Đại bàng xanh nơi đất lửa

Không cần là người am hiểu về đất Hà Tĩnh hay lực lượng biên phòng, nếu ai đọc cuốn sách này, đều biết Hải - nhân vật trung tâm ấy chính là Võ Trọng Hải, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, một người đã quá nổi tiếng với cả ngàn lần đánh án, từng chỉ huy những vụ bắt tội phạm buôn bán ma túy lớn nhất cả nước.

Ngay khi được Phan Thế Cải nói về cuốn sách sắp xuất bản, tôi đã rất phục anh. Trước hết anh là nhà báo, bận nhiều sự vụ hàng ngày, may mà anh chỉ phải viết, không còn làm biên tập. Nếu không, tình yêu văn chương đành dẹp lại, lâu rồi thành lười, khiến mình chỉ làm “mõ” làm “hề” phục vụ vô danh cho các đồng nghiệp, cộng tác viên và tất nhiên là bạn đọc. Nhưng với tôi, lạ hơn là tác phẩm đầu tay của anh lại viết về một người có thật.

Tôi còn nhớ, nhà văn Nguyễn Khải đã từng thán phục nhà văn Nguyên Ngọc thế nào. Cùng lứa, đều viết về các anh hùng, thế nhưng cuốn sách về Mạc Thị Bưởi của ông thì không ai để ý. Tôi xin nói, chính nhà văn đã để cho người nữ anh hùng ấy “chết” lần thứ hai qua các trang sách ấy. Anh hùng Núp qua “Đất nước đứng lên” có số phận khác, một phần nhờ tài viết của Nguyên Ngọc, Và theo tôi, có lẽ đến tận bây giờ, “Đất nước đứng lên” vẫn là tác phẩm hay nhất của Nguyên Ngọc, làm nên tên tuổi của nhà văn.

Nói cho cùng, không chỉ Nguyễn Khải thất bại. Trong suốt hai cuộc chiến tranh, rồi thời cố gắng xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, do định hướng, do nhiệt tình, nhiệt huyết của các tác giả, phong trào sáng tác về người tốt - việc tốt, người thật - việc thật và đặc biệt là các anh hùng, liệt sĩ đã cho ra đời bao nhiều tác phẩm, ngay cả các nhà thơ cũng có các bài lẻ, và có người còn viết trường ca. Khắc nghiệt thay, hầu hết các tác phẩm ngay lập tức rơi tự do vào sự quên lãng.

Chính vì thế, tôi cho rằng, Phan Thế Cải hơi liều. Nhưng không thế, không phải là dân văn chương Nghệ - Tĩnh. Tôi biết Phan Thế Cải làm thơ, viết báo cũng hay nhiều sự “phô văn”, lắm khi rất nhầm chỗ. Anh vốn là học sinh giỏi văn cỡ hàng tỉnh gì đó, dù điều này đôi khi chỉ có giá trị khẳng định cái sự yêu văn chương, chứ còn rất nhiều anh giỏi văn, từng đoạt giải văn miền Bắc thi vào đại học đỗ rất cao, nhưng hầu hết ra trường đều không làm nên nghiệp. Ấy là do cái sự dạy văn kiểu từ chương của nhà trường chúng ta đã làm khốn khổ bao thế hệ. Nhưng với Phan Thế Cải lại khác, anh từng đi lính rồi học viết báo và từ đầu những năm 1980 đến nay làm báo chuyên nghiệp ở Hà Tĩnh. Có thể nói, anh thuộc đất, thuộc người Hà Tĩnh phần lớn do những năm tháng làm báo. Vì thế, tác phẩm đầu tay của anh viết về con người và mảnh đất quê hương anh là điều tất yếu, và “Đại bàng xanh” của anh đã “vút cánh” khi tác giả đã đi nhiều và đủ từng trải.

Phan Thế Cải nói với tôi, cuốn sách của anh có thể gọi là truyện ký cũng được. Thật ra thì cái từ tiểu thuyết vẻ như sang hơn. Nhưng không phải không có lý khi tác giả đặt nó là tiểu thuyết. Có lẽ anh muốn “thoát ra” khỏi cái nghề viết báo, trở lại với tình yêu văn chương từ thuở trai trẻ và viết có hư cấu hợp với tạng viết của anh hơn. Chính vì thế một số nhân vật phụ của anh để lại nhiều dấu ấn qua khám phá và sáng tạo như Năm Te, Bảy Khuyển, Lão Tớn, Hùng Trắng… Tất nhiên với Võ Trọng Hải, nhân vật chính của tác phẩm, tác giả dành rất nhiều công sức, tránh viết theo lối tả chân, “báo cáo thành tích” tẻ nhạt. Phan Thế Cải đã mở đầu cuốn sách bằng một chương rất có ý nghĩa: “Cậu học trò nhỏ và kỷ niệm tình nghĩa cô trò” bằng việc nhân vật Hải - lúc đã trưởng thành, có vị trí trong xã hội, đến thăm cô giáo với lẵng hoa bày tỏ sự biết ơn. Là con một gia đình nông dân rất nghèo, phải khó khăn lắm Hải mới học hết phổ thông, sau phải vào với anh ở Tây Nguyên để làm thuê, phụ giúp gia đình nuôi 3 em ăn học. Sau hai năm, nhờ người anh cả là sỹ quan biên phòng, Hải nhập ngũ làm lính biên phòng. Phan Thế Cải đã đưa bạn đọc những năm tháng Hải từ lính tiếp phẩm ở một đồn ven biển thành người lính trinh sát và lập nhiều thành tích, được cử đi học Trường sỹ quan Biên phòng. Hơn một nửa cuốn sách là dành cho người sỹ quan trẻ đến nhận nhiệm vụ ở Cầu Treo (huyện Hương Sơn). Sự lựa chọn ấy đương nhiên là đúng, bởi Cầu Treo có vị trí hàng đầu trong các cửa khẩu với Lào. Đây là trung tâm vận chuyển, giao thương và cũng là hang ổ của buôn lậu, đặc biệt là ma túy.

Có thể nói, nếu không có vùng đất lửa ấy không có những người lính áo xanh như Võ Trọng Hải, và đến tận bây giờ, đội ngũ có chức sắc, có khả năng của biên phòng Hà Tĩnh đều đã từng công tác ở Cầu Treo. Phan Thế Cải lại là dân gốc huyện Hương Sơn, từng đi lại công tác ở Cầu Treo nhiều nên những trang viết về Đồn biên phòng, những người lính áo xanh như Võ Trọng Hải thành công hơn cả vẻ như là điều tất yếu. Tôi muốn nhắc lại rằng, Phan Thế Cải có tư duy tiểu thuyết khi mở đầu tác phẩm là nhân vật Hải đến bày tỏ lòng biết ơn cô giáo thì kết thúc là thư của một tử tù buôn bán ma túy gửi cho Hải - người chỉ huy vụ đánh án - với lòng tin vào sự bao dung, vị tha của Hải, nhờ anh nói với chính quyền địa phương, nhà trường nơi các con anh ta học giúp đỡ gia đình người tử tù ấy.

Nói thật rằng, đọc xong cuốn sách tôi còn chút nuối tiếc. Giá như anh cấu trúc các chương hợp lý hơn, tiết chế sự “phô văn”, đồng thời bớt dài dòng, biết “quên” đi căn bệnh viết báo kiểu “báo cáo” thì có lẽ “Đại bàng xanh” có cơ hội để “vút cánh” cao hơn, xa hơn…

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/dai-bang-xanh-noi-dat-lua-573205.bld