Cựu chiến binh Điện Biên Phủ: 'Chúng tôi đánh địch với tinh thần không ngại hy sinh, không sợ đổ máu'

'Ngày đó, chúng tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần tiến công, không ngại hy sinh, không sợ đổ máu. Vào chiến trận là chỉ biết xông lên, đầy quyết tâm…', cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn (nguyên bộ đội Trung đoàn 174, Sư đoàn 316) bồi hồi nhớ lại.

Ở tuổi 96, cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn (trú tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) vẫn giữ được sự minh mẫn. Ký ức về những ngày cùng đồng đội, đồng chí làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn vẹn nguyên trong ông.

22 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Cảnh Thìn hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông tham gia hầu hết các chiến dịch ở phía Bắc như chiến dịch Tây Bắc lần 1, lần 2, chiến dịch Lai Châu và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. “Thời đó háo hức, ra đi hăng hái lắm. Chiến tranh, ai cũng nghĩ đến cái chết, nhưng không sợ. Nếu mất thì chỉ hy sinh bản thân mình, mà đổi lại được cả giang sơn, được Tổ quốc, là cái được rất lớn”, cựu chiến binh Điện Biên Phủ chia sẻ.

Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn, nguyên bộ đội Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thìn thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường Điện Biên. Buổi tối theo sự phân công của cấp trên, ông và đồng đội đi cận hàng rào của Pháp để xem hướng tấn công, phòng ngự của địch, xác định phương án tác chiến. Ban ngày lại lên núi cao quan sát đội hình Pháp đóng quân.

“Điện Biên Phủ là một chiến dịch lớn nên khi đó, dù khó khăn, gian khổ, chúng tôi đều rất hồ hởi. Thời điểm đó, điều kiện sinh hoạt còn hết sức vất vả, không có tăng, không có võng, đi đến đâu là chặt lá cây để nằm. Bộ đội khi đó, cũng chỉ có hai bàn tay không, chỉ có cuốc xẻng…”, ông Thìn kể.

Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn hồi tưởng về những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ từ rất sớm và đã tham gia hai trận chiến đấu quan trọng trước khi nổ súng mở màn trận Điện Biên Phủ. Ông bảo, phương án ban đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh” nhưng thực tế qua quá trình chiến đấu hai bên giằng co, giành giật nhau từng khẩu súng, từng lô cốt.

“Thời điểm đó, để 'đánh nhanh, thắng nhanh' là rất khó khăn bởi bộ đội của ta chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có nhiều kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng. Trong khi đó, kẻ địch có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện. Lúc này, Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm 'đánh chắc, tiến chắc'. Quyết định này được Bộ Chính trị và Bác Hồ đồng tình ủng hộ”, ông Thìn cho hay.

Ngày 7/5/1954, cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ-cát (Ảnh tư liệu).

Trong muôn vàn hiểm nguy, gian khó, thiếu thốn, với những đôi chân trần và ý chí thép, ông Thìn cùng đồng đội đã hòa mình vào cuộc chiến, góp phần đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi cuối cùng.

“Ngày đó, chúng tôi tham gia chiến dịch với tinh thần tiến công, không ngại hy sinh, không sợ đổ máu. Vào chiến trận là chỉ biết xông lên, đầy quyết tâm. Niềm vui vỡ òa khi nhìn thấy quân địch dùng cờ trắng để đầu hàng và lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch”, ông Nguyễn Cảnh Thìn bồi hồi nhớ lại.

Dù ở độ tuổi xưa nay hiếm, ông Thìn vẫn minh mẫn và thường xuyên cập nhật tin tức, đọc sách báo.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Thìn trở về địa phương. Tháng 2/1958, đơn vị ông được lệnh trở lại Điện Biên xây dựng lực lượng và làm kinh tế. Trong lần trở lại này, ngoài công việc như dò mìn, phá hủy bom đạn địch để lấy đất sản xuất,… ông nhận thêm một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tìm mộ liệt sĩ để xây dựng nghĩa trang.

Khi nhận nhiệm vụ, ông đã tổ chức lực lượng, phân công các tổ tìm kiếm và thống kê ở nhiều hướng khác nhau với quyết tâm không để sót một liệt sĩ nào. “Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã đánh dấu và thống kê được gần 4.000 ngôi mộ. Sau đó, các ngôi mộ được quy tập về ba nghĩa trang ở chân đồi A1, Him Lam và Độc Lập”, ông Thìn cho hay.

Ông Nguyễn Cảnh Thìn (ngoài cùng bên phải) là một trong ba đại biểu cựu chiến binh, thanh niên xung phong Điện Biên Phủ được mời giao lưu tại chương trình gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của tỉnh Nghệ An

Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn gắn bó với quân đội đến năm 1984 với vai trò là trợ lý cán bộ nghiên cứu – Học viện Chính trị. Ông cũng là cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh 3/4 và đã được nhận nhiều huân chương, huy chương của Đảng và Nhà nước. Năm 2022, ông Nguyễn Cảnh Thìn là một trong 75 đại biểu người có công tiêu biểu vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật tại Trụ sở Trung ương Đảng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022).

70 năm về trước, Nghệ An là hậu phương vững chắc của chiến trường Điện Biên. Từ tháng 2/1954, thực hiện lệnh tổng động viên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, có 5.438 thanh niên Nghệ An hăng hái tham gia nhập ngũ. Mở đường ra trận, tỉnh Nghệ An đã huy động 6.600 dân công, đóng góp hơn 1,5 triệu ngày công.

Chỉ trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán 1954, có 32.000 dân công tỉnh Nghệ An, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật quân giới đã nô nức lên đường ra tiền tuyến. Cùng với quân và dân cả nước, quân dân Nghệ An đã có đóng góp quan trọng, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thu Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuu-chien-binh-dien-bien-phu-chung-toi-danh-dich-voi-tinh-than-khong-ngai-hy-sinh-khong-so-do-mau-post1634210.tpo