Đã thương thì thương cho trót!

Của cho đã quý, cách cho lại càng quý nên cho làm sao để người nhận thấy ấm lòng và món quà từ thiện mang được ý nghĩa sẻ chia

Gần Tết, các nhóm thiện nguyện cũng tất bật với nhiều món quà chuẩn bị chuyển đến cho đồng bào còn khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa. Nhưng lẫn trong những món đồ trao đi cũng có không ít "rác" mà người cho hoặc vô tình hoặc hời hợt muốn tống khứ ra khỏi nhà.

"Rác" trong quà từ thiện

Gần cuối năm, chị N.T.T thêm một lần chọn lọc lại số quần áo cũ được nhiều người dân thành phố cho để mang đến với đồng bào vùng cao Đắk Lắk. Chị ngán ngẩm vì trong số đồ trên có đến 6 bao tải quần áo không thể sử dụng được. Những chiếc quần rách bươm, những chiếc mền thủng lỗ chỗ, áo sứt vai, rách tay… đều được dồn vào quà tặng.

Chị T. cho biết là đồ kêu gọi tặng từ thiện nên chị cũng không dám đưa ra yêu cầu gì nhiều. Nhưng đồ quá cũ nát làm sao tặng được. "Nhiều người cứ nghĩ đồ cho nên vứt đại những thứ mình không còn dùng vào quà từ thiện. Giống như thải rác nhà mình đi nơi khác mà không nghĩ một xíu nào đến cảm nhận của người được trao" - chị T. nói.

Một nhóm thiện nguyện tại TP HCM chọn lựa quần áo chuyển đến vùng cao. Ảnh: TRẦN LOAN

Một nhóm từ thiện khác (xin được giấu tên) cho biết từ lâu họ không còn nhận và trao quần áo cho người khó khăn nữa. Các bạn kể quần áo được tặng gồm đủ kiểu và rất nhiều đồ đã quá cũ nát. Những đồ này không thích hợp với người dân địa phương. Phải chi người cho để ý một chút thì món quà sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Món quà mình cho là đồ mình không sử dụng nữa chứ đừng nghĩ đó là món đồ mình muốn đưa ra khỏi nhà. Những món đồ mình chê thật sự cũng ít có người ham muốn.

Còn trao thực phẩm cũng gặp không ít chuyện bi hài. Sau đợt dịch COVID-19, mấy anh em nhóm thiện nguyện "Thực phẩm cho người nghèo" ở TP HCM kêu gọi các nhà hảo tâm tặng thực phẩm để đưa đến vùng cao giáp biên giới phía Bắc. Cả nhóm vui mừng vì một số doanh nghiệp trao tặng rất nhiều sữa, mì tôm, các loại thực phẩm chế biến sẵn… Nhưng khi kiểm đếm thì hỡi ôi, hơn một nửa đã gần hết hạn sử dụng. "Thực phẩm dùng để ăn dần, gần hết hạn sử dụng thì chúng tôi không dám trao. Trả lại cũng ngại, vứt đi thì phí. Thật là lưỡng nan" - một thành viên nhóm kể.

Sự giúp đỡ vắng mặt

Trao quà từ thiện quả là rất khó nếu thật sự hiểu được cảm nhận của người được trao. Bởi vậy, nhiều nhóm từ thiện rất tế nhị chọn cách cho mà mình xuất hiện càng ít càng tốt.

Trong những năm qua, nhóm thiện nguyện "Bữa ăn trên tường" đã tặng hơn 1 triệu suất cơm cho bệnh nhân ở các bệnh viện. Những bệnh nhân khó khăn được trao phiếu suất ăn và họ sẽ tự sử dụng khi có nhu cầu.

Cách làm tương tự được nhiều nhóm thiện nguyện thực hiện, với ý định mang lại sự tự nhiên, bớt ngại ngần cho người được nhận. Ý tưởng này xuất phát từ câu chuyện có thật diễn ra ở TP Venice (Ý). Khi một nhóm khách vào quán cà phê muốn mời ai đó khó khăn một ly cà phê thì họ sẽ trả thêm tiền cho chủ quán. Chủ quán sẽ viết vào một mảnh giấy và dán lên tường. Ai khó khăn nhưng muốn uống cà phê khi thấy trên tường có mảnh giấy sẽ tự nhiên vào quán và gọi: "Cho một ly cà phê trên tường". Người khách này không phải trả tiền nữa.

Cũng rất tế nhị, những năm qua trên các tuyến đường ở TP HCM xuất hiện "hệ thống" bình trà đá miễn phí. Với người lỡ độ, khó khăn, những bình nước trở thành sự chia sẻ nhẹ nhàng mà chủ nhân thầm gửi. Chuyện đơn giản này ai cũng làm được và thật sự có sức lan tỏa trở thành một nét đẹp đời thường. Nhiều người chú tâm hơn còn im lặng mang đến đặt ở nơi đó vài thùng nước đóng chai để người cần tiện mang đi. Người trao cũng vui mà người nhận cũng ấm áp.

Quý Tâm

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/da-thuong-thi-thuong-cho-trot-196240120200443406.htm