Cuốn sổ máu - hành trình tìm kiếm ông trùm tội ác

Khi nhắc đến nhà văn Phong Điệp người đọc nghĩ ngay đến một nhà văn nữ năng động, viết đa dạng thể loại từ tản văn, truyện ngắn, đối thoại văn học đến tiểu thuyết. Ở thể loại nào chị cũng để lại dấu ấn riêng, đặc biệt trong đó không thể không nhắc đến tiểu thuyết - thể loại nặng kí cần rất nhiều sức lực cùng thời gian. Về tiểu thuyết của chị có thể kể đến những tác phẩm như 'Blogger', 'Ga ký ức', 'Vực gió', và mới nhất là 'Cuốn sổ máu' (NXB Phụ nữ Việt Nam; Quý III, 2023).

“Cuốn sổ máu” được ghi ngay trên bìa là tiểu thuyết tâm lý, hình sự. Nhưng ít người biết nó khởi sinh từ một truyện ngắn mang tên “Người lạ”. Truyện ngắn kể về nhân vật tên Phượng làm công nhân một công ty may phía Nam, một ngày bỗng có người đàn ông từ ngoài Bắc vào tìm. Ngoài Bắc thì là đồng hương với Phượng rồi, cái miền Bắc xa ngái nơi mà tuổi thơ Phượng đã trải qua nơi nhà tình thương, với người mẹ vào thăm đôi ba lần rồi mất hút, thấy bảo đi tu, nhưng tu chùa nào thì Phượng chẳng rõ. Thời gian ấu thơ từ trước khi vào nhà tình thương là khoảng xóa trắng. Vậy người đàn ông đến tìm Phượng là ai, họ hàng, người quen hay chính là bố Phượng. Người đọc truyện ngắn chẳng thể biết vì đến khi Phượng không tránh né nữa, muốn tìm người đàn ông để hỏi cho ra lẽ thì ông ta đã biến mất cùng bao nhiêu câu hỏi chưa có câu trả lời, tất cả chỉ là các đoán định lờ mờ.

Nhà văn Phong Điệp.

Nhà văn Phong Điệp chia sẻ rằng khi viết xong truyện ngắn trên thì dường như nhân vật hư cấu là cô gái trẻ tên Phượng vẫn bám lấy, trong từng giấc ngủ, qua từng góc phố, câu chuyện kể ra ở trong truyện ngắn kia chỉ là bắt đầu. Cuộc đời cô gái tên Phượng kia không chỉ đơn giản thế. Phượng với nhà văn không hề có nguyên mẫu - mà rồi lại thành nhân vật neo ám ảnh, một mắc nợ. Nhà văn cần phải sống tiếp với cuộc đời nhân vật của mình.

*

Cuộc đời của Phượng trong “Cuốn sổ máu” là một cuộc đời nối dài của bi kịch tiếp diễn. Ông bà nội, bố, anh trai, chú thím, các em con chú thím, người giúp việc đều bị giết giữa đêm. Phượng và mẹ vì đi ăn giỗ xa nhà mà thoát được lưỡi dao oan nghiệt. Ngôi nhà đang ở bị người ta đến xiết vì người bố đã đem cầm cố lấy mười lăm cây vàng. Người bí ẩn trong đám tang khuyên hai mẹ con nên chạy trốn vì tính mạng hai mẹ con chẳng an toàn, có người vẫn tìm giết.

Hai mẹ con dựng hiện trường tự tử bên con sông Bạc rồi lên chuyến tàu chạy trốn. Vô tình, số phận run rủi đưa họ đến chùa Vân, bị truy sát giữa đêm nhưng được sư Hạnh cứu. Chùa cháy tan hoang, kẻ truy sát bỏ mạng (mà người ta vẫn nghĩ cái xác là sư Hạnh). Sau đó Phượng được mẹ gửi vào nhà tình thương. Phượng cứ thế yên ổn sống, yên ổn đau khổ, yên ổn quên lãng, lớn lên với chúng bạn có cùng cảnh ngộ không cha mẹ đẻ chăm sóc như mình, rồi đến mười tám tuổi trở thành thiếu nữ bình thường như bao thiếu nữ khác và đi làm.

Tất cả sẽ yên ổn nếu như Phượng không xuất hiện trong bức ảnh của bài báo “Chuyển biến mới ở công ty may Nhật Thành”. Kẻ thù bao năm của nhà Phượng, Lâm giáo chủ, người vẫn truy tìm dấu vết hai mẹ con thấy và bắt đầu hành động. Bởi cuốn sổ ghi các biên bản trói buộc, thỏa thuận, danh sách ân oán cần tính sổ nghi vẫn nằm trong tay hai mẹ con Phượng. Chú Phượng chính là tình nhân của vợ hai ông Lâm, cũng vì tắc trách mà dẫn đến cái chết của người vợ ba cùng con trai ông ta lúc chuyển dạ trong bệnh viện. Oán chồng chất oán. Chính Lâm giáo chủ là người trực tiếp chỉ đạo Tắc hổ mang xử lý gia đình Phượng, Tắc lại thuê Sảng bò điên. Sảng bò điên nghiện ma túy, nhận lệnh giết mười một mạng người trong gia đình. Hắn làm đủ, nhưng mạng thứ mười và mười một là cặp tình nhân đi ngang qua nhà thấy hắn máu me đầy người đi ra thì rú lên. Sau đó Sảng cũng chết vì sốc thuốc để bịt đầu mối.

Đứa con trai ốm yếu của kẻ thù cũng biết được điều ấy, cũng truy tìm, nhưng không phải giết, trả thù mà là tìm cách cứu Phượng. Cậu ta nhờ người xe ôm tên Chiến, với số tiền tích góp của mình tìm đến công ty may kia cảnh báo Phượng về mối nguy hiểm rình rập, gợi cô nhớ lại quá khứ chỉ có màu đỏ của máu và cuộc chạy trốn triền miên của hai mẹ con.

*

Nếu chỉ tính riêng trinh thám thì “Cuốn sổ máu” có đủ một hành trình bí ẩn chất chồng về tội ác, tìm kiếm, phá án lắt léo để người đọc dõi theo. Những người Cảnh sát nhân dân trên mặt trận chống lại cái chết trắng đã mất rất nhiều năm để kết thúc được chuyên án K.109. Khi mà việc sản xuất ma túy ngày một manh động, liều lĩnh. Các đối tượng thuê xưởng bỏ không ngay trong thành phố, khu dân cư đông người, thuê lao động tự do từ quê lên, trả lương cao để sản xuất rồi chuyển đi tiêu thụ trong, ngoài nước. Khi bị phát hiện thường chỉ bắt được các đối tượng trực tiếp sản xuất, đội ngũ đầu gấu bảo kê, thêm chủ xưởng nữa là hết. Gọi là bắt được vụ án ma túy lớn, số lượng lên đến hàng trăm kilogam, nhưng cũng chỉ là một mảnh nhỏ của bức tranh.

Đại tá Đỗ Cường trăn trở rất nhiều, từ lúc còn là Thiếu tá, Trung tá anh đã theo chuyên án. Có lúc tưởng nhìn thấy rõ ràng hành trình tội ác, đối tượng đứng sau các âm mưu đẫm máu nhưng rồi lại chưng hửng. Đối tượng chỉ là kẻ nhận tội thay, hoặc giả hắn chỉ biết nhận lệnh từ một người A, B, C… nào đó, mà kẻ A, B, C… kia cùng lắm chỉ biết D, mà sau D là E, F, G, H… gì nữa thì kéo dài mãi, đường dây tìm kiếm thường đứt gẫy từ đây. Kẻ chủ mưu nắm quyền điều hành toàn bộ hệ thống như một con lươn rúc nhanh xuống bùn chẳng sủi tăm. Như một con bạch tuộc nhiều xúc tu, sẵn sàng cắt đứt xúc tu bị nắm để thoát thân, giữ các xúc tu khác an toàn.

Tác phẩm mới của nhà văn Phong Điệp.

"Cuốn sổ máu" đã dựng được nhân vật ông trùm từng có lúc đối đầu ngang ngửa, thách thức với lực lượng Công an. Điều này tránh được tư duy một chiều khi viết, rằng lúc nào tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng thường ngu ngốc, manh động, để lại dấu vết lộ liễu khi gây án. Tội phạm ma túy trong thời đại ngày nay đã có bước chuyển mới với việc sử dụng công nghệ trong việc vận chuyển, chế biến, điều hành, chưa kể rất am hiểu luật pháp hiện hành, thường tạo vỏ bọc tốt với các hoạt động từ thiện giúp đỡ cộng đồng.

Tuy vậy, cái ác chẳng bao giờ thắng được cái thiện, kết thúc là khi Lâm giáo chủ cùng đàn em lần lượt sa lưới pháp luật, đền tội xứng đáng trước tòa. Chỉ có hai đứa trẻ: con của kẻ chủ mưu giết người năm xưa và con nạn nhân là còn sống. Họ cũng chính là người đau khổ nhất, liệu có quên được quá khứ hay không, Phượng từng quên để rồi buộc phải nhớ lại từ sau bức ảnh vô tình của nhà báo, nhân vật tôi tật nguyền chật vật tìm thấy sự thật - rồi sau đây sẽ phải quên lãng, sống tiếp trên đời thế nào khi sự thật phô bày dữ dội, thảm khốc quá.

Ở đây, nếu đọc “Cuốn sổ máu” ở khía cạnh tâm lý bạn sẽ nhận ra tất cả nhân vật trong truyện đều bất ổn. Từ Lâm giáo chủ, Tắc hổ mang, người chú tên Hoạt, Phượng, sư Hạnh, dì hai, Zero bạn nhân vật tôi tật nguyền trên mạng…. Mỗi người đều cố gắng che giấu đi phần quá khứ từng hiện hữu của mình để yên tâm phần nào sống với hiện tại. Họ luôn sợ quá khứ trỗi dậy, sợ kẻ khác bới tung cái quá khứ của mình lên, sợ bị nhìn thấy lúc mềm yếu. Mỗi người đều đeo một chiếc mặt nạ yên ổn, ngấm ngầm tạo dựng thêm các hàng rào trước quá khứ đã qua.

Và câu hỏi đặt ra cho chúng ta khi cuốn tiểu thuyết khép lại, rằng con người của hiện tại ngày nay đối diện ra sao với tội ác ngày càng ghê rợn, tinh vi, lắt léo hơn. Khi các phương tiện thông tin, mạng xã hội đang góp phần khuếch trương tội ác lên để câu view, câu like, tăng tương tác, lượt chia sẻ. Để chống lại sự bùng nổ thông tin trên, có chăng, là mỗi người chúng ta tự lựa chọn cách sống của mình, nuôi lấy mầm thiện, nuôi lấy ý nghĩ tốt. Bởi câu ác giả ác báo, gieo duyên lành gặp quả ngọt, gieo duyên ác gặp quả đắng vẫn đúng dù có ở thời nào đi chăng nữa.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cuon-so-mau-hanh-trinh-tim-kiem-ong-trum-toi-ac-i708724/