Đã tìm ra nguyên nhân gần 7ha rừng ngập mặn chết khô ở Quảng Nam

Về việc gần 7 héc ta rừng ngập mặn tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị suy kiệt và chết dần trong một thời gian, tỉnh Quảng Nam đã mời các chuyên gia về khảo sát, đánh giá và xác định nguyên nhân.

Đoàn kiểm tra nhận định cây chết do sự gia tăng bất thường của lượng chất hòa tan trong nước, các trầm tích lắng đọng trong suốt quá trình sinh trưởng của cây.

Như VOV đã thông tin, nhiều năm qua, tại khu rừng ngập mặn rộng 25 héc ta ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm cây bị chết la liệt. Nhiều cây đước, mắm, bần hàng chục năm tuổi chết khô, thân cây nằm trơ trọi trên mặt nước.

Dưới gốc cây, đủ loại rác thải dày đặc, bốc mùi hôi thối. Nhìn từ xa nhiều người lầm tưởng khu vực này là một bãi rác thải. Bởi rác thải từ ngoài biển theo thủy triều trôi vào đây rồi vướng vào cây cối trong rừng ngập mặn, theo thời gian phủ dày đặc, gây ô nhiễm môi trường.

Nhìn từ trên cao, một mảng rừng ngập mặn rộng lớn đã bị chết khô

Người dân làm nghề đánh bắt thủy sản xem khu rừng ngập mặn như "lá phổi xanh" che chở, là nguồn sinh kế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, rừng chết khiến thủy sinh giảm, cá tôm ít dần nên nhiều người phải bán thuyền tìm nghề khác mưu sinh.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, sở đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án trồng rừng ngập mặn, tìm nguyên nhân và khẩn trương khắc phục tình trạng nhiều diện tích rừng bị chết khô.

Thân cây nằm trơ trọi trên mặt nước

“Các cây tại rừng ngập mặn như cây mắm, cây đước, cây bần bị chết do thường xuyên bị ngập mặn và ngập sâu. Ngoài ra, do sự gia tăng bất thường của lượng chất hòa tan trong nước, các trầm tích lắng đọng trong suốt quá trình sinh trưởng làm cây bị chết. Còn có tác động vật lý, ví dụ gió bão mạnh quá thì cây bị lay gốc, lâu ngày cây chết” ông Phạm Viết Tích nói.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành quan trắc, đánh giá nguyên nhân rừng ngập mặn chết để có giải pháp cụ thể. Các phương án được đưa ra là triển khai trồng rừng phục hồi phần diện tích cây chết, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp hơn. Ngoài ra, có thể chuyển cây sang các vị trí khác để triển khai trồng rừng cho phù hợp hơn, đồng thời xử lý vấn đề môi trường tại khu vực bị ô nhiễm môi trường.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/da-tim-ra-nguyen-nhan-gan-7ha-rung-ngap-man-chet-kho-o-quang-nam-post1086832.vov