Cứu sống và bảo tồn thai trong tử cung cho sản phụ bị vỡ túi thai ngoài tử cung

Đây là một trường hợp hi hữu và xử lý thành công là niềm vui không chỉ của gia đình bệnh nhân, mà của cả tập thể cán bộ, viên chức Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.

Bác sĩ (BS) chuyên khoa 2 (CK2) Phạm Văn Lực, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang cho biết, ca phẫu thuật cấp cứu hi hữu này được thực hiện vào sáng 27-4. Cụ thể, Khoa sản - Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc H. (46 tuổi, ngụ xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) trong tình trạng đau bụng dữ dội, chóng mặt, da xanh, niêm nhạt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp 70/40 mmHg, bụng chướng căng.

Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân đã được thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) vào ngày 31-3-2022. Bệnh nhân có tiền sử mổ nội soi 3 lần để bóc nhân xơ tử cung, 1 lần mổ cắt ruột thừa và đang điều trị vô sinh.

Bệnh nhân được siêu âm khẩn, ghi nhận 1 túi thai trong lòng tử cung khoảng 6 tuần 3 ngày; đồng thời, phát hiện hình ảnh nghi ngờ xuất huyết nội do thai ngoài tử cung vỡ. Êkip trực tiến hành hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân sốc xuất huyết nội nghi do thai ngoài tử cung vỡ.

Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch, nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật kịp thời, êkip trực do Ths.BS Nguyễn Kim Thanh Lan làm trưởng êkip trực đã tích cực hồi sức; đồng thời, báo động đỏ nội viện được kích hoạt và nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên phòng phẫu thuật. Tại phòng mổ, êkíp mổ tiếp tục hồi sức cùng lúc tiến hành phẫu thuật cấp cứu, khẩn trương chuẩn bị truyền máu.

Êkip mổ cấp cứu vừa tích cực vừa cầm máu cứu sống bệnh nhân, vừa phải tránh va chạm bảo tồn túi thai còn lại trong lòng tử cung của bệnh nhân. Ảnh do bệnh viện cung cấp

Ths.BS Nguyễn Kim Thanh Lan cho biết: “Trong lúc phẫu thuật, êkip mổ chúng tôi phát hiện ổ bụng bệnh nhân có nhiều máu, nhiều mạc nối dính vào thành bụng. Chúng tôi tiến hành lấy bớt máu, ghi nhận tử cung to khoảng thai 6 tuần, phần phụ 2 bên không quan sát được do dính phức tạp với mạc nối ruột vào mặt sau tử cung.

Êkip gỡ dính để bộc lộ vị trí chảy máu, phát hiện khối thai ngoài tử cung đã vỡ bám trên phần tai vòi phải sát góc tử cung, nên kẹp cắt phần tai vòi chứa thai đến sát góc tử cung, khâu cầm máu kỹ. Tổng lượng máu trong ổ bụng được ghi nhận trong cuộc mổ khoảng 2 kg.

Bệnh nhân có nhóm máu AB là nhóm máu hiếm. Trong khi đó, thời gian qua do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chương trình hiến máu nhân đạo làm cho nhóm máu AB trở nên cạn kiệt tại Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.

Ban Giám đốc bệnh viện đã khẩn trương liên hệ Bệnh viện Quân y 120 nhờ chi viện máu để kịp thời cấp cứu bệnh nhân. Nhờ tích cực hồi sức và phẫu thuật, bệnh nhân qua khỏi nguy hiểm; đồng thời, bảo tồn được túi thai còn lại trong tử cung”.

Theo BSCK2 Phạm Văn Lực, thai ngoài tử cung là tình trạng có thai, nhưng khối thai lại không phát triển trong lòng tử cung như bình thường. Các vị trí có thể gặp là vòi trứng, buồng trứng, trong ổ bụng, ở cổ tử cung, trên vết mổ thành tử cung, vòi trứng là nơi thường gặp nhất. Thai đóng ở chỗ nối của vòi trứng và tử cung, gọi là thai đoạn kẽ. Đây là vị trí nguy hiểm nhất vì có thể gây vỡ sớm hơn, chảy máu nhiều và nhanh hơn, khó chẩn đoán hơn.

Đặc biệt trường hợp bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm dẫn đến 1 thai trong tử cung và 1 thai nằm ngoài tử cung là rất hiếm gặp, đòi hỏi BS phẫu thuật phải có tay nghề cao vì vừa cầm máu cứu sống bệnh nhân, vừa phải tránh va chạm bảo tồn túi thai còn lại trong lòng tử cung của bệnh nhân.

Hiện tại bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, thai được bảo tồn và đang được Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang tiếp tục theo dõi.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202204/cuu-song-va-bao-ton-thai-trong-tu-cung-cho-san-phu-bi-vo-tui-thai-ngoai-tu-cung-949738/