Cựu chủ tịch Vinashin lĩnh án 20 năm tù

(PL&XH) - Hôm qua 30-3, sau bốn ngày xét xử, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ sai phạm tại tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin đã kết thúc.

Bị cáo Phạm Thanh Bình, cựu chủ tịch tập đoàn đã bị tuyên phạt 20 năm tù. 8 bị cáo còn lại của vụ án bị tuyên phạt từ 3 - 19 năm tù. HĐXX cũng tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường tổng thiệt hại gần 800 tỷ đồng.

Bị hại, "chưa có thiệt hại xảy ra"

Trong phiên xét xử buổi sáng cùng ngày, luật sư của một số bị cáo đã tiến hành tranh luận với VKS. Thông qua một số câu hỏi dành cho các DN, nơi công tác của một số bị cáo từng công tác trước khi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Tuyên, nguyên TGĐ Cty TNHH CNTT Hoàng Anh cho rằng, đại diện VKS chưa căn cứ vào các quy định của pháp luật trong việc đưa ra căn cứ buộc tội. Vị luật sư này đưa ra "dẫn chứng": Đối với khoản tiền 201 tỷ đồng DN này chuyển cho Cty cổ phần đầu tư Cửu Long, đây là quan hệ kinh tế. Khoản tiền này là khoản tiền đầu tư….

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Phạm Thanh Bình đưa ra luận điểm "Việc VKS kết luận thiệt hại do hành vi trái pháp luật của bị can này trong thương vụ tàu Hoa Sen lại "nâng" từ 469 tỷ lên 650 tỷ đồng, cách tính này bất lợi cho bị cáo. Ngoài ra, luật sư của bị cáo Phạm Thanh Bình cũng cho rằng căn cứ buộc tội bị cáo này trong Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng sai từ đầu là không đúng. Theo quan điểm của luật sư, Phạm Thanh Bình mới phê duyệt đầu tư. Quyết định phê duyệt đầu tư không phải là giấy phép đầu tư.

Luật sư bào chữa cho nguyên TGĐ TCty CNTT Nam Triệu Trần Quang Vũ trong vụ "xẻ thịt" tàu Bạch Đằng Giang khẳng định: Đại diện DN có tài sản không có đơn và không xác nhận thiệt hại. Như vậy, việc HĐXX xác định vai trò nguyên đơn dân sự trong vụ án cần được HĐXX cân nhắc. Luật sư bào chữa còn cho rằng, tại tòa, vị đại diện VKS đưa ra quan điểm VKS không truy tố bị cáo Trần Quang Vũ về hành vi phá dỡ tàu, VKS chỉ truy tố bị cáo này vì khi phá dỡ, bán sắt vụn con tàu Bạch Đằng Giang đã không thông báo cho VFC và không trả tiền cho DN này. Vậy, VKS căn cứ vào đâu để kết luận TCty Nam Triệu không có khả năng trả nợ….

Tại tòa, đại diện các DN là Cty TNHH CNTT Hoàng Anh, Cty cổ phần CNTT Cái Lân, Cty điện Cái Lân, Cty CNTT Nam Triệu đều có quan điểm việc quyết định phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc thẩm quyền quyết định của TAND. Đại diện Cty tài chính TNHH MTV CNTT (VFC) đề nghị khách hàng trả nợ VFC, đồng thời đại diện DN này cũng như đại diện Cty cổ phần đầu tư Cửu Long đều mong HĐXX xem xét các hành vi của từng bị cáo.

Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa nghe tuyên án. Ảnh:TTXVN

Kết, buộc tội

Bác lại một số quan điểm của các luật sư, trong phần tranh luận, đối đáp, đại diện VKS cho rằng: Theo quy định, HĐXX đã triệu tập tất cả nguyên đơn dân sự dù các nguyên đơn không có đơn. Tại tòa, trong phần thẩm vấn, HĐXX cũng đã xét hỏi các nguyên đơn có thể hiện quan điểm có đòi hay không đòi bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nhiều nguyên đơn khi được HĐXX xét hỏi vấn đề này lại cho rằng các món vay, tiền là tài sản của Tập đoàn, đã không có đơn, không thiết tha đòi. Vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa nhấn mạnh: Đây là vấn đề quản lý tài sản Nhà nước trong DN, dù không có đơn thì HĐXX cũng yêu cầu các DN phát biểu quan điểm đòi hay không đòi. Đây là tài sản nhà nước, TAND và VKS có trách nhiệm bảo vệ tài sản. Theo tôi ở đây không vi phạm chủ thể….

Theo quan điểm của VKS, tất cả các thiệt hại đã được tính toán đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, đối với dự án mua tàu Hoa Sen, không chỉ vốn mất mà lãi cũng mất vì tàu không được đưa vào hoạt động. Dự án nhiệt điện Sông Hồng cũng trái pháp luật vì trái với quy hoạch ngành điện. Các bị cáo có liên quan trong Dự án này đã chuyển cho Cty cổ phần đầu tư Cửu Long một phần đặt cọc, một phần cho vay lãi suất 1%. Khi truy tố, về dân sự, sau khi 201 tỷ được chuyển cho Cửu Long, Cửu Long đã nhận nợ với Tập đoàn Vinashin. Hậu quả của Dự án này là cho vay để đóng tàu, Cty TNHH Hoàng Anh đã dùng 20 tỷ trong số tiền cho vay đóng tàu đi làm mặt bằng. Đã có 201 tỷ nằm trong đống máy móc Cty Cửu Long nhập về. Một số máy móc nhập bằng giấy tờ giả mạo của Bộ TN & MT, có thể kết luận, tài sản này hoàn toàn mất khả năng thanh toán.

Trước khi HĐXX vào phần nghị án, được nói lời sau cùng, Phạm Thanh Bình đã phân trần với HĐXX khi cho rằng " tôi đã thực hiện tất cả công việc trong nhiều khó khăn, có nhiều nôn nóng, có lúc xé rào, có sai nhưng vì lợi ích chung, không vì lợi ích cá nhân. Bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Vinashin thanh minh "chỉ làm theo chỉ đạo của tập đoàn".

Căn cứ vào quá trình thẩm vấn, tranh luận tại tòa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt: Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinashin 20 năm tù; Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Vinashin, Chủ tịch Cty vận tải Viễn Dương Vinashin 19 năm tù; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Cty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh 16 năm tù; Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng Giám đốc Cty Tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy 14 năm tù; Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó Tổng Giám đốc Cty Tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy 12 năm tù; Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin 11 năm tù; Đỗ Đình Côn - nguyên Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh 10 năm tù; Tô Nghiêm, nguyên Tổng Giám đốc Cty cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà 18 năm tù; Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần đầu tư Cửu Long 3 năm tù. Các bị cáo này còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất đã gây ra.

Nam Khánh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120331082824980p1002c1038/cuu-chu-tich-vinashin-linh-an-20-nam-tu.htm