Cựu học sinh trường Amsterdam: Rất mong môi trường giáo dục nói không với bạo lực tâm lý học đường!

Theo anh Đặng Nhật Minh (một cựu học sinh Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam) mong nhà trường có phương án mở thêm phòng điều trị và tư vấn tâm lý cho các em học sinh đang bị căng thẳng do học hành càng sớm càng tốt.

Những ngày qua chủ để tranh luận dạy và học ở các trường chuyên, trong đó có vụ Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam nóng trên nhiều diễn đàn.

Để có thêm một góc nhìn từ phía người học, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với anh Đặng Nhật Minh - một cựu học sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam giờ hiện đang là Nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sĩ tại Đại học Swinburne, ARC SEAM (Úc).

Anh Đặng Nhật Minh một cựu học sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam giờ hiện đang là Nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sĩ tại Đại học Swinburne, ARC SEAM (Úc).

Anh đã từng học và trưởng thành từ Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, vậy anh nghĩ gì về môi trường học tập ở Ams. Nếu được góp ý cho trường Ams tốt lên, anh sẽ muốn góp ý điều gì nhất?

NCS Đặng Nhật Minh: Tôi nghĩ Ams có môi trường rất tốt khi mà tôi có thể làm quen được rất nhiều bạn học giỏi và có thể sinh hoạt ngoại khóa với nhiều lựa chọn.

Lý do chọn Ams thay vì các trường khác đơn giản vì khóa tôi là khóa đầu tiên được học trọn vẹn cả ba năm tại cơ sở mới ở Hoàng Minh Giám, và trên hết thì Ams nổi tiếng với tư tưởng thoáng chứ không bị gò bó như một số nơi khác.

Điểm mạnh của Ams có thể nói chính là hoạt động sôi nổi các câu lạc bộ khi mà các bạn Amser không chỉ biết học giỏi mà còn biết “chơi” giỏi nữa.

Bản thân cũng là founder – người sáng lập của ba câu lạc bộ Âm nhạc, Võ thuật và Khoa học hồi còn đang học tại trường, và đó cũng là lý do chính tôi bị rớt xuống vị trí nhì lớp và bị bố mẹ mắng té tát rằng phải bỏ hết sinh hoạt câu lạc bộ để tập trung học.

Vì chuyện đó, tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh chưa thực sự thấu hiểu cách mà các con xả stress nên nếu được thì rất mong Ban Giám hiệu có thể tổ chức nhiều sự kiện giao lưu câu lạc bộ hơn, có mời cả các vị phụ huynh tới xem để giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc chơi bên cạnh việc học.

Theo đó, nhà trường cũng nên có một quỹ tương đối đáng kể để duy trì hoạt động cho các câu lạc bộ, các sự kiện song hành của câu lạc bộ, cũng như tạo điều kiện để các câu lạc bộ phát triển hết mình mà không quá bị gò bó trong khuôn khổ. Một khi tự do ngoại khóa đảm bảo thì đó chính là lúc chất Ams có thể thăng hoa.

Tất nhiên bên cạnh đó, thì Ban giám hiệu cũng cần có phương án mở thêm phòng điều trị và tư vấn tâm lý cho các em học sinh đang bị căng thẳng do học hành càng sớm càng tốt, và trên hết là dành cho các giáo viên và phụ huynh để họ có phương pháp giáo dục không gây áp lực.

Mỗi lần nghĩ về điều này, tôi lại nhớ tới ngôi trường của thầy Kobayashi trong “Totto-chan Cô bé bên cửa sổ”, tôi hi vọng cô hiệu trưởng của Ams hiện tại sẽ giữ vững và kiên quyết bảo vệ sự tự do khai phóng của các học sinh tới tận cùng.

Nhiều người cho rằng, áp lực học tập và kỳ vọng quá cao của phụ huynh khiến nhiều bạn học sinh cảm giác không hạnh phúc, ở Ams thì áp lực của nó như thế nào. Nếu để trao đổi với thầy cô và bố mẹ thì bạn sẽ chia sẻ điều gì để việc học cũng tiến bộ mỗi ngày mà lại được vui vẻ, hạnh phúc?

NCS Đặng Nhật Minh: Tôi chứng kiến rất nhiều bạn hạnh phúc khi được đi học, nhưng chưa thấy ai hạnh phúc khi bị ép học cả.

Là một ngôi trường chuyên, ở Ams tất nhiên áp lực sẽ kinh khủng hơn rất nhiều, đặc biệt là đối với các bạn thuộc lớp chuyên hay tham gia đội tuyển thi các cấp.

Nhưng để vào được Ams, thì trước đó các bạn học sinh cũng đã bị áp lực ép ra bã rồi, lứa bọn tôi hay nói vui là tốt nghiệp xong được cấp ba thì còn mềm hơn cả đậu phụ thối.

Đấy là học sinh tâm sự với nhau vậy, nhưng không tâm sự được với phụ huynh và thầy cô vì thầy cô và phụ huynh không hiểu tâm tình của các con mà thậm chí còn mắng vì học chưa đủ, tí tuổi đầu đã đòi khôn hơn ai.

Cá nhân tôi nghĩ, vấn đề không nằm ở trao đổi thế nào để học tiến bộ và ngày nào cũng vui vẻ, mà là nằm ở làm sao để trao đổi, nói thế nào mà không bị ăn tát là may rồi.

Bởi tôi tin rằng nếu đã có thể có cơ hội trao đổi dễ dàng với bố mẹ như những người bạn, thì mặc nhiên sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, có tâm lý thoải mái hơn thì tất nhiên học hành sẽ tiến bộ.

Lý tưởng thì là vậy, nhưng cho tới tận giờ bản thân tôi ngay cả đang làm NCS tiến sĩ thì cũng không có trao đổi mấy với bố mẹ về công việc hay việc học, giữa tôi và bố mẹ mình như có một khoảng cách vô hình rất khó để bước qua.

Tôi nhớ là đã từng kể với bố là vui thế nào khi bắn được quả tên lửa nước đầu tiên lên trời với câu lạc bộ thiên văn Ams, bố cũng đã chứng kiến mình vất vả hì hụi bao ngày để làm nên quả tên lửa "tốt nhất Việt Nam".

Cũng nhớ là đã kể với bố em đau ra sao khi lỡ làm gãy răng trong khi luyện tập trong câu lạc bộ võ thuật Ams, bố đã hớt hải bỏ làm để gom tiền đưa mình đi cấp cứu.

Tôi cũng nhớ là đã kể cho bố rằng đã hát dở cỡ nào khi lần đầu cất giọng ở câu lạc bộ âm nhạc Glee Ams, bố chỉ cười ầm lên bảo thôi sau này đừng làm ca sĩ nhưng bố vẫn bỏ tiền ra đầu tư một giàn karaoke ở nhà cho tôi luyện giọng.

Và lần đầu tiên trong đời, vẫn nhớ năm lớp 12, chính bố là người khuyên tôi bỏ bài tập học thêm để dành thời gian đi dã ngoại cùng các bạn, cũng chính bố là người khuyên tôi phải bám trụ câu lạc bộ tới cùng mà gác tạm việc học lại.

Bố của năm lớp 10 và bố của năm lớp 12 thực sự rất khác nhau, có lẽ những trải niệm cá nhân với từng cung bậc cảm xúc của tôi đã phần nào lay động được tình phụ tử và dần dần biến bố trở thành một người bạn lớn.

Tôi còn nhớ trận cãi nhau như nảy lửa giữa bố và mẹ, khi mẹ ép tôi đi học thêm nhiều lớp học thêm nữa, với bố, người cho rằng dẹp hết đi là đẹp.

Tôi có thể tự hào là bố đã trưởng thành trong vai trò của một người cha, và tôi cũng đã đỡ trẻ con hơn trong vai trò là một người mới lớn.

Và thời gian đã kiểm chứng, tôi hiện tại cũng chưa có gì gọi là thành công trong con đường học vấn, nhưng mạnh dạn nói rằng đã hạnh phúc và vui vẻ thế nào trong suốt thời gian qua bên cạnh bố mình, người mà đã từng dồn tôi tới gần bước đường cùng để tự tử và cũng là người nâng tôi để bay cao và bay xa hơn tựa như những tên lửa nước được phóng ra năm nào.

Khi được tiếp cận với giáo dục quốc tế và trải nghiệm giáo dục ở nước ngoài, điều ấn tượng nhất mà bạn trải nghiệm ở đó là gì, điều gì bạn muốn các bạn trẻ ở Việt Nam ở trong nước cũng được trải nghiệm giáo dục như vậy?

NCS Đặng Nhật Minh: Là một người được may mắn là tiếp xúc với giáo dục quốc tế một cách khá từ từ chứ không quá đột ngột, từ cấp ba tại Ams với nhiều cải cách theo quốc tế, rồi cử nhân ở Đại học Việt-Pháp (USTH) với giáo dục quốc tế tại Việt Nam cho tới tận hưởng trọn vẹn phương thức quốc tế tại Đại học Swinburne (Úc) ở học vị tiến sĩ.

Trong hành trình leo thang quốc tế dần dần như vậy, cảm nhận rõ nhất chính là sự tự do trong tôi được khai phóng dần triệt để.

Có một ví dụ thực tế là hồi còn học ở Đại học Việt-Pháp, sinh viên được ăn uống trong giờ học, học sinh không phải mặc đồng phục, đi lại lung tung miễn không gây mất trật tự hay ảnh hưởng bài giảng là được, cá biệt còn có một thầy còn mặc áo phông quần đùi hoa đi biển tới dạy học.

Một môi trường thoải mái như vậy rất kích thích sự sáng tạo. Tôi gần như không có một giới hạn gì về tư duy, thích gì thì làm nấy. Một sự tự tin vào bản thân gần như tuyệt đối.

Môi trường quốc tế dạy tôi hiểu về mình nhiều hơn, và dũng cảm theo đuổi ước mơ của chính mình mặc kệ định kiến của người đời.

Nếu đọc một bài thơ không hay thì phê bình tại sao nó không hay, chứ sẽ không cố làm theo barem để lượm điểm.

Đã không có ít lần tôi đứng lên mạnh dạn chỉ ra lỗi sai của các thầy cô, và ở môi trường càng quốc tế thì họ lại càng trân trọng điều đó vì có nghĩa là học sinh này vô cùng hiểu bài, chứ họ không có câu nệ vì sĩ diện bản thân mà đi trù dập học sinh đó hay ép học sinh đó phải nghe theo những gì được viết trong sách.

Bởi sách cũng cần phải tái bản và cập nhật hàng năm mà, đâu có phải đúng tuyệt đối đâu. Tuy nhiên, đôi lúc thẳng thắn quá sẽ khiến người xung quanh khó chịu nhưng tôi may mắn có được sự ủng hộ từ những người bạn đồng hành hiểu mình suốt cả chặng đường quốc tế hóa này.

Và có rất nhiều bạn Việt Nam ở nước ngoài cũng rất cởi mở như vậy, nhất là trong các nhóm giúp đỡ nhau du học trên mạng xã hội để cùng săn học bổng khủng, cùng giải các bài tập khó.

Vì bây giờ đã có mạng xuyên biên giới, tôi rất mong các bạn trẻ ở nhà có thể tìm được tự do trong tư duy, được thoải mái bày tỏ quan điểm cá nhân của mình về mọi vấn đề và được theo đuổi đam mê một cách vô tư lự.

Anh có thể chia sẻ thêm một vài thông tin về công việc hiện tại của anh được không? Theo anh, điều gì đã giúp bạn có được vị trí như ngày hôm nay?

NCS Đặng Nhật Minh: Hiện tại tôi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Swinburne, thuộc trung tâm ARC SEAM về gia công vật liệu nano và công nghệ màng mỏng ứng dụng trực tiếp trên sản phẩm của một số doanh nghiệp đối tác tài trợ cho dự án.

Tôi may mắn được quỹ học bổng cũng khá ổn để theo đuổi đam mê của mình. Nếu coi vị trí của tôi bây giờ là sản phẩm của một phản ứng, thì chất phản ứng sẽ là kỳ vọng của bố mẹ và đam mê của chính tôi, cộng với chất xúc tác chính là Ams và môi trường giáo dục quốc tế.

Kỳ vọng của bố mẹ bao gồm cả áp lực học tập mà họ đã từng áp đặt lên cả thanh xuân của con mình và ước mơ dang dở mà họ không có cơ hội thực hiện mà giờ đây đang gánh trên đôi vai của tôi.

Hay nói chính xác hơn, chính là tình yêu và sự hi sinh của bố mẹ dành cho tôi. Kể cả khi tôi ý thức được rằng bố mẹ em đang là nạn nhân chịu áp bức của ý thức hệ cũ cùng với quan điểm giáo dục sai lệch đã tồn tại hàng chục năm nay, tôi càng có động lực học cao hơn nhằm có một chỗ đứng vững một tí để mà thuyết phục ngược lại được bố mẹ.

Bởi trước kia khi còn nhỏ, không có bằng vai phải lứa nên nói sẽ chẳng ai nghe, nhưng bây giờ thì có lẽ gia đình sẽ chịu lắng nghe tôi hơn rồi. Và tôi mong rằng, sẽ có nhiều gia đình khác cũng lắng nghe tôi và lắng nghe nhiều bạn cũng đã từng trải và có chỗ đứng như vậy, để lứa chủ nhân tương lai của đất nước tiếp theo sẽ có một môi trường giáo dục lành mạnh hơn, nói không với bạo lực tâm lý học đường.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuu-hoc-sinh-truong-amsterdam-rat-mong-moi-truong-giao-duc-noi-khong-voi-bao-luc-tam-ly-hoc-duong-post188604.html