Đặc sắc Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế

Ngày 16/3, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức lễ khánh thành Đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hoàng Hoa Thám (thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế).

Lễ khánh thành Đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 140 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Đền thờ Hoàng Hoa Thám và các hạng mục trong quần thể là một tập hợp những công trình tâm linh, văn hóa với kiến trúc mang tính truyền thống. Trong đó, nhiều hạng mục được thực hiện công phu, tỉ mỉ, khắc họa sâu sắc các giá trị văn hóa, tinh thần và đậm đà bản sắc dân tộc. Công trình có sự kết nối hài hòa với hệ thống các di tích, cảnh quan đã có làm tôn thêm ý nghĩa và giá trị quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại trung tâm đại bản doanh cuộc khởi nghĩa Yên Thế năm xưa.

Quang cảnh Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế.

Nơi đây sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhân dân, du khách thập phương khi tới Bắc Giang cũng như đến với Yên Thế. Đây cũng là địa chỉ giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, tôn vinh anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân, đồng thời cũng là nơi tôn nghiêm để du khách và nhân dân địa phương tưởng nhớ, gửi gắm những tâm nguyện an lành và hướng thiện.

Sau lễ khánh thành Đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân, các đại biểu đã dự khai mạc Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 2024). Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trình bày diễn văn khai hội, trong đó nhấn mạnh: Bắc Giang từ xưa được coi là "phên dậu"; nơi đây đã sớm hun đúc truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên mảnh đất Bắc Giang đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy, tiêu biểu hơn cả là cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do các vị thủ lĩnh áo nâu Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đứng lên chống thực dân Pháp, kéo dài gần 30 năm, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu của thế kỷ XX.

Ngày 16/3/1884, Đề Nắm (tức Lương Văn Nắm) đã cùng các nghĩa sĩ trở về đình Thế Lộc (nay là đình Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên) tổ chức lễ tế cờ, chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang chống thực dân Pháp xâm lược. Trong 8 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1892), Đề Nắm đã lập nên một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự trong rừng núi dọc bờ sông Sỏi, tổ chức lối đánh du kích tài tình, mưu trí dũng cảm, đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của thực dân Pháp. Tháng 3/1892, thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám (còn gọi là Đề Thám) - một vị tướng tài của nghĩa quân đứng lên tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa, trở thành thủ lĩnh với biệt danh "Hùm xám Yên Thế". Với tài năng quân sự lỗi lạc, ông đã dựa vào núi rừng để tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, làm cho giặc Pháp bao phen bạt vía, kinh hồn.

Lãnh đạo, khách mời tham dự Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế.

Khởi nghĩa Yên Thế được các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá "là cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử dân tộc chống thực dân Pháp trước khi có Đảng".

Đây là một minh chứng đầy thuyết phục về sức mạnh tiềm tàng của người nông dân, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Bản lĩnh, tinh thần và lòng yêu nước của hai vị thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế trở thành bản hùng ca bất diệt của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Việt Trung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dac-sac-le-hoi-ky-niem-140-nam-khoi-nghia-yen-the-post288153.html