Cửu 'chín ngón' một thời ngang dọc bỗng quay đầu hoàn lương

Vào những năm thập niên 80 đến đầu thập niên 90, Cửu “chín ngón” từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với hành khách ở các bến xe liên tỉnh từ TP. HCM đến Bình Dương, Sông Bé, Tây Ninh.

Nhưng rồi “đại ca” móc túi bỗng dưng quay đầu hoàn lương, trở về với nghiệp khuân vác ngay dưới chân núi Bà Đen, để hôm nay ông nhắc lại những tháng ngày lầm lỗi trong hoài niệm về một thời từng tung hoành giang hồ.

Một thời ngang dọc của quái kiệt Bình Định

Cửu “chín ngon” tên đầy đủ là Đỗ Cửu, sinh tại Bình Định. Ngay từ khi lọt lòng, Cửu chỉ có 9 ngón tay, không ngờ về sau, khi đã là một kẻ có “số má” trên giang hồ, chính cái đặc điểm chín ngón tay đã mang lại cho Cửu một thương hiệu khiến bao kẻ ám ảnh với cái tên Cửu “chín ngón”. Nhà nghèo lại đông con, biết cha mẹ không thể lo đủ cái ăn cái mặc nên ngay từ nhỏ Cửu đã biết theo lũ bạn kiếm ăn qua ngày. Ngày đó ở bến xe Quy Nhơn, Bình Định vốn là địa bàn làm ăn của Cửu và nhóm của mình. Nhưng rồi những ngày tháng ăn nên làm ra ở bến xe tỉnh lị này cũng qua nhanh, bởi người ta đã dè chừng những mánh khóe của Cửu.

Năm 1980, khi mới vừa tròn mười lăm tuổi, Cửu khăn gói theo xe đò vào miền Nam, kiếm tìm địa bàn mới. Đểm dừng chân chính khi ấy là Sài Gòn, vốn là miền đất hứa mà những tay móc túi kì cựu đã có lần kể cho Cửu nghe. Từ đây, cuộc đời Cửu như bước sang một trang mới. Ở các bến xe liên tỉnh từ Sài Gòn, Bình Dương, Sông Bé đến Tây Ninh, khách thập phương đi về nườm nượp. Vậy là Cửu tha hồ tung hoành, giở hết mọi ngón nghề móc túi trên các chuyến xe đò, xe khách ấy mà không một ai hay biết. Dần dà, Cửu trở thành một tay “cao thủ” chính cống khiến càng đàn em nể sợ. Và cũng chính là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với những người dân chẳng may đi trên các tuyến xe có Cửu và đồng bọn “hành nghề”.

Cửu “chín ngón” nặng nhọc vác từng bao đá lên đỉnh Núi Bà.

Với mái tóc hoa râm, đôi mắt nheo nheo nhớ lại những tháng ngày lầm lỗi, Cửu “chín ngón” trầm ngâm: “Hồi đó kiếm tiền bằng nghề móc túi dễ lắm, thế rồi mình trượt dài trong tội lỗi lúc nào không hay, vì quá mê mẩn tiền, quá mê cái cách kiếm tiền không mất chút công sức này. Thậm chí mỗi lần “thó” thành công được một món hời lớn là anh em hả hê lắm, chẳng bao giờ có đủ thờ gian để nghĩ tới nỗi đau của những người bị mất của. Tuổi trẻ hiếu thắng nên dễ mắc lỗi lầm, cũng do mình cả”. Hướng ánh mắt ra xa, Cửu nhẹ nhàng kể lại những thú vui trước kia, khi tiền giắt đầy lưng.

“Hồi đó tiền móc trộm của người dân lương thiện ngày nào cũng lưng túi, nhiều quá đôi khi chẳng biết làm gì với nó cả. Khi đó vợ đã có con nhỏ, lúc đầu cô ấy còn nhận tiền tôi đưa để lo cho con, nhưng về sau nghe phong phanh được chuyện tôi đi móc túi cô ấy quyết không nhìn mặt chồng nữa”. Vậy là Cửu sống cuộc đời đơn độc từ đó, những lúc nhớ con da diết, ông chỉ biết lặng lẽ đứng một góc, nhìn vợ con trong căn nhà tồi tàn mà không thể làm gì được.

Chán đời, bao nhiêu tiền của cướp bóc được Cửu cùng đàn em đem nướng nướng hết vào cờ bạc và gái gú. “Cuộc sống cứ thế trôi, cướp được tiền thì nghỉ xả hơi, chơi bời chán hết tiền lại lên đường tiếp tục hành nghề”. Rồi khi các bến xe không còn là mảnh đất lành để băng nhóm của mình làm ăn nữa, Cửu đành rút về thúc thủ ở vùng đất Tây Ninh, khi ấy nhiều vùng vẫn còn là rừng thiêng nước độc.

Ông lặng lẽ kể lại chuyện xưa: “Đó là khoảng đầu những năm thập niên 90, do móc túi ở các bến xe bị chú ý nhiều quá nên tôi đã chủ động rút về núi Bà này làm ăn. Khi đó ở đây còn có băng của Hùng “đen” (tức Trần Văn Hùng- cầm đầu băng cướp lúc bấy giờ ở vùng núi Bà- PV) nữa, biết mình lạ địa thế, tôi bắt tay với Hùng, chấp nhận dưới trướng để được chia địa bàn làm ăn”.

Vậy là ban ngày, băng Của “chín ngón” lẩn sâu vào núi Bà Đen, mượn hang hốc để trốn sự truy đuổi của công an. Nhập nhoạng tối, ông dẫn đàn em xuống núi hành nghề”. Đáng lẽ băng Cửu “chín ngón” sẽ còn hoành hành nữa, nếu không có sự cố bất ngờ xảy ra với đại ca Hùng “đen”.

“Trong một lần được sư thầy trên núi Bà khuyên giải bỗng nhiên Hùng tuyên bố giải tán băng cướp, Hùng ra đầu thú công an, chịu án mấy năm. Khi ấy chúng tôi hoang mang như rắn mất đầu”. Ngay chính lúc ấy Cửu “chín ngón” quyết ghé lại ngôi nhà nhỏ của mình ở xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh để thăm nom vợ con. Cửu đã không thể ngờ rằng chính chuyến viếng thăm đột ngột đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.

“Rửa tay gác kiếm” quay đầu hoàn lương

Đó là một đêm mưa gió cuối năm 1994, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ Cửu quyết định về thăm vợ con. “Lần trước ghé thăm, nhìn ánh mắt cương quyết của vợ tôi biết nếu còn theo nghiệp này mình sẽ mất tất cả. Nhưng đã dấn chân vào rồi dễ gì rút ra, hơn nữa mình cũng đã quá quen với cuộc sống tiêu tiền như nước, cũng bởi kiếm dễ quá mà. Nhưng tôi đã quyết phải về nhà một chuyến, dù vợ có chối bỏ thế nào đi chăng nữa”.

Song trái ngược với những suy nghĩ ngổn ngang của Của “chín ngón”, đập vào mắt ông lại là hình ảnh người vợ gầy gò ôm đứa con nhỏ bệnh tật vật vã khóc vì không có tiền thăm khám bệnh. Cửu chết đứng, căn nhà nhỏ rách nát, mưa tạt bốn bề. Cửu giúi vội vào tay vợ nắm tiền đưa con đi chữa bệnh ở trạm xá rồi vội vã cất bước ra đi.

Ông đi để trốn chạy thực tại rồi chạy như điên dại trong đêm tối, bởi ý nghĩa một thằng đàn ông sắp ba mươi mà không thể lo nổi cuộc sống tốt hơn cho vợ con. Bất chợt ông dừng lại trong bóng tối bởi những suy nghĩ hỗn đoạn trong đầu. Bước chân vô định đưa Cửu vào quán rượu, nơi những gã không gia đình, không nhà cửa thường tụ tập tán gẫu, kể sự đời.

Nhưng đêm đó Cửu ngồi một mình bởi ai cũng về nhà để lo xum họp, đôi mắt xếch dữ dằn ngẩng mặt nhìn trời, bỗng giọt nước mắt rơi xuống bàn rượu, Cửu mới nhận ra đã là những ngày giáp tết. “Chẳng hiểu sao đêm đó tôi có thể trút cạn cả một lít rượu, càng uống tôi càng thấy mình tỉnh táo hơn bao giờ hết. Rồi càng tỉnh lại càng nghĩ nghĩ đến vợ con và những đồng tiền không trong sạch mà mình lấy được. Lúc ấy đầu óc tôi cứ rối cả lên, cứ nghĩ nếu vợ mình có một ít tiền đem con đi khám bệnh, mà bị kẻ nào đó nẫng mất thì sao? Chẳng phải đau đến đứt từng khúc ruột”. Thế là sau đêm đó, Cửu cạo đầu, quyết tâm hoàn lương. Cũng từ cái đêm đó, cái tên cao thủ Cửu “chín ngón” đã chết và hoàn toàn biến mất trên giang hồ.

Những ngày sau đó Cửu lấy cái nghề khuân vác nơi chùa Bà mưu sinh để nuôi con. Nhắc lại những tháng ngày vất vả đó, ông ngậm ngùi: “Ban đầu không quen thấy cũng cực lắm, nhưng ở nơi cửa thiền này khiến tâm ta tịnh lại, quên hết chuyện trước kia. Dần dà tôi cũng tìm được niềm vui bên công việc khuân vác này, vợ đã chịu chấp nhận và cùng tôi nuôi dạy con khôn lớn. Giờ đứa con trai cũng đã lớn, thấy tôi vất vất vả, nó muốn tôi chuyển nghề khác, nhưng tôi không chịu. Tôi đã yêu và chọn một công việc hành xác, hành thiện nhưng tâm thanh sạch”.

Đuôi mắt như ánh lên nụ cười, ông Cửu bảo, năm nay đứa con thơ ngày nào đã học Đại học Bách khoa năm thứ hai, tôi biết lúc này, lòng người cha này nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Tiễn bước chúng tôi, Đỗ Cửu nhỏ to, anh Công sau khi chịu án tù cũng đã quay về đây nhập hội với đội khu khuân vác của chúng tôi, âu cũng là cái phận. Anh cười bảo, giờ đã đưa vợ con về quê Bình Định sinh sống, anh cũng chỉ lên núi Bà làm bốc vác vào tháng Giêng hoặc những dịp lễ tết nhiều việc thôi, ở cái tuổi 45, có lẽ giờ chỉ làm được có vậy. Nhìn bóng dáng những người đàn ông giang hồ ngày nào nay khó nhọc nhấc từng bước chân lên đỉnh núi mà lòng chúng tôi thanh thản đến lạ, bởi họ đang nhích dần đến nơi an tịnh.

Những phu khuân vác hiếu độ của núi Bà Đen

Ni trưởngThích Nữ Diệu Nghĩa, Viện Chủ các chùa núi Bà Đen cho biết, hơn hai mươi năm qua, đội khuân vác đã trở thành một bộ phận quan trọng giúp sức cho chùa cũng như du khách. Nhờ có lòng hiếu độ, những người như ông Phết, ông Cửu, ông Công... đã dần nảy sinh một tình yêu cao cả, họ làm việc công quả không đòi hỏi đền đáp.

Nhóm PVMĐ/KD&PL

Tên một số nhân vật đã được thay đổi.

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/cuu-chin-ngon-mot-thoi-ngang-doc-bong-quay-dau-hoan-luong-p41697.html