CZ lên tiếng về mối liên hệ của Binance với Trung Quốc

Các tài liệu của công ty cho thấy sàn giao dịch tiền mã hóa đã phụ thuộc vào Trung Quốc vài năm sau khi tuyên bố rút lui khỏi quốc gia này vào năm 2017.

CEO Binance đã trực tiếp bác bỏ những cáo buộc về việc Binance che giấu mối quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Financial Times.

Theo các tài liệu nội bộ được Financial Times ghi nhận, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance đã che giấu hoạt động kinh doanh và một văn phòng tại Trung Quốc, dù tuyên bố rút lui hoạt động khỏi nước này hồi cuối năm 2017.

Tuy vậy, Giám đốc Điều hành công ty Changpeng Zhao đã bác bỏ các cáo buộc và cho biết tính minh bạch của công nghệ blockchain là bằng chứng đầy đủ để bác bỏ những tuyên bố trên của trang tin tức.

Bác bỏ các cáo buộc

Hôm 29/3, Giám đốc Điều hành Binance Changpeng Zhao đã lên tiếng trên Twitter bác bỏ các cáo buộc về việc Binance che giấu sự hiện diện và liên kết với Trung Quốc và không rời khỏi quốc gia này vào năm 2017 mặc dù đã tuyên bố làm như vậy.

Ông cho biết trên trang Twitter cá nhân rằng tính minh bạch vốn có của công nghệ blockchain là bằng chứng đầy đủ để bác bỏ những tuyên bố sai của các trang tin tức truyền thống.

Động thái này được đưa ra sau khi sàn giao dịch bị các nhà quản lý Mỹ kiện về những cáo buộc rằng nó đã phục vụ bất hợp pháp các khách hàng Mỹ.

Binance đã chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý kể từ tháng 11/2022, sau sự sụp đổ của FTX. Ảnh: Reuters.

Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cũng cáo buộc Binance “cố ý” không tiết lộ vị trí của các văn phòng điều hành và tuyên bố rằng công ty “gắng né tránh quy định”.

Vụ kiện của CFTC diễn ra khi chi nhánh của Binance tại Mỹ đối mặt với sự giám sát của Washington về đề xuất mua tài sản trị giá 1 tỷ USD thuộc về Voyager Digital, một công ty cho vay tiền mã hóa đã phá sản. Việc mua lại đang được xem xét bởi Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).

Binance cho biết chi nhánh tại Mỹ của họ cấp phép cho công nghệ của công ty mẹ nhưng là một thực thể hoạt động độc lập. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các liên kết giữa hai bên, bao gồm cả với ông Zhao, chủ sở hữu của Binance US.

“Rõ ràng, chính phủ Trung Quốc, giống như bất kỳ chính phủ nào khác, không có quyền truy cập vào dữ liệu của Binance trừ khi chúng tôi đáp ứng các yêu cầu thực thi pháp luật hợp pháp và hợp pháp”, Binance cho biết.

“Thật không may là các nguồn ẩn danh đang trích dẫn những tài liệu quá cũ và các sự kiện có tính chất sai lệch nghiêm trọng. Đây không phải là bức tranh chính xác về hoạt động của Binance”, Binance nói với Financial Times.

Trước công chúng, ông Zhao đã nhiều lần phủ nhận rằng Binance là một công ty Trung Quốc. Trong một bài đăng trên blog vào 2022, ông nói rằng chỉ có “một số lượng nhỏ các đại lý dịch vụ khách hàng” vẫn còn ở Trung Quốc vào cuối năm 2018.

“Các thành viên nhóm sáng lập ban đầu có trụ sở tại Thượng Hải đã rời Trung Quốc chỉ hai tháng sau khi công ty được thành lập, sau các cuộc đàn áp đối với ngành công nghiệp tiền mã hóa ở Trung Quốc”, Binance cho biết.

Binance nói thêm rằng họ không hoạt động ở Trung Quốc, cũng như không có bất kỳ công nghệ nào bao gồm máy chủ hoặc dữ liệu ở quốc gia này.

Mối liên hệ với Trung Quốc

Vào cuối năm 2017, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm “toàn diện” đối với ngành tiền mã hóa, đồng thời mở một cuộc "đàn áp" đối với các loại tài sản kỹ thuật số.

Một số lãnh đạo cấp cao của Binance, bao gồm cả ông Changpeng Zhao, được cho là đã cố tình che giấu phạm vi và địa điểm hoạt động của mình tại Trung Quốc mặc dù đã tuyên bố rút lui khỏi quốc gia này.

Báo cáo còn cho thấy công ty đã thông qua một ngân hàng Trung Quốc để trả lương cho nhân viên cho đến cuối năm 2019.

Đại diện Binance cũng khẳng định công ty chỉ thành lập một tổng đài chăm sóc khách hàng tại Trung Quốc để phục vụ những người nói tiếng Trung. Ảnh: Bloomberg.

“Chúng ta không còn công bố địa chỉ văn phòng của mình nữa. Những người ở Trung Quốc có thể trực tiếp nói rằng văn phòng của chúng ta không ở Trung Quốc”, CZ nói trong một đoạn tin nhắn nội bộ của công ty vào tháng 11/2017.

Các tài liệu nhấn mạnh việc Binance đã tìm cách che giấu phạm vi và địa điểm hoạt động của mình với các cơ quan quản lý tại Mỹ. Cụ thể, ông Zhao khẳng định hầu hết nhân viên của Binance đã rời Trung Quốc sau năm 2017.

Dù vậy, vào cuối năm 2019, các nhân viên của công ty đã thảo luận về một thông cáo báo chí tuyên bố rằng Binance đang mở văn phòng tại Bắc Kinh.

Nhân viên được cảnh báo chỉ công nhận các văn phòng tại Malta, Singapore và Uganda, tránh đề cập đến các địa điểm khác, bao gồm Trung Quốc.

“Nhắc nhở: chúng ta có văn phòng ở Malta, Singapore và Uganda. Vui lòng không xác nhận bất kỳ văn phòng nào ở bất kỳ nơi nào khác, kể cả Trung Quốc”, thông báo được Financial Time ghi nhận, viết.

Việt Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cz-bac-bo-cao-buoc-binance-che-giau-moi-lien-he-voi-trung-quoc-post1416888.html