Đà Nẵng lên phương án chuyển nhượng nhân tài

Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo góp ý chuyên đề “đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đề án đào tạo nguồn nhân lực; định hướng công tác thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã chỉ rõ thực trạng thu hút và sử dụng nhân tài hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, trong thời gian đến, TP. Đà Nẵng cần “chuyển nhượng” nhân tài.

Nhiều học viên tham gia đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã về Đà Nẵng làm việc. Ảnh minh họa.

Được biết, Đà Nẵng hiện đã bố trí và sử dụng 1.269 nhân lực theo diện được thu hút và đã có 639 lượt học viên được cử đi học theo đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) với 610 người tham gia.

Trong số 610 người tham gia đề án có 433 người đã tốt nghiệp, 85 người đang học và 92 người vi phạm hợp đồng và xin ra khỏi đề án.

Một trong những vấn đề các đại biểu tham dự hội nghị đặt ra là việc các nhân tài sau khi đào tạo cần có thời gian rèn luyện để nâng cao năng lực.

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TTTT cho rằng, Đà Nẵng ràng buộc thời gian cống hiến sau khi đào tạo nhưng nên chọn thời điểm nào là phù hợp. Không nên bắt buộc học viên phải về nước làm ngay mà nên tạo điều kiện cho họ rèn luyện ở nước ngoài 3 -5 năm. Khi học viên đã có kinh nghiệm, học tập thực tế về nước làm việc sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề nghị việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao không nên gò bó trong khu vực nhà nước. Và nên có hình thức chuyển nhượng cho các khu vực tư nhân có nhu cầu về nhân lực chất lượng cao. Việc chuyện nhượng này xem như cuộc đấu giá.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, một trong những bất cập trong sử dụng “nhân tài” hiện nay là việc nhân tài chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng “chảy máu nhân tài”.

Ngoài ra, tình trạng bất cân đối trong tư duy, giữa nhân tài và người sử dụng dẫn đến tình trạng người đào tạo có chính kiến nhưng lãnh đạo thường không muốn nghe theo, hoặc lãnh đạo không theo kịp trình độ. Cùng với đó là việc thiếu thiết bị, phương tiện để “nhân tài” ứng dụng thực tiễn.

Chị Phan Thị Thu Trang - một trong những học viên thuộc đề án 922, được đào tạo tại Anh Quốc chuyên ngành công nghệ sinh học phân tử (2010 – 2014), hiện đang bố trí tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP cho biết, ngoài khó khăn về điều kiện kinh tế, học viên về nước đối diện với việc thiếu máy móc thiết bị.

"Những kiến thức em học ở nước ngoài không thể đưa vào ứng dụng trong thực tế nghiên cứu tại trung tâm. Cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành cũng như môi trường làm việc hiện đại rất hạn chế" - Chị Trang nói.

Theo ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng nhận định, nhân dân kỳ vọng rất cao vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Có trường hợp “nhân tài” về nước khi bố trí công việc thì bị chê bai, đánh giá vì lý do không viết được văn bản đúng quy chuẩn, vô tình tạo áp lực và tâm lý xấu cho họ. Nhưng thực tế họ đi đào tạo là để phục vụ những chuyên ngành, phần việc cao hơn, lỗi này do việc bố trí công việc. Họ có tư duy phản biện nhưng không có môi trường phản biện, nói không khéo lại bị “chiếu tướng” lập tức.

“Việc nhân tài ra đi hiện này chủ yếu là do chúng ta ứng xử không phù hợp, lúc họ ở xa thì ta trải thảm đỏ, lúc về thì đối đãi không ra gì” ông Tiếng nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện Sở Nội Vụ Đà Nẵng còn cho rằng, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là việc làm cho tương lai, do đó chưa thể có đánh giá hiệu quả.

Khi đất nước hòa nhập sâu mới thấy đội ngũ này quan trọng. Đây là những hạt giống, tuy nhiên theo ông Thương hạt giống này phụ thuộc nhiều vào đất gieo và người chăm sóc.

Nhiều học viên tham gia đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã về Đà Nẵng làm việc. Ảnh minh họa.

H.Long

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/da-nang-len-phuong-an-chuyen-nhuong-nhan-tai-597596.bld