Đã có hơn 131 triệu người mắc COVID-19

Quang cảnh bên ngoài một nhà hàng tại Washington DC., Mỹ ngày 2/4/2021 - Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 4/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 131.342.561 ca mắc COVID-19 và 2.858.675 ca tử vong.

Hàng triệu tín đồ Cơ đốc trên khắp thế giới đang đón một mùa lễ Phục sinh trong không khí ảm đạm do các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng vọt.

Mỹ và Brazil tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với lần lượt 31.383.064 ca mắc (trong đó 568.513 ca tử vong) và 12.953.597 ca mắc (330.297 ca tử vong).

Tại quốc gia láng giềng phía Bắc của Mỹ là Canada, số ca mắc COVID-19 trong ngày 3/4 đã vượt 1 triệu ca. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Canada là quốc gia thứ 23 trên thế giới có trên 1 triệu ca mắc COVID-19.

Cứ 3-4 tuần, Canada lại có thêm khoảng 100.000 ca mắc mới. Những ngày gần đây, chính quyền một số tỉnh tại Canada đã phải áp đặt trở lại những biện pháp hạn chế nhằm nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Mô hình dịch bệnh liên bang đã chỉ ra rằng đường cong dịch bệnh chỉ có thể được san bằng nếu các biện pháp hạn chế được thắt chặt hơn.

Tại Ontario, tỉnh đông dân nhất Canada, trong 48 giờ qua đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc COVID-19 mới/ngày. Bộ trưởng Y tế Ontario, Christine Elliott cho biết Toronto và Vùng Peel vẫn là những khu vực dịch bệnh hoạt động mạnh nhất, trong khi Hamilton và Ottawa cũng đang chứng khiến số ca nhiễm gia tăng. Số liệu trên được công bố khi biện pháp "phanh khẩn cấp" trên toàn Ontario đã có hiệu lực.

Theo thống kê của Global News, tính đến 19 giờ 20 (giờ miền đông ở Bắc Mỹ), số ca mắc COVID-19 trên toàn Canada là 1.000.550 ca, trong đó ít nhất 921.200 người được coi là đã hồi phục, trong khi 23.051 người đã tử vong.

Ở Nam Mỹ, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo Phủ tổng thống Argentina, hiện Tổng thống Fernandez đã được cách ly theo quy định và hiện tình trạng sức khỏe ổn định.

Thông cáo y tế cho biết, kết quả xét nghiệm PCR xác nhận nhà lãnh đạo Argentina mắc COVID-19 ở thể nhẹ do đã được bảo vệ bởi liều vaccine tiêm từ trước. Hiện sức khỏe của Tổng thống Fernandez ổn định, không có triệu chứng bất thường và mọi việc đều trong tầm kiểm soát của cơ quan y tế.

Trước đó một ngày, Tổng thống Fernandez có dấu hiệu sốt nhẹ và được chỉ định thực hiện xét nghiệm COVID-19 và cho kết quả dương tính. Tổng thống đã được yêu cầu cách ly theo quy định cùng với tất cả những người có tiếp xúc gần trong vòng 48 giờ trước đó.

Trươc đó, trên trang Twitter cá nhân, ông Fernandez cho biết sau khi bị sốt 37,3 độ C, ông đã được tiến hành xét nghiệm và dương tính với virus SARS-CoV-2. Phát biểu với truyền thông, Tổng thống Fernandez cho rằng nếu không được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước đó, ông có thể đã có “một khoảng thời gian rất tồi tệ”.

Tổng thống Argentina, năm nay 62 tuổi, là vị nguyên thủ đầu tiên ở Mỹ Latinh được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin trong Phủ tổng thống Argentina cho biết Tổng thống Fernandez được tiêm mũi vaccine Sputnik V thứ hai hôm 11/2.

Argentina hiện đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai. Quốc gia Nam Mỹ với 45 triệu dân này đã ghi nhận hơn 2,3 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 56.000 ca tử vong.

Tại châu Âu, bất chấp lệnh phong tỏa ở Đức, ngày 3/4, hàng nghìn người đã biểu tình tại thành phố Stuttgart thuộc bang Baden-Württemberg để bày tỏ phản đối các biện pháp hạn chế do đại dịch COVID-19. Những người này hầu như không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách.

Cảnh sát cho biết sẽ can thiệp để giải tán cuộc biểu tình. Chỉ số lây nhiễm tại TP Stuttgart đã vượt quá 100 vào ngày 2/4 trong ngày thứ 3 liên tiếp. Theo kế hoạch, thành phố này sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm, bắt đầu từ ngày 4/4.

Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình dịch bệnh cũng đang nóng lên sau khi ghi nhận 44.756 ca mắc mới, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch, đưa tổng số ca mắc lên 3.445.052 ca. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 186 ca lên 32.078 ca. Tỷ lệ bị viêm phổi ở bệnh nhân COVID-19 hiện là 3,6%.

Tại khu vực Trung Đông, Palestine ngày 3/4 đã quyết định nới lỏng các hạn chế ở khu vực Bờ Tây đến ngày 12/4. Theo đó, tất cả nhà trẻ và trường trung học cơ sở sẽ mở cửa lại vào ngày 11/4, các khối lớp còn lại duy trì học trực tuyến.

Các trung tâm thương mại và nhà hàng cũng được phép mở lại nhưng phải tuân thủ các quy định phòng dịch và chỉ được cho phép tối đa 50% số nhân viên cùng lúc. Trong khi đó, biện pháp phong tỏa toàn bộ vào cuối tuần và lệnh giới nghiêm ban đêm vào các ngày trong tuần vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Tại Iran, hàng nghìn người dân dương tính với SARS-CoV-2 vẫn đi lại khắp đất nước, khi những khoản tiền phạt không đủ sức ngăn họ di chuyển trong dịp lễ đón năm mới. Iran đang đối diện với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư sau khi hàng triệu người dân nước này di chuyển, đi lại trong dịp lễ Nowruz, lễ hội đón năm mới của người dân Iran. Bộ Y tế Iran đã xác nhận, hai tỉnh Alborz, sát thủ đô Tehran, và tỉnh miền tây Ilam đang đứng trước làn sóng thứ tư.

“Nếu không có sự quan tâm đúng mức, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng này ở các tỉnh khác. Vì thế, mọi người phải cẩn trọng - Tổng thống Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình khi tham dự phiên họp của lực lượng đặc trách chống COVID-19 ngày 3/4.

Iran hiện ghi nhận tổng cộng 1,9 triệu ca nhiễm, với 63.000 người tử vong và là nước có mức tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực. Giới chức y tế nước này cho biết, số ca nhiễm mới tăng nhanh hai tuần sau lễ Nowruz (bắt đầu ngày 20/3). Đây là dịp nghỉ lễ kéo dài và người dân có thói quen đi lại, thường là tới các tỉnh có phong cảnh đẹp, vùng phía bắc biển Caspi và thăm gia đình, bè bạn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Iran Mohammad Eslami trước đó dự báo có khoảng 33 triệu người di chuyển trong dịp nghỉ lễ này, trong đó có ít nhất 7,8 triệu người sử dụng phương tiện công cộng.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254095/da-co-hon-131-trieu-nguoi-mac-covid-19.html