Đa cấp đang 'giết dần' thị trường BĐS TP.HCM

Thị trường BĐS ấm lên trong thời gian vừa qua có công không nhỏ của các nhân viên bán hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản (BĐS) cho rằng, cũng chính đội ngũ này là thủ phạm “giết” dần...

...mòn thị trường BĐS do kiểu bán hàng “đa cấp” gây hại cho thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP.HCM, việc các dự án chung cư chưa nghiệm thu đã đưa khách hàng vào ở, xây dựng trái phép… Thậm chí, căn hộ đã thế chấp ngân hàng vẫn bán được cho khách hàng. Ngoài yếu tố khách quan, thì bằng sự hoạt ngôn, những nhân viên bán hàng kiểu đa cấp đã “nhúng tay” vào thị trường này…

Khi đa cấp chuyển nghành?

Do xuất phát từ việc thị trường đóng băng quá lâu, lãi xuất ngân hàng tăng cao… dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị tàn phá tài chính. Không ít chủ đầu tư phải nằm trên bờ vực phá sản. Để trụ lại, nhiều doanh nghiệp phải chạy đủ cách, từ huy động vốn đến tăng cổ phiếu mua bán, nhằm trụ lại để đợi thị trường BĐS ấm lên.

Từ năm 2012, khi kinh doanh đa cấp bị bóc mẽ ở khắp nơi, không ít nhân viên đa cấp đã chuyển qua hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Với cách thức bán hàng “hoạt ngôn lém lỉnh”, đội ngũ này đã giúp nhiều doanh nghiệp, công ty vượt qua “cái chết”.

Tuy nhiên, khi đã hồi phục, nhiều doanh nghiệp tiếp tục chọn cách đi lên bằng những việc làm phi pháp, sai luật. Sau một thời, vấn nạn này bắt đầu lộ dần những khiếm khuyết “chết người” khi nhiều dự án trong giai đoạn hoàn thành, bắt đầu giao nhà cho cư dân.

Cư dân chung cư The Harmona phản đối chủ đầu tư mang căn hộ của họ cắm ngân hàng

Đơn cử như vụ, hàng hộ dân sống ở chung cư Bảy Hiền Tower ở số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình bỗng dưng bị cắt điện trong 3 tháng và phải dọn đồ ra khỏi nhà vì sai phạm của chủ đầu tư Công ty Long Hưng Phát.

Khổ không kém, cư dân sống ở chung cư Harmona (33 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình) ăn ngủ không yên trước nguy cơ “vô gia cư”, khi bị đuổi ra đường để bàn giao tài sản cho ngân hàng BIDV. Nguyên nhân, chủ đầu tư mang chung cư này đi thế chấp ngân hàng nhưng vẫn bán cho họ.

Khách hàng cẩn trọng “chọn mặt gửi vàng”

Theo ông Đực: “Nhiều sàn giao dịch BĐS có đội ngũ lãnh đạo, nhân viên có nguồn gốc từ bán hàng đa cấp. Thay vì môi giới theo đúng chất lượng để giữ uy tín, họ lại dùng các “kỷ xảo” để lừa lối khách hàng. Họ kéo được khách hàng, kích thích sức mua của người dân để cứu những dự án, doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản. Có thể nói, họ là “người hùng”, nhưng cũng chính họ là người làm lũng đoạn thị trường BĐS”.

Trước đó, tại buổi làm việc gần đây với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng, ông Trần Bá Dương - Tổng Giám đốc Công ty Đại Quang Minh cảnh báo, hiện nay trên thị trường BĐS có nhiều công ty vẫn tiếp tục kinh doanh theo kiểu bán hàng đa cấp, cam kết lợi nhuận theo từng năm.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp thường bị say sau “thắng lợi”. Nhưng ở bất cứ một mặt trận nào, kẻ chiến thắng nếu ngủ quên sẽ bị gục ngã do không tỉnh táo để đánh giá lại bản thân, phân tích đúng xu thế thị trường.

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc sở Xây dựng TP HCM cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, thành phố có 550/1.200 dự án nhà ở với trong đó có 78.308 căn hộ triển khai, mua bán tốt, thị trường tăng trưởng đều. Các vấn đề lùm xùm tại các dự án 4s, The Harmona, Bảy Hiền, Rubyland… chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Còn tại những dự án phát sinh tranh chấp thường có điểm chung là chủ đầu tư không chuyên nghiệp, thiếu chiến lược, họ chỉ làm một vài dự án theo xu hướng của thị trường, tùy tiện dẫn đến vi phạm pháp luật, dù tính chất vi phạm khác nhau”.

Box: Luật sư Nguyễn Đức Chánh – Đoàn Luật sư TPHCM khuyến cáo: “Khi mua nhà, chung cư cần xem xét kỹ uy tín, năng lực của chủ đầu tư thay vì nghe “lời hay” của nhân viên tư vấn. Để đảm bảo an toàn, người mua cần yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án”.

Kỳ Phương

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/bda-cap-dang-giet-dan-thi-truong-bds-tphcmxmlnamespace-prefix-o-opopb-87574/