Cứu người trong tình huống khẩn cấp

Cứu người trong những tình huống khẩn cấp hay cấp cứu ban đầu là một kỹ năng đặc biệt, một phản xạ bản năng tức thời song không phải ai cũng làm được

Câu chuyện cô gái trẻ cứu sống một du khách tại Đà Nẵng mới đây đã dấy lên nhiều xúc động trong cộng đồng. Chứng kiến trực tiếp và xem clip "triệu like" ghi lại khoảnh khắc cô gái trẻ bỏ ngang bữa ăn để xử trí mau lẹ, quyết đoán để cứu người đàn ông gặp nạn trong nhà hàng, nhiều người tỏ lòng thán phục trước một hành động đẹp của cô.

Khoảnh khắc nghĩa hiệp

Nạn nhân qua được "cửa tử" này là người nước ngoài, bị ngừng tuần hoàn (ngừng tim) và không ngờ ân nhân cứu mình có những phản xạ và kỹ năng chuyên nghiệp như vậy. Nhờ được nhanh chóng ép tim cấp cứu ban đầu đúng cách, ông được hồi sinh trước khi được chuyển đến cơ sở y tế để thực hiện các bước còn lại.

Chia sẻ khoảnh khắc cứu người này, chị Đặng Thị Hạ, điều dưỡng Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), kể lại trong lúc ăn tối cùng bạn trước khi lên chuyến bay về Hà Nội, bất ngờ chị thấy người đàn ông loạng choạng rồi gục xuống. Khi người đàn ông ngoại quốc ấy đứng dậy và lảo đảo rồi ngồi xuống ghế, rất nhiều người trong quán đã đứng dậy hỗ trợ. Tuy nhiên, khi thấy người khách đó ngồi xuống, mọi người nghĩ ổn rồi nên tản ra.

"Khi thấy ông ấy ngồi thụp xuống, tôi đã nghĩ là có vấn đề nên tiếp tục quan sát kiểu như "bệnh nghề nghiệp". Thấy người này không phản xạ, tôi đứng ở ngay sau lưng đã luồn tay vào cổ, bắt mạch cảnh không thấy dấu hiệu sự sống, tôi phán đoán tim đã ngừng đập" - nữ điều dưỡng kể tiếp.

Cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng trước khi chuyển nạn nhân đến bệnh viện. Trong ảnh: Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện E. Ảnh: NGỌC DUNG

Chị Hạ cho hay ngay lúc ấy chị vội hô lên "ép tim" và có một bạn trong nhóm cũng là nhân viên y tế ra hỗ trợ. Chị ép tim lần một, kiểm tra tim chưa đập và ép thêm lần nữa thấy bệnh nhân hít lên một cái tức là có mạch tim trở lại. Trong khi chị ép tim, mọi người nhanh chóng gọi 115 và sau đó đưa người bệnh đi cấp cứu. "Trong 7 năm làm việc tại Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, chứng kiến rất nhiều ca ngừng tim, ngừng tuần hoàn phải cấp cứu ngay trong phòng bệnh nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp tình huống cấp cứu ngoài cộng đồng" - chị Hạ nói.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cũng vừa cứu sống một nữ sinh viên 21 tuổi bị vỡ tim do tai nạn giao thông. Tại thời điểm được cấp cứu, nạn nhân trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn và đã được các bác sĩ ở tuyến trước nỗ lực ép tim, cấp cứu nạn nhân trước khi chuyển lên tuyến. Bệnh nhân được cứu sống sau ca phẫu thuật. Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không có di chứng thần kinh, dù trước đó đã ngừng tuần hoàn.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cấp cứu ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng để cứu sống người bệnh. Với những bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, việc cấp cứu kịp thời, đúng cách thì ngoài cứu người bệnh qua khoảnh khắc sinh tử còn giúp giảm nguy cơ bị biến chứng về thần kinh. "Ca bệnh nữ sinh viên này nhờ được cấp cứu ngoại viện, cấp cứu tuyến đầu hiệu quả nên khi chuyển đến tuyến sau cơ hội cứu sống người bệnh càng cao" - PGS-TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.

Hành động không của riêng ai

Theo các bác sĩ, ngừng tuần hoàn hô hấp là trạng thái gián đoạn đột ngột hoạt động bơm máu của tim, khiến máu không thể lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời, ngừng tuần hoàn hô hấp sẽ gây ra biến chứng tử vong nhanh chóng với tỉ lệ lên tới 90% hoặc để lại di chứng nặng nề như tổn thương não vĩnh viễn. Mục đích cao nhất của việc cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp là duy trì nhịp thở, quá trình vận hành của nhịp tim, ngăn nguy cơ não ngừng hoạt động với biến chứng gây tổn thương các bộ phận khác trong cơ thể.

Nhiều người cho rằng cấp cứu chỉ dành cho nhân viên y tế, những người có hiểu biết về cơ thể con người. Nhưng trong thực tế, nhờ cấp cứu ngay tại chỗ, nhiều người đã có cơ hội được cứu sống. Hiện nay, có người biết cấp cứu nhưng do sợ bị hiểu lầm "vạ lây" nên họ đã từ chối tham gia cấp cứu.

Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, tại Nhật, Mỹ và nhiều nước trên thế giới, không chỉ nhân viên y tế mới biết cấp cứu ngừng tuần hoàn, sơ cứu người bị nạn mà sinh viên trong các trường đại học cũng được đào tạo sơ cứu. Khi càng có nhiều người có kiến thức sơ cứu, các ca tai nạn trong cộng đồng càng có cơ hội được cứu sống nhiều hơn. "Tới đây tôi sẽ đề nghị Trung tâm Cấp cứu A9 cùng Hội Hồi sức chống độc Việt Nam, Bộ môn Hồi sức phối hợp nhằm đào tạo cấp cứu ngoại viện cho nhiều đối tượng trong cộng đồng để thêm nhiều người bệnh không may đột quỵ, ngừng tim, tai nạn... được cứu sống" - PGS Cơ nói.

GS-TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược - ĐHQG Hà Nội, cho biết hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể về số người tử vong do không được cấp cứu ngoại viện. Song trên thực tế, số người tử vong trước khi đến được bệnh viện rất nhiều. Nếu bệnh nhân được sơ cứu kịp thời, đúng cách sẽ giảm thiểu nguy cơ làm bệnh nặng thêm hoặc tử vong ngoài bệnh viện.

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có hệ thống cấp cứu 115, tuy nhiên số tỉnh, thành phố có trung tâm cấp cứu còn ít và đa số người dân chưa coi trọng việc cấp cứu tại chỗ. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng cấp cứu ngoại viện hay cấp cứu ban đầu cần phải coi là một kỹ năng sống cho tất cả mọi người. Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân ở tình trạng ổn định nhất có thể cho đến khi đưa đến bệnh viện. Với nhiều trường hợp, việc cấp cứu tại chỗ đúng sẽ quyết định sinh mạng của người bệnh.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phổ biến những kiến thức cấp cứu ngoại viện cho mọi đối tượng ngoài nhân viên y tế. Những kiến thức cấp cứu phổ biến mà ai cũng phải được trang bị và có kỹ năng xử trí như garo vết thương cầm máu tại chỗ, kiểm soát đường thở, cố định vết thương gãy bằng bất cứ dụng cụ gì hay chỉ đơn giản là kéo người bệnh ra khỏi những tình huống nguy cấp như: ngạt khói, bị bỏng trong đám cháy, đuối nước...

Hình thành kỹ năng xử trí tình huống

Cấp cứu ngoài bệnh viện đã được đề cập đưa vào luật và giới chuyên môn kỳ vọng với những thao tác kỹ thuật rất đơn giản, không cần máy móc phức tạp, mỗi người dân đều có thể thực hiện cấp cứu ban đầu để cứu người từ các tình huống khẩn cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, hơn 50% các trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện liên quan đến loạn nhịp tim và ngừng tim. Thời gian hiệu quả để cấp cứu ngừng tim là chỉ vài phút, vì vậy không thể gọi nhân viên y tế đến hỗ trợ ngay được. Trường hợp này có thể được thực hiện ngay nếu những người ở gần nhất có kỹ năng cấp cứu ngừng tim đúng cách.

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuu-nguoi-trong-tinh-huong-khan-cap-196240329211336921.htm