Đã đến lúc bỏ quy định giá trần đối với dầu của Nga?

Sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ thừa nhận việc áp giá trần đối với dầu của Nga không còn tác dụng, đã có ý kiến cho rằng phương Tây nên bãi bỏ quy định trên.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen mới đây đã phải thừa nhận rằng biện pháp giới hạn mức giá trần mà các nước G7 áp đặt đối với dầu của Nga không có tác dụng như những gì họ dự kiến.

Mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga đã được EU, các nước G7 và Australia thống nhất đưa ra vào ngày 5/12/2022, nhưng hiện tại Moskva đang bán dầu ở mức cao hơn đáng kể.

“Điều này cho thấy hiệu quả của việc quy định trần giá đã giảm đi phần nào” - bà Yellen bình luận khi trả lời câu hỏi về việc hiện nay dầu của Nga đang được giao dịch quanh mức 100 USD/thùng thì giá trần còn tác dụng hay không?

Ngoài ra bà Yellen cho biết, Nga đã dành rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để duy trì việc xuất khẩu dầu. Moskva đã bổ sung thêm đội tàu, cung cấp thêm bảo hiểm và loại hình giao dịch đó không bị vướng giới hạn về giá.

Với thực tế diễn ra, ngay tại phương Tây đã xuất hiện ngày càng nhiều những lời đề nghị nên khẩn trương dỡ bỏ lệnh cấm vận và áp trần giá đối với dầu của Nga để thay bằng hình thức khác.

Nhà báo Julian Lee đến từ hãng tin Bloomberg bình luận: "Hiện tại không có hạn chế nào phát huy tác dụng. Thu nhập của Nga không giảm nhưng rủi ro đối với môi trường lại tăng lên. Tôi không muốn phải nói điều này, tuy nhiên đã đến lúc chúng ta nghiên cứu bãi bỏ giá trần".

Sự thật là những biện pháp hạn chế mà phương Tây đưa ra không có tác dụng như đã định, chúng còn khiến Nga tăng cường sử dụng các tàu chở dầu cũ, không được bảo hiểm đầy đủ.

Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, chẳng hạn như hoạt động chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác làm tăng khả năng xảy ra thảm họa môi trường khi những con tàu mà Nga sử dụng phần lớn trên 20 tuổi.

Cần nhấn mạnh, việc quy định mức giá trần dường như đã có tác dụng đáng kể trong một khoảng thời gian nhất định. Loại dầu thô Urals phẩm cấp cao nhất của Nga được giao dịch dưới ngưỡng 60 USD trong 8 tháng đầu tiên.

Mặc dù vậy như người phụ trách chuyên mục của tờ Bloomberg đánh giá, những gì diễn ra liên quan nhiều đến động lực rộng của thị trường dầu mỏ chứ không phải biện pháp hạn chế của phương Tây.

"Mặc dù mục đích của cơ chế áp mức giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga là đáng khen ngợi, nhưng nó đang cho thấy sự thiếu hiệu quả", nhà phân tích cho biết.

Trong trường hợp phương Tây dỡ bỏ hạn chế có lẽ cũng không ảnh hưởng đến lượng dầu của Nga trên thị trường, khi chúng nó sẽ đến tay người mua theo cách tương tự như trước và trong cuộc xung đột Ukraine.

Nga hiện đã có đủ tàu để đưa tất cả số dầu thô này tới tay khách hàng nên khó có khả năng sẽ ảnh hưởng đến giá, chỉ tác động đến chất lượng của tàu chở dầu được sử dụng cũng như ai được trả tiền cho việc đó.

Thay vì áp trần giá, phương Tây có lẽ nên cố gắng thắt chặt các quy định đối với vận hành tàu cũ hoặc cấm hoàn toàn trước khi quá muộn và hàng tỷ USD Nga chi cho đội tàu này trở nên lãng phí.

Theo vị chuyên gia của tờ Bloomberg, bước đi trên có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, tuy nhiên lúc này nó chưa được thực hiện do phương Tây nhận xét các lệnh trừng phạt và cấm vận hiện đã đủ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/da-den-luc-bo-quy-dinh-gia-tran-doi-voi-dau-cua-nga-post553517.antd