Đa dạng sinh kế để làm giàu

Ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhiều người dân đã biết phát huy lợi thế từ đất đai cộng với sự trợ lực từ các chương trình, dự án của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Một trong số đó là ông Giàng A Chu, người Hà Nhì ở bản Pô Tô, xã Huổi Luông. Ông được nhiều người quý mến bởi tinh thần hăng say lao động sản xuất, tích cực giúp đỡ bà con thực hiện các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Nhiều hộ dân trong bản Pô Tô thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững. Ảnh: Thu Hằng

Sáng sớm, vợ chồng ông Giàng A Chu đã thức dậy để bày biện hàng hóa buôn bán cho một ngày mới. Cửa hàng của ông bà bán đồ tạp hóa và ăn sáng cho học sinh nên hôm nào cũng phải dậy sớm chuẩn bị. Ông phụ giúp vợ bán hàng một lúc rồi đi lùa đàn trâu lên rừng chăn thả vừa tranh thủ làm nương, cắt cỏ cho trâu.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chu rất phấn khởi vì cuộc sống của gia đình ông và người dân trong xã hiện tại đổi thay rất nhiều nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ông Chu kể: “Ngày xưa, vùng này chưa có đường đi, chưa có trường học, chưa có điện, cuộc sống vô cùng vất vả. Năm 1990, chúng tôi vẫn phải đi đào củ mài để ăn. Mãi đến năm 2000 mới hết cảnh đói. Bây giờ, đường nhựa đã tới trung tâm xã, đường tới các bản đều được đổ bê tông. Năm 2005 có điện lưới tới trung tâm xã, sau đó được kéo tới các thôn bản. Cùng với đó, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đều được xây dựng khang trang. Đời sống của bà con được nâng lên rất nhiều. Đây là kết quả của việc triển khai các chính sách đầu tư của Nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số, trước đây là Chương trình 135, Nghị quyết 30A của Chính phủ... và hiện tại là các chương trình mục tiêu quốc gia. Chúng tôi rất kỳ vọng việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tạo lực đẩy lớn giúp vùng biên giới thay đổi toàn diện”.

Không ngại khó, không ngại khổ, với đức tính cần cù, chịu khó, trong nhiều năm qua, ông Giàng A Chu đã tích cực lao động sản xuất, gây dựng cơ ngơi khá giả ở vùng biên Huổi Luông. Ông chia sẻ: “Nếu chăm chỉ làm ăn thì đất đai sẽ không phụ công mình. Tôi muốn làm tốt mọi việc để bà con học theo, từ việc tăng gia sản xuất tới việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn văn hóa truyền thống”.

Từ năm 1990, ông Chu đã có tư duy kinh doanh hàng hóa. Hồi đó, chưa có đường đi, ông Chu dắt ngựa xuống tận xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ thồ dầu, mắm, muối, các mặt hàng thiết yếu về xã Huổi Luông bán kiếm lời. Cùng với buôn bán, ông Chu vẫn duy trì làm nông nghiệp. Gia đình ông trồng lúa, ngô và các loại cây có năng suất, giá trị kinh tế cao tùy theo nhu cầu của thị trường. Năm 2013, nhận thấy phía Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về chuối, ông Chu là một trong số những người đầu tiên ở xã Huổi Luông chuyển đổi diện tích trồng lúa, ngô năng suất thấp sang trồng chuối. Sau đó, người dân Huổi Luông học theo và hình thành vùng trồng chuối lớn nhất, nhì huyện Phong Thổ.

“Thời đó, cây chuối trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của Huổi Luông. Trồng chuối không mất nhiều tiền giống đầu tư, cũng không mất công chăm sóc mà lại được giá, bà con rất phấn khởi. Tôi trồng 2ha chuối, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng, gấp 3 lần trồng ngô” - ông Chu so sánh.

Với lợi thế nhiều đất đai, ông Chu không chỉ trồng chuối mà còn trồng 4ha sắn. Ông Chu cho hay: “Năm 2022, giá sắn xuống thấp, tôi chỉ thu hoạch một ít, bán được 50 triệu đồng, số còn lại tôi vẫn để trên rẫy cho lớn thêm. Năm nay, giá sắn nhỉnh lên nhiều rồi, khoảng 2.000 đồng/kg, tôi sẽ nhổ bán dần”.

Mô hình trồng sắn năng suất cao của gia đình ông Giàng A Chu được người dân học tập kinh nghiệm, nhân rộng tại địa phương. Ảnh: Thu Hằng

Với tư duy kinh tế nhạy bén, nhận thấy đất đai, khí hậu của Huổi Luông phù hợp với một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, ông Giàng A Chu đã mạnh dạn đầu tư trồng 2ha nghệ đen. “Loại cây này không phải chăm sóc nhiều, chỉ cần trồng đúng thời vụ là được ăn. Giá nghệ đen bây giờ là 6.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi thu hoạch được khoảng 3 bao. Loại củ này không dễ thu hoạch, mình phải làm khéo, đào sâu mới lấy hết được củ, nếu không sẽ bị gãy, do đó, không làm nhanh được. Từ đầu mùa tới giờ, tôi mới thu hoạch và bán khoảng hơn 3 tạ, thu được 20 triệu đồng” - ông Chu kể.

Ngoài nghệ đen, ông Chu còn trồng thêm thông và sa nhân, chăn nuôi trâu bò. Hiện, ông nuôi 7 con trâu, 1 con bò. Với sinh kế đa dạng, gia đình ông Chu đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong xã. Ông phấn khởi cho biết: “So với 20 năm trước, cuộc sống gia đình tôi khá giả hơn nhiều. Những người dân khác cũng vậy, được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi đã mạnh dạn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, có tiền mua sắm đồ đạc, xây nhà kiên cố”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Chu còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong bản, trong xã kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng như vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế để từng bước phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, ông đã có những ý kiến tư vấn, động viên bà con mạnh dạn đăng ký mô hình sản xuất kinh doanh, vay vốn trồng rừng, trồng cây gỗ lớn vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, vận động bà con giữ gìn văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục, giáo dục con cháu không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.

Ông Chu vui vẻ cho biết: “Hiện nay, bà con Hà Nhì chúng tôi còn giữ được trống chiêng, trang phục truyền thống, các điệu múa, bài hát của ông cha để lại như hát mừng nhà mới, hát giao duyên. Trong bản đã thành lập đội văn nghệ thường xuyên duy trì tập luyện và biểu diễn tại các dịp sinh hoạt cộng đồng, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc... Đội văn nghệ của bản cũng thường xuyên đi giao lưu với các thôn bản và các địa phương khác”.

Bằng sự cần cù, chịu khó và tinh thần vươn lên, ông Giàng A Chu đang có những đóng góp gián tiếp vào kết quả triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, công tác dân tộc ở địa phương.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/da-dang-sinh-ke-de-lam-giau-post470515.html