Đặc sắc dân ca khu V tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam

Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP Quảng Nam đã đi khắp các vùng biên giới để tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam. Cách thức tuyên truyền của những người lính là chuyển từ văn bản sang những làn điệu dân ca dễ nhớ, dễ thuộc, liên hệ thực tế đến trách nhiệm của mỗi công dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo của đất nước.

Một hoạt cảnh tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam bằng làn điệu dân ca khu V. Ảnh: Văn Chương

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường truyền đi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến toàn dân bằng những câu thơ ngắn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thấm vào từng người dân và biến thành hành động cụ thể. Ví dụ như bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu năm 1969 được Bác viết bằng thể thơ lục bát: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào...”.

Dân ca khu V là di sản văn hóa của vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng, trong đời sống hằng ngày, những bài dân ca trao qua, đối lại đã giúp cho bao thanh niên, thôn nữ gửi lời hẹn hò, nên duyên vợ chồng. Thời chiến tranh, những vở kịch nổi tiếng được lưu diễn khắp vùng giải phóng, chiến khu cách mạng như: Thoại Khanh Châu Tuấn, Tiếng sấm Tây Nguyên, Đội kịch chim chèo bẻo, Người con gái khu Đông, Bà mẹ Gò Nổi, Một mạng người, Chuyện tình bên dòng sông Thu...

Đối với BĐBP Quảng Nam, công tác tuyên truyền luôn được những người lính hòa quyện giữa nghệ thuật với chủ đề, nội dung tuyên truyền và biến câu chuyện thành những làn điệu mượt mà, dễ nhớ, nghe rất thấm. Luật Biên phòng Việt Nam được tác giả Nguyễn Công Thúy viết thành vở kịch dân ca khu V có tựa đề: “Luật Biên phòng - một lòng nắm bắt, vững chắc biên cương, quê hương giàu mạnh”.

Những người mê làn điệu dân ca khu V luôn say sưa để thấm vào lòng những điệu hát bài chòi là Xàng Xê, Hò Quảng, Xuân Nữ, Cổ Bàn, Vè Quảng; các điệu lý thì có Lý ngựa ô, Lý năm canh, Lý thượng, Lý tang tích, Lý thương nhau, Lý đi chợ, Lý chiêu quân; các điệu hò lại có Hò khoan, Hò tát nước, Hò chèo thuyền, Hò giã gạo...

Ngay phần mở đầu tiểu phẩm tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam bằng dân ca khu V, tác giả đã sử dụng làn điệu Lý kéo chài: “Chúng ta về quê miền biên giới, với rừng xanh hải đảo đưa hương ngàn phương/ Bà con ai cũng sắt son cùng lính Biên phòng núi non và hải đảo trước sau một lòng/ Chung xây an vui bản làng nghiêm minh pháp luật biên phòng... biển rừng Quảng Nam, biên phòng biển rừng Việt Nam”.

Sau phần giới thiệu sơ lược về Luật Biên phòng Việt Nam có kèm 2 pa nô đẩy ra sân khấu, diễn viên giới thiệu Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương, 36 điều, với nhiều nội dung quy định. Ở phần nội dung này, các diễn viên đã khéo léo tạo ra phần cắt, chuyển nhịp, tạo nốt nghỉ, làm cho người xem bắt đầu chuyển sự chú ý từ màn này sang màn khác. Với dung lượng của một tiểu phẩm có hạn, các diễn viên căn cứ vào thực tế nhu cầu đời sống của người dân địa phương cần nắm bắt điều gì để đề cập tới vấn đề đó bằng những làn điệu dân ca.

Hai nhân vật xuất hiện trong tiểu phẩm là Y Teng và A Sùng, đồng thời cất lời, đặt ra một giả định, một tình huống ở địa bàn biên giới: “Mới đây, trong lúc lên nương/ Y Teng phát hiện cuối đường giáp biên/ Một nhóm sáu, bảy trung niên/ Lén la lén lút làm riêng, việc chi đáng ngờ/ Chúng ta không thể làm ngơ/ Với người lạ mặt từng giờ đến đây...”.

Đoạn sử dụng làn điệu Lý kéo chài này, các diễn viên đã lồng vào nội dung để lưu ý đồng bào địa phương về Điều 9 của Luật Biên phòng Việt Nam qui định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 quy định: “Xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Tại điểm d, khoản 2, Điều 9 quy định: “Tổ chức Nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng”.

Để nhấn mạnh vai trò của quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các diễn viên sử dụng điệu Lý hò hê và tiếp lời: “Tổ chức, cơ quan, toàn dân/ Trách nhiệm tham gia (mà) phối hợp giúp đỡ/ Đội ngũ biên phòng (mà) nhiệm vụ công tác luôn được thực thi/ Công dân biên giới ngại chi/ Nêu cao trách nhiệm dựng xây nền biên phòng...”.

Những hành vi nghiêm cấm trên địa bàn biên giới được các diễn viên sử dụng làn điệu Lý ngựa ô và dẫn dắt câu chuyện rất hay. Có lần, đoàn tổ chức biểu diễn phục vụ đồng bào ở huyện biên giới Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, một số người dân ngồi dưới sân khấu đã bắt nhịp theo và hát nhẩm một số đoạn họ đã thuộc sau lần xem trước đó bằng làn điệu Lý ngựa ô.

Có thể thấy rằng, tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa, trong đó sử dụng chất liệu dân ca để thể hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm tăng tính hấp dẫn đối với người xem, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dac-sac-dan-ca-khu-v-tuyen-truyen-ve-luat-bien-phong-viet-nam-post465293.html