho thấy, nếu văn bản cần ngưng hiệu lực là nghị quyết do HĐND ban hành thì phải chờ đến khi HĐND họp kỳ gần nhất mới có thể quyết định. Trong khi đó, ngưng hiệu lực văn bản QPPL là việc cần làm ngay để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu chờ đến kỳ họp gần nhất của HĐND thì sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong việc ngưng hiệu lực của VBQPPL do HĐND dân ban hành.

Đại biểu dẫn chứng, thời gian vừa qua, trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 có diễn biến cực kỳ phức tạp, việc triệu tập kỳ họp bất thường của HĐND để quyết định ngưng hiệu lực của một nghị quyết nào đó thì không thể thực hiện được do không được tập trung đông người. Từ thực tiễn đó, đại biểu đề nghị xem xét quy định linh hoạt theo hướng trong những trường hợp thật cần thiết mà không thể triệu tập kỳ họp HĐND bất thường hoặc chờ đến kỳ họp thường kỳ của HĐND có thể giao cho Thường trực HĐND ban hành văn bản ngưng hiệu lực nghị quyết của HĐND cùng cấp và báo cáo tại kỳ họp HĐND gần nhất.

Đối với hình thức ban hành văn bản ngưng hiệu lực VBQPPL, đại biểu cho rằng nếu ban hành văn bản theo hình thức và trình tự thủ tục như quy định hiện nay thì khó có thể thực hiện ngay việc ngưng hiệu lực văn bản khi cần để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để thống nhất với đề xuất quy định thẩm quyền ngưng hiệu lực nghị quyết của HĐND cùng cấp, đại biểu đề nghị hình thức ban hành văn bản ngưng hiệu lực sẽ là văn bản hành chính thay cho việc băn hành VBQPPL như hiện nay.

Về văn bản quy định chi tiết tạiKhoản 2 Điều 11 Luật năm 2015 quy định:Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định đối với trường hợp luật có giao chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết thì phải kéo dài thời gian từ thời điểm ban hành luật đến thời điểm luật có hiệu lực, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết để có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản phân cấp.

Tin, ảnh: Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/dai-bieu-ma-thi-thuy-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-132510.html