Cứu sống bệnh nhân 60 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng

Vào viện được 6 giờ, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan. Sau hội chẩn, các bác sĩ Viện Y học biển quyết định lọc máu liên tục cho bệnh nhân, đồng thời hồi sức và theo dõi huyết động không xâm lấn...

Đại diện Viện Y học biển (TP. Hải Phòng) cho cho biết, Khoa Cấp cứu-hồi sức tích cực và chống độc biển của đơn vị vừa điều trị, cứu sống bệnh nhân nữ (60 tuổi) bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nhờ vào kỹ thuật lọc máu liên tục.

Theo đó, trước khi được đưa vào viện cấp cứu, người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, đã có biến chứng suy tim và vẫn đang điều trị đều theo đơn. Thời điểm vào viện, bệnh nhân bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng kèm theo sốt nhẹ ngày thứ nhất. Tuy nhiên, khi vào viện tình trạng bệnh nhân diễn biến nhanh dù đã được dùng kháng sinh sớm, bù dịch và điện giải.

Bệnh nhân 60 tuổi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng được bác sĩ cứu sống.

Sau khi vào viện được 6 giờ, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan (suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy thận, rối loạn đông máu, nhiễm toan máu nặng). Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực bằng truyền dịch, thuốc vận mạch, kháng sinh phổ rộng, nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu (mạch nhanh 150-160 l/p, huyết áp có thời điểm chỉ 60/40 mmHg) dù đã phối hợp với các thuốc vận mạch với liều cao.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Viện Y học biển quyết định lọc máu liên tục cho bệnh nhân, đồng thời hồi sức và theo dõi huyết động không xâm lấn. Sau 1 ngày lọc máu và hồi sức tích cực, liều thuốc vận mạch đã được giảm từ 1.2 mcg/kg/phút xuống 0.2 mcg/kg/phút, điểm SOFA giảm từ 15 xuống 10 điểm. Sau 30 giờ lọc máu, bệnh nhân dừng được thuốc vận mạch và sau 36h, người bệnh được dừng lọc máu.

Cũng theo đại diện bệnh viện, sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, tiểu được, mạch huyết áp ổn định và sau nửa tháng điều trị, người bệnh đã hồi phục hoàn toàn, có thể được xuất viện về nhà.

Nói về bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Bảo Nam – Phó Viện trưởng kiêm Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc biển (Viện Y học biển) cho biết: Người bệnh bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng là tình trạng bệnh lý rất nặng, diễn biến cấp tính, tử vong cao nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, đặc biệt là lọc máu liên tục nhằm điều chỉnh nhiễm toan máu, suy tạng. Do đó, việc lọc máu liên tục là phương pháp điều trị hiện đại, được tiến hành liên tục để thải các chất độc trong cơ thể bệnh nhân do nhiều tình trạng bệnh lý gây nên.

Đức Tùy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuu-song-benh-nhan-60-tuoi-bi-soc-nhiem-khuan-suy-da-tang-169231101180402898.htm