Đà tăng được củng cố, kỳ vọng VN-Index tiếp tục 'làm nên chuyện'

Thanh khoản đang trở lại, xu hướng tăng của VN-Index nhiều khả năng được nối dài, với mục tiêu tại 1.285 - 1.300 điểm, nhất là khi 'hiệu ứng KRX' rất có thể vẫn sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.

Phiên đầu tuần (4/3), VN-Index tiếp tục xu hướng tích cực lên mốc 1.261,41 điểm. Thanh khoản gia tăng với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 29.000 tỷ đồng với sự đồng thuận của cả dòng tiền nội và ngoại.

Hướng tới 1.300 điểm

Chốt tuần trước (1/3), VN-Index dừng tại 1.258,28 điểm, ghi nhận mức tăng 3,8%, vượt trội so với hầu hết các tuần giao dịch kể từ đầu năm 2024, qua đó đưa định giá PE của thị trường Việt Nam lên mức 16,2 lần. Làn sóng tích cực đã có sự phân hóa ra các nhóm ngành, thay phiên nhau dẫn dắt thị trường: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, bán lẻ, thủy sản, hóa chất.

Đà tăng của VN-Index được kỳ vọng nối dài, lên mức 1.300 điểm.

Về phương diện kỹ thuật, VN-Index sau khi vượt qua vùng kháng cự 1.250 điểm đã có nhịp điều chỉnh, nhưng thanh khoản duy trì tốt, hỗ trợ chỉ số sớm tăng trở lại. Tính riêng sàn HoSE, mức thanh khoản đang dao động trong khoảng 18.000 – 20.000 tỷ đồng/phiên tuần qua, con số này ngang với ngưỡng thời điểm trước phiên "rung lắc" 22/9/2023. Điều này cho thấy, tâm lý của giới đầu tư đã lạc quan hơn với thị trường.

Mặt khác, khối ngoại đã mua tích cực trở lại, sau loạt phiên bán tháo vào tuần trước đó. Tính riêng phiên cuối tuần (1/3), khối ngoại đã mua ròng hơn 200 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Mặc dù dư địa không còn quá lớn, cũng như cơ hội cũng không còn quá nhiều, chưa kể áp lực chốt lời tại nhóm trụ cột đang có dấu hiệu diễn ra cùng sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nhưng VN-Index vẫn được kỳ vọng duy trì đà tăng, với mục tiêu tại 1.285 - 1.300 điểm, nhất là khi rất có thể “hiệu ứng KRX” sẽ vẫn tác động tích cực tới thị trường.

Kế hoạch diễn tập chuyển đổi hệ thống KRX được đánh giá là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy hệ thống đã tới những bước thử nghiệm cuối cùng. KRX là hệ thống đã được kỳ vọng sẽ giúp thanh khoản tăng vọt, giải quyết được hiện tượng tắc nghẽn như đã xảy trong các năm 2020-2021. Đồng thời, sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường chứng khoán, giúp thị trường trở nên hấp dẫn hơn và kéo dòng tiền trở lại chứng khoán.

Chứng khoán BSC cho rằng, các chỉ báo kỹ thuật đều có xu hướng thúc đẩy đà tăng cho VN-Index, khả năng sẽ tiến đến ngưỡng 1.280 – 1.300 điểm. Tuy nhiên, thị trường vẫn có thể gặp chút "rung lắc" trước khi tiến lên vùng điểm này.

Tương tự, Chứng khoán VCBS đánh giá thanh khoản được duy trì ở mức cao, sự phân hóa luân phiên giữa các nhóm ngành cho thấy VN-Index sẽ giữ xu hướng tăng là chính và sớm hướng đến vùng 1.300 điểm. Song, cũng có xác suất VN-Index xuất hiện phiên "điều chỉnh" với biên độ 10 điểm.

Chứng khoán CSI cũng nhận định việc VN-Index vượt qua mức đỉnh cao nhất của năm 2023 mang tới kỳ vọng xu hướng tích cực sẽ tiếp diễn và tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Dù vậy, áp lực chốt lời vẫn khó có thể tránh khỏi.

Chú ý nhóm vốn hóa vừa và nhỏ

Giới phân tích khuyến nghị, các nhóm ngành tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua như ngân hàng, hóa chất, tài nguyên cơ bản nhiều khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời lớn hơn khi dòng tiền dịch chuyển đến các nhóm ngành khác như bất động sản công nghiệp, năng lượng. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời một phần khi thị trường tiến đến kháng cự mạnh tại 1.300 điểm.

Đối với các vị thế mua mới, chỉ nên tham gia trong những nhịp điều chỉnh tại nhóm cổ phiếu đảm bảo được các yếu tố quan trọng về xu hướng, dư địa tăng còn hấp dẫn, nhận được sự chú ý của dòng tiền, có cơ bản tốt và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

“Các mã cổ phiếu trong danh mục đã tăng quá cao và giá cổ phiếu rời xa vùng nền tích lũy, cần cân nhắc bán hạ tỷ trọng để bảo toàn lợi nhuận, chờ khi giá cổ phiếu có diễn biến tích lũy trở lại trước khi giải ngân mới”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích - Nghiên cứu, Chứng khoán Agriseco nhấn mạnh.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh thị trường vẫn giao dịch khá sôi động với thanh khoản và điểm số có sự cải thiện đáng kể, dòng tiền được kỳ vọng sẽ tiếp tục luân chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng mạnh. Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị tận dụng nhịp điều chỉnh để giải ngân với cổ phiếu vừa và nhỏ có dấu hiệu thu hút dòng tiền, có thời gian tích lũy và bắt đầu vào nhịp tăng, gồm các nhóm: bất động sản, hóa chất, chứng khoán. Đồng thời, cũng nên chú ý tới nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có câu chuyện cơ bản đủ hấp dẫn dòng tiền như bất động sản công nghiệp, đầu tư công, dầu khí.

Thực tế, trong những phiên gần đây, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã chứng kiến đà tăng đang suy yếu và đứng trước nguy cơ điều chỉnh bất kỳ lúc nào. Ngược chiều, dòng tiền đang chứng kiến sự xoay tua tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ để đón đầu, đẩy giá các cổ phiếu này đi lên với thanh khoản tăng vọt.

Với triển vọng tăng trưởng dài hạn vẫn được duy trì, lịch sử thị trường tháng 3 cũng thường có diễn biến khá tốt nhờ bước vào giai đoạn cao điểm công bố thông tin và mùa họp đại hội đồng cổ đông đến gần. Do đó hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn đang mở ra.

Hơn nữa, trong bối cảnh dư địa để VN-Index tiếp tục tăng thêm không còn nhiều, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ chỉ mới thu hút được dòng tiền và dư địa để dòng tiền gia nhập thêm là rất lớn, giúp giá của các cổ phiếu này dễ tăng hơn so với nhóm vốn hóa lớn đã tăng tương đối nhiều trong 2 tháng qua. Chưa kể nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn cách khá xa vùng đỉnh tháng 9 năm ngoái.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/da-tang-duoc-cung-co-ky-vong-vn-index-tiep-tuc-lam-nen-chuyen-1098535.html