Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi

Trải qua 34 năm thành lập và phát triển (06/12/1989 - 06/12/2023), đến nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam nói chung, Hội CCB tỉnh Long An nói riêng tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu chiến binh tỉnh tham quan mô hình sản xuất hiệu quả của hội viên

“Cựu nhưng không cũ”

Thời gian qua, dù gặp không ít khó khăn nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Trung ương Hội CCB Việt Nam, cùng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Hội CCB tỉnh luôn động viên cán bộ, hội viên (CBHV), nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

Chủ tịch Hội CCB tỉnh - Nguyễn Văn Kìa cho biết: “CBHV phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống “Trung thành - đoàn kết - gương mẫu - đổi mới”, xây dựng Hội CCB vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu cơ bản công tác Hội năm 2023. Nổi bật là tổ chức sơ kết các mô hình trong phong trào thi đua yêu nước “CCB gương mẫu” và “Dân vận khéo”, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CBHV và phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Kìa, đến nay, nhiều mô hình của Hội CCB tỉnh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi được nhân rộng. Điển hình là mô hình: 5 + 1 và 10 + 1 (5 hộ khá, giàu hỗ trợ 1 hộ cận nghèo; 10 hộ khá, giàu hỗ trợ 1 hộ nghèo) giúp gia đình HV nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, còn có các mô hình: Trồng bưởi da xanh trên địa bàn biên giới; Trồng mai vàng ở huyện Thạnh Hóa; Trồng chanh không hạt ở huyện Bến Lức; Nuôi bò vỗ béo ở các huyện: Đức Huệ, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa.

Hiện nay, Hội CCB tỉnh quản lý vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn trên 829 tỉ đồng, có 431 tổ tiết kiệm và vay vốn, có 16.894 hộ vay. Từ nguồn vốn vay đã kịp thời hỗ trợ HV, CCB nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, năm 2023 giảm được 22 hộ HV nghèo; số hộ CCB nghèo giảm còn 44 hộ, cận nghèo giảm còn 260 hộ.

Hội Cựu chiến binh tỉnh phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng nhà Đồng đội cho hội viên

Hội CCB tỉnh phối hợp MTTQ và các đoàn thể vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho HV có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí gần 15 tỉ đồng, trong đó, xây dựng 184 căn nhà tình nghĩa, Đồng đội, tình thương, sửa chữa 78 căn nhà; ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng bào nghèo các tỉnh Tây Bắc với số tiền 112 triệu đồng.

Những gương sáng tiêu biểu

Phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, CCB Nguyễn Văn Sáu (SN 1967, ngụ ấp 7, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhập ngũ năm 1985, chiến đấu tại Đoàn 7704, Mặt trận 479 tại Campuchia, sau 3 năm, ông xuất ngũ trở về địa phương. Thời điểm này, gia đình ông rất nghèo, không có ruộng đất nên đi làm công nhân. Trải qua hàng chục năm với đồng lương khiêm tốn, chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, ông mạnh dạn đầu tư nuôi bò vỗ béo, góp phần cải thiện kinh tế gia đình.

Nhờ đầu tư nuôi bò vỗ béo, ông Nguyễn Văn Sáu (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) có khoản dư để tân trang nhà cửa

Ban đầu, do vốn ít nên ông Sáu chỉ nuôi 2 con bò. Đến nay, đàn bò nhà ông có trên 30 con, chủ yếu là giống bò 3B của Mỹ. Ông tham gia lớp tập huấn chăn nuôi bò để có thêm kiến thức, kỹ năng, cập nhật những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để áp dụng vào đàn bò giúp tăng chất lượng thịt bán ra.

Ông Sáu chia sẻ: “Để tiết kiệm chi phí, phần lớn các khâu đều tự làm chứ không mướn thêm nhân công, làm riết có kinh nghiệm, chỉ trừ các khâu chuyên môn mới nhờ đến thú y. Trong quá trình nuôi bò, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục,...”. Chăn nuôi bò ít rủi ro, mỗi năm, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận của gia đình ông trên 200 triệu đồng. Ông tích cóp tiền mua được 0,6ha ruộng để trồng cỏ, từ đó tiết kiệm chi phí mua thức ăn nuôi bò.

Tương tự, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, CCB Huỳnh Văn Hậu (SN 1963, ngụ ấp Long Hưng, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) trở về địa phương phát triển kinh tế, cống hiến cho quê hương, hiện ông là Bí thư Chi bộ ấp Long Hưng. Ông nhập ngũ từ năm 1983 tại Tiểu đoàn 180, Quân khu 7, đến giữa năm 1986 thì xuất ngũ. Sau khi lập gia đình, ông và vợ là bà Đinh Thị Diệp Thúy (SN 1970) cùng nhau phấn đấu ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Vợ chồng ông Hậu học hỏi kinh nghiệm từ những lão nông và đọc thêm tư liệu từ sách, báo để áp dụng vào vườn rau màu của gia đình. Hiện tại, gia đình ông có 3.000m2 đất trồng mướp, 1.500m2 trồng luân phiên rau cải và hành lá. Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho gia đình, vợ chồng ông Hậu còn thuê 2.500m2 đất để canh tác.

Dịp cuối năm, vợ chồng ông Huỳnh Văn Hậu và bà Đinh Thị Diệp Thúy (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) chuyển sang trồng dưa hấu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán

Ông Hậu bộc bạch: “Trồng rau màu không quá cực nhưng dễ bị sâu, bệnh và ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nên phải chăm sóc mỗi ngày. Để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, tôi không lạm dụng thuốc hóa học trong trồng trọt”. Được biết, năm nay, gia đình ông Hậu chuyển sang trồng dưa hấu vào dịp cuối năm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Dù trồng nhiều loại rau màu khác nhau, diện tích trồng khá lớn nhưng tất cả đều do vợ chồng ông Hậu tự tay chăm sóc, không thuê thêm nhân công để tiết kiệm chi phí. Mỗi năm, ông thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Qua nhiều năm cần cù sản xuất, vợ chồng ông đã mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình, xây dựng nhà cửa khang trang, có điều kiện nuôi 2 người con ăn học. Hiện nay, người con gái lớn đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, người con trai út đang học năm nhất đại học.

“Các thế hệ CCB luôn phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, luôn “Trọn nghĩa với nước non, sắt son tình đồng đội”, là tấm gương sáng ở địa phương cơ sở, góp phần xây dựng văn hóa, con người Long An văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đoàn kết để chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh” - ông Nguyễn Văn Kìa khẳng định./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cuu-chien-binh-thi-dua-lam-kinh-te-gioi-a168785.html