Cựu Đại sứ Anh Mark Kent: Whisky, Arsenal và cơ duyên Việt Nam

Cựu Đại sứ Anh Mark Kent đã có chia sẻ về ngày trở lại Việt Nam, cùng nỗ lực thúc đẩy triển vọng hợp tác song phương trong năm đặc biệt giữa hai nước.

Cựu Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark Kent. (Nguồn: Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam)

Cựu Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark Kent. (Nguồn: Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam)

Gia đình thứ hai

Chào mừng ông trở lại Việt Nam. Ông cảm thấy như thế nào khi trở lại nơi ông đã dành tới 3 năm trong sự nghiệp của mình? Đâu là lý đo dằng sau chuyến đi nay của ông?

Ông cảm thấy như thế nào khi trở lại nơi ông đã dành tới ba năm trong sự nghiệp của mình? Lý do cho chuyến đi lần này?

Trước hết, tôi rất vui vì lần trở lại này. Tôi vừa có cơ hội gặp gỡ một số đồng nghiệp cũ trong thời gian tại nhiệm ở Việt Nam. Bạn biết đấy, khi là nhà ngoại giao, chúng tôi thường có dịp ghé thăm nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, có những nơi mà khi trở về, chúng tôi luôn cảm thấy thân thuộc khó tả...

Với tôi, Việt Nam là một nơi như thế, không chỉ bởi địa điểm, mà còn vì con người niềm nở, thân thiện. Ngay khi trở lại, tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ, thảo luận sôi nổi và thú vị. Vì thế, tôi cảm thấy rất vui.

Lý do ư? Sau khi khép lại sự nghiệp ngoại giao 34 năm vào năm 2021, tôi trở thành Chủ tịch Hiệp hội Scotch Whisky. Song như một cái “duyên” vậy, Việt Nam đã bất ngờ trở lại với cuộc đời tôi.

Trước hết, những đồng nghiệp của tôi tại Đại sứ quán Việt Nam tại London, đặc biệt là Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, đã mời tôi đến Việt Nam để chia sẻ về ngoại giao và quãng thời gian công tác tại đây cũng như kinh nghiệm trong quá trình triển khai ngoại giao công chúng, một lĩnh vực rất quan trọng. Đồng thời, tôi được mời làm Chủ tịch Mạng lưới Anh – Việt Nam.

Lần trở lại này đúng vào một thời điểm vô cùng đặc biệt: Năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh. Với cá nhân tôi, điều đó càng tuyệt vời hơn bởi tôi từng có vinh hạnh góp sức xây dựng, thúc đẩy ký kết quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước năm 2010.

Ông có dự định gì trong ngày trở lại Việt Nam?

Tôi sẽ tham gia một số hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thiết lập Quan hệ Ngoại giao Anh – Việt và gặp gỡ đối tác của chúng tôi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ngay khi vừa tới Hà Nội, tôi đã có dịp tham quan và có trải nghiệm thú vị tại một nhà máy rượu, tìm hiểu sâu hơn cách thức sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam. Sau đó, tôi đã có buổi trò chuyện với đồng nghiệp ở Đại sứ quán và tận hưởng một số món ăn Việt Nam. Cuộc phỏng vấn bên bờ Hồ Gươm cũng là cơ hội để tôi hòa mình vào không khí Hà Nội và ngắm nhìn con người, cảnh vật nơi đây.

Sau đó, chúng tôi sẽ tới TPHCM, nơi tôi mong có thể trải nghiệm thêm nhiều món ăn đặc sắc khác, bên cạnh món Chả Cá bữa trưa hôm nay. Đây đều là những hoạt động mà tôi ưa thích. Với tôi, đây có lẽ là phần thú vị của công việc ngoại giao. Bạn sẽ hạnh phúc nhất khi có thể vừa làm, vừa tận hưởng công việc của mình.

Ngay cả sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông vẫn thường xuyên cập nhật thông tin và đăng tải nhiều nội dung liên quan đến mảnh đất hình chữ S trên trang cá nhân của mình. Điều gì khiến Việt Nam đặc biệt với ông tới vậy?

Sợi dây liên kết giữa tôi với Việt Nam giống như mối quan hệ của một người với gia đình của mình vậy. Dù bạn có đi đâu, về đâu thì gia đình vẫn luôn ở đó. Tôi đã có quãng thời gian tuyệt vời tại đây và cả sau khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi vẫn thường xuyên theo dõi tin tức về đất nước các bạn.

Khi còn công tác tại Việt Nam, tôi có dịp tới nhiều tỉnh thành, gặp gỡ những con người thú vị, bao gồm cả cộng đồng người thiểu số. Tôi vẫn nhớ những nét đẹp văn hóa cùng quãng thời gian đặc biệt tại Đắk Lắk, Sa Pa, hay phút giây thả mình trên thuyền thiên nga ở Hồ Tây, sôi động trên sân bóng cùng các đồng nghiệp ở Đại sứ quán và khoảnh khắc thư giãn với cốc bia hơi.

Sự hấp dẫn của Việt Nam không chỉ đến từ văn hóa, mà còn đến từ con người. Khi bạn xây dựng được mối quan hệ tốt, bạn sẽ muốn trở lại để duy trì, phát triển. Chính điều này là động lực để tôi trở lại trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Mạng lưới Vương quốc Anh – Việt Nam có thể đóng góp như thế nào cho mối quan hệ song phương hiện nay?

Trước hết, tôi rất vui vì có dịp gặp lại Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và trao đổi về ngoại giao nhân dân, lĩnh vực hoạt động của Mạng lưới Anh – Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam – Anh. Chúng tôi cho rằng nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân hai nước là rất quan trọng. Người dân Anh đã biết nhiều hơn tới Việt Nam và ngày càng có nhiều du khách chọn đất nước các bạn làm điểm đến trong hành trình của mình.

Có thể nói, Việt Nam là một “bí mật” đang được khám phá. Đây là điều vô cùng tích cực, bởi du lịch phân khúc cao cấp sẽ giúp du khách biết nhiều hơn tới Việt Nam, mang về nguồn thu cho nền kinh tế các bạn. Đồng thời. khi khách du lịch trải nghiệm kỳ nghỉ tại đây, họ sẽ đóng góp vào nền kinh tế địa phương.

Một nhiệm vụ khác của tôi trong Mạng lưới Anh – Việt Nam là thiết lập các liên kết ở Anh, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, khơi gợi các dự án, mở rộng thương mại và đầu tư. Tất nhiên, chúng tôi mong muốn có thể góp phần hỗ trợ các chuyến thăm cấp cao trong năm kỷ niệm dấu mốc “vàng” của quan hệ hai nước. Với chúng tôi, Việt Nam là “người chơi” ngày càng quan trọng với thế giới và với nước Anh.

Ông Mark Kent cùng các đồng nghiệp, nhân viên Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam. (Nguồn: Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam)

Ông Mark Kent cùng các đồng nghiệp, nhân viên Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam. (Nguồn: Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam)

Sứ giả đặc biệt

Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội, ông đánh giá thế nào về triển vọng của Scotch Whisky tại thị trường Việt Nam?

Whisky là mặt hàng vô cùng đặc biệt bởi nó có sự tương thích thú vị với công tác ngoại giao, đồng thời là biểu tượng của tình hữu nghị, sức mạnh mềm của Scotland, giống như giải Ngoại hạng Anh là biểu tượng cho sức mạnh mềm của Anh vậy.

Khi trở lại Việt Nam, một điều tôi nhận thấy là người dân rất am hiểu về Scotch Whisky và như bạn nói, đây là một thức uống truyền cảm hứng. Ở bất kỳ quốc gia nào, nơi nào có tầng lớp trung lưu phát triển, Scotch Whisky sẽ phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ muốn thêm nhiều người trải nghiệm thức uống này, mà còn muốn họ tận hưởng nó một cách có trách nhiệm, bởi đây là một mặt hàng xa xỉ.

Có thể nói, Scotch Whisky là ví dụ thực tế về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác thành công giữa hai nước chúng ta. Kể từ khi Thỏa thuận thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) có hiệu lực, doanh số của mặt hàng này tại Việt Nam đã tăng vọt. Riêng trong năm ngoái, lượng Scotch Whisky xuất khẩu sang đây đã lên tới 75 triệu Bảng Anh (100 triệu USD), tăng ba lần chỉ sau ba năm. Việt Nam đang trở thành một thị trường ngày càng quan trọng với các nhà sản xuất Scotch Whisky của Anh. Chúng tôi rất vui khi người Việt Nam yêu thích loại thức uống đặc biệt này, giống như cách mà chúng tôi say mê món ăn Việt vậy.

Tất cả những gì mà tôi đang đảm nhiệm, từ cương vị cựu Đại sứ, Chủ tịch Mạng lưới Anh – Việt Nam tới Chủ tịch Hiệp hội Scotch Whisky, đều là một phần trong nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ song phương.

Ở trên, ông đã nhắc tới việc thưởng thức Bia hơi ở Hà Nội. Theo ông, đâu là sự khác biệt giữa thưởng thức Bia hơi tại đây và ở xứ sở sương mù?

Trước hết, đó là thời tiết. Khi bạn ở Anh, bạn khó có thể tận hưởng một cốc bia ở ngoại trời. Uống Bia hơi là một hoạt động xã hội thú vị, khi tôi có dịp quây quần với những người bạn, tận hưởng một chút bia hơi cùng đồ nhắm và tán gẫu. Giống như các quán rượu, các quán bia hơi là một “đặc sản” của người Việt và do đó, khi trở lại Việt Nam, nơi đây là chặng dừng chân không thể thiếu đối với cá nhân tôi.

Scotch Whisky là mặt hàng được ưa chuộng tại Việt Nam, song điều này cũng khiến nó trở thành đối tượng bị làm giả, làm nhái nhiều hơn. Ông nhận định gì về thực trạng này? Việt Nam và Vương quốc Anh có thể làm gì để giải quyết thực trạng đó?

Đây là một câu hỏi rất hay bởi mới hôm trước, chúng tôi đã có cuộc thảo luận về ván đề này với Bộ Tài chính Việt Nam. Chúng tôi muốn mọi người có cơ hội thưởng sản phẩm chính hãng, chất lượng cao với giá thành hợp lý.

Hàng giả, nhái là một vấn đề. Thứ nhất, nếu nó là hàng nhái, bạn sẽ không thể cảm nhận được chất lượng thật sự của rượu. Thậm chí, trong không ít trường hợp, thứ bạn uống còn chẳng phải là rượu và điều đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Thứ hai, rượu giả, rượu nhái thường được buôn lậu vào Việt Nam, khiến chính phủ các bạn thất thoát doanh thu. Thứ ba, hàng giả, hàng nhái cũng tác động xấu tới ngành công nghiệp sản xuất, bởi nó gây tổn hại tới danh tiếng của các công ty sản xuất.

Do đó, tôi cho rằng việc chống hàng giả, hàng nhái là rất quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Về phía Vương quốc Anh, một trong những điều chúng tôi có thể làm là giữ cho mức thuế với sản phẩm này không quá cao, để mọi người có thể mua và tận hưởng hàng chính hãng, thay vì phải tìm đến hàng giả, hàng nhái rẻ hơn. Đây là một phần trong nội dung thảo luận giữa chúng tôi và chính phủ các bạn. Như bạn nói, Việt Nam là thị trường quan trọng và mặt hàng này có thể đóng góp rất nhiều tiền thuế cho chính phủ và mang lại trải nghiệm tuyệt với cho người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi mong muốn duy trì, thúc đẩy hợp tác tích cực này để đảm bảo Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường quan trọng nhất của chúng tôi trong tương lai.

Cựu Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark Kent trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam. (Nguồn: Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam)

Cựu Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark Kent trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam. (Nguồn: Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam)

Tình yêu chung với trái bóng tròn

Ông có đề cập đến Ngoại hạng Anh, giải bóng đá được nhiều người quan tâm, theo dõi tại Việt Nam. Liệu hai bên có thể chuyển hóa sự quan tâm đó thành hợp tác sâu sắc hơn trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung?

Ông nhắc đến Ngoại hạng Anh, giải bóng đá được nhiều người quan tâm, theo dõi tại Việt Nam. Liệu hai bên có thể chuyển hóa sự quan tâm đó thành hợp tác sâu sắc hơn trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung?

Tất nhiên rồi, tôi cho rằng thể thao đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ song phương. Trước hết, tôi phải thừa nhận rằng mình là một “fan cứng” của Arsenal. Khi tôi còn ở Việt Nam, chúng tôi đã ghé thăm Học viện Hoàng Anh Gia Lai bởi nơi đây có mối liên kết với Arsenal.

Mới hôm nay, trong bài thuyết trình tại Học viện Ngoại giao, tôi chia sẻ lại câu chuyện của “Running man” Vũ Xuân Tiến, chàng trai trẻ đã chạy bám theo xe buýt của Arsenal khi đội bóng du đấu tại Việt Nam năm 2013 tới 8km, cho đến khi họ dừng lại để đón nhận tình cảm và gửi tặng anh ấy một chiếc áo đấu. Với tôi, đó là một câu chuyện tuyệt vời.

Khi còn tại nhiệm, chúng tôi đã tổ chức sự kiện truyền tải thông điệp mừng Tết của ông Alex Ferguson tới Việt Nam. Hoạt động ấy đã được nhiều người hưởng ứng. Với tôi, đó cũng là một biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước.

Tôi cho rằng giải Ngoại hạng Anh là một phần trong sức mạnh mềm của Anh. Dù xuất phát và được tổ chức tại Anh, song giải đấu này có sự góp mặt của nhiều cầu thủ quốc tế hàng đầu, đồng thời nhận được sự quan tâm, theo dõi của người dân ở khắp nơi trên thế giới. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Anh và các nước khác.

Việt Nam có truyền thống, phong trào thể dục, thể thao rất tốt. Trong thời gian qua, tôi có dịp xem một số trận đấu của các đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và rất ấn tượng với thành tích của các bạn. Tôi tin chắc chắn rằng, trong tương lai, các bạn sẽ có cầu thủ thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh. Thể thao, đặc biệt là bóng đá, sẽ góp phần kết nối người dân hai nước với nhau, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ nửa thế kỷ giữa Việt Nam và Anh.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị vừa rồi!

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuu-dai-su-anh-mark-kent-whisky-arsenal-va-co-duyen-viet-nam-218891.html