Đặc sắc lễ hội xuống đồng

Sa Rây

BPO - Vào dịp này hằng năm, đồng bào Khmer ở huyện Lộc Ninh lại phấn khởi tổ chức lễ hội xuống đồng - một trong những lễ hội truyền thống của người Khmer, mang nét văn hóa đặc sắc của nền nông nghiệp lúa nước. Thông qua lễ hội nhằm bày tỏ sự thành kính biết ơn trời đất, thiên nhiên đã ban tặng người dân mùa vụ tốt tươi, mưa thuận, gió hòa; đồng thời, mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, gìn giữ và phát huy nét văn hóa của dân tộc.

Nâng cao ý thức người trẻ

Lễ hội xuống đồng được tổ chức hằng năm, thu hút sự quan tâm của người dân địa phương, đặc biệt là người trẻ. Tham gia lễ hội xuống đồng vô cùng đặc sắc của cộng đồng, các thanh thiếu niên hào hứng và tự hào vì được tìm hiểu, học hỏi những kinh nghiệm và kỹ thuật trồng lúa từ già làng, người có uy tín. Từ đó, các bạn trẻ ý thức hơn trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc dân tộc, phải biết trân trọng những di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng. Văn hóa là gốc rễ cho sự phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia. Phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa cũng góp phần nâng cao đời sống cộng đồng. Lễ hội xuống đồng đã phần nào tác động và nâng cao nhận thức cho lớp trẻ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong gìn giữ và kế thừa di sản dân tộc.

Nông dân và các bạn trẻ thi đua cấy lúa tại lễ hội xuống đồng - Ảnh: Ngọc Minh

Em Thị Hồng ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho biết: Em rất vui và tự hào khi tham gia lễ hội xuống đồng. Qua trải nghiệm lần này, em hy vọng sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để sau này có thể tổ chức được lễ hội như vậy. Em sẽ kêu gọi nhiều người tham gia lễ hội, cùng tìm hiểu, học hỏi và gìn giữ văn hóa của dân tộc mình.

Gìn giữ bản sắc dân tộc

Trước đây, vào mùa mưa, mỗi gia đình người Khmer làm nghề trồng lúa sẽ tự tổ chức lễ hội xuống đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp so với những cây trồng khác nên không còn nhiều nông dân gắn bó với nghề. Hiện nay, lễ hội xuống đồng được các già làng, người có uy tín và người dân tổ chức theo hình thức phục dựng tại một gia đình nào đó.

Người dân hồ hởi tham gia lễ hội xuống đồng - Ảnh: Ngọc Minh

Ông Lâm Snóc, người uy tín ở xã Lộc Khánh cho biết: Lễ hội xuống đồng có ý nghĩa và giá trị to lớn đối với người Khmer xã Lộc Khánh. Tôi rất vui khi được phục dựng lại lễ hội này. Tôi cũng kêu gọi con cháu tích cực tham gia để văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình không bị mai một.

Đại đức Lâm Chha Ni, Phó trụ trì chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh chia sẻ: Lễ hội này đã dần mai một, nhưng sau này được các già làng, người có uy tín cùng chính quyền địa phương và người dân phục dựng lại, tôi cảm thấy rất phấn khởi và xúc động. Tôi mong muốn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy.

Người nông dân và các bạn trẻ thi đua cấy lúa - Ảnh: Ngọc Minh

Lễ hội xuống đồng cũng là dịp để những người nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa nước làm sao để mùa vụ mới thu hoạch được nhiều lúa, chất lượng tốt. Bên cạnh đó, còn dạy thanh thiếu niên cách cấy lúa, cày ruộng… để các em có thêm kinh nghiệm làm nghề truyền thống của dân tộc mình. Chị Lâm Thị Tuyết ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh cho hay: Tại lễ xuống đồng, người dân chỉ cho thanh thiếu niên cấy lúa, sau đó thi đua ai cấy thẳng hàng và nhanh hơn, tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Mình cấy theo hướng mặt trời mọc, từ Đông qua Tây, để lúa hấp thụ ánh sáng được tốt nhất và phát triển nhanh.

Lễ hội xuống đồng được tổ chức tập trung trong cộng đồng tại xã Lộc Khánh. Đây không chỉ là nơi để mọi người giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ruộng trong mùa vụ mới, mà còn là dịp kết nối người dân gần nhau hơn, thể hiện tình đoàn kết. Qua đó, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer xã Lộc Khánh nói riêng và đồng bào Khmer tỉnh Bình Phước nói chung.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/147338/dac-sac-le-hoi-xuong-dong