Cuốn sách về cách mạng tình dục của phụ nữ

Thông qua 'Bad Sex', tác giả Nona Willis Aronowitz đã nói về con đường cô tìm hiểu về tình dục, cũng như những định kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.

"Bad sex" đã trở thành câu cửa miệng trong những năm gần đây - nó là cụm từ viết tắt để chỉ kiểu tình dục không bình đẳng và đôi khi không hoàn toàn đồng thuận.

Khi Jessica Bennett, cây viết của tờ New York Times, lựa chọn review về “Bad Sex” - cuốn sách mới của tác giả Nona Willis Aronowitz - cô đã chuẩn bị cho một phân tích về “chính trị tình dục” hậu “#Metoo”.

Nhưng hóa ra Aronowitz viết về "tình dục tồi tệ" theo nghĩa đen. Đó là những trải nghiệm tình dục mà nhiều người trong chúng ta từng trải qua (dù Bennett hy vọng là nó không xảy ra thường xuyên): vụng về, không thỏa mãn, công thức, rời rạc, nhàm chán.

Chính những kiểu quan hệ ấy khiến tác giả phải chấm dứt cuộc hôn nhân của mình sau 8 năm.

Giai đoạn hôn nhân của Aronowitz kết thúc, vào năm 2016, cũng là lúc “Bad Sex” được nhen nhóm ý tưởng, khi cuộc sống của cô rơi vào trạng thái hỗn loạn.

Tìm hiểu về tình dục

Aronowitz, người phụ trách chuyên mục “sex and love” của Teen Vogue, đang trong mối quan hệ rạn nứt, phải chăm sóc người cha đau ốm và quay cuồng trước cuộc bầu cử của Donald Trump.

Cuốn sách được Aronowitz nhen nhóm ý tưởng giữa lúc trải qua nhiều biến động trong cuộc sống.

Giữa lúc đó, cô quyết định bắt đầu khám phá như thế nào là kiểu tình dục tốt cho mình, và trả lời nhiều câu hỏi mâu thuẫn xuất hiện trong quá trình đó.

Câu hỏi là có phải khủng khiếp không khi phải ở trong một mối quan hệ với một người có lối tình dục quá tồi tệ suốt thời gian dài, hay người xấu chính là cô khi muốn chấm dứt cuộc hôn nhân vì vấn đề tình dục? Làm thế nào để cô dung hòa được niềm tin nữ quyền về sự độc lập với phần cảm xúc không muốn cô đơn của mình?

Đa số mọi người không nhìn vào mẹ của họ khi trả lời các câu hỏi về đời sống tình dục của mình. Aronowitz làm được điều đó nhờ mẹ của cô, Ellen Willis - cố nhà văn nữ quyền cấp tiến, người đã đưa ra lập luận rằng giải phóng tình dục là điều cốt yếu đối với giải phóng phụ nữ.

Tuy nhiên, bà Willis không nói nhiều về tình dục với con gái mình, ngoại trừ việc đưa cho cô quyển “Rubyfruit Jungle” trong một dịp đi nghỉ của gia đình.

Vì vậy, Aronowitz chọn đào sâu vào các bài viết của mẹ mình, tìm kiếm quan điểm của bà về hôn nhân và chế độ một vợ một chồng, cũng như mối quan hệ giữa mẹ với cha là nhà lý luận xã hội Stanley Aronowitz.

Ở đầu cuốn sách, Aronowitz lưu ý rằng ngay cả trong xã hội tiến bộ như New York (Mỹ) nơi cô lớn lên, tình dục thường được coi là TMI (ám chỉ điều cấm kỵ, không nên nhắc đến).

Sợi dây lịch sử

Việc kết nối thông tin và những câu chuyện trong sách cũng là thách thức. Aronowitz cố gắng kết hợp 3 nội dung: từ mối quan hệ của cô ở hiện tại (với một người đàn ông tên Dom) sang Emma Goldman, người theo chủ nghĩa vô chính phủ đầu những năm 1990 và là người ủng hộ “tình yêu tự do”, tới quan điểm của mẹ cô về mối quan hệ không có một vợ một chồng.

Những kết nối lịch sử trên rất quan trọng và hấp dẫn, như một khuôn khổ để diễn giải quan điểm về tình yêu và tình dục trong hiện tại.

Chẳng hạn, khi tác giả cố gắng hiểu mong muốn của bản thân về một mối quan hệ cởi mở, chúng ta được đưa thông tin rằng chế độ không có một vợ một chồng là tiêu chuẩn trong cộng đồng đồng tính nữ những năm 1970.

Thông qua nghiên cứu của nhà xã hội học Jane Ward và nhà thơ Adrienne Rich, người đặt ra thuật ngữ “tình dục khác giới bắt buộc”, Aronowitz cố gắng giải thích lý do mối quan hệ của chính cô với người yêu cũ lại ngột ngạt như vậy.

Các thành viên của "WAP" - nhóm phụ nữ chống lại nội dung khiêu dâm vào năm 1970. Ảnh: Marilynn K. Yee/Thời báo New York.

Với sự viral của “WAP,” bài hát đình đám năm 2020 của rapper Cardi B, kết hợp với Megan Thee Stallion, Bennet đã rất thích thú khi biết rằng vào những năm 1970, “WAP” là viết tắt của “Phụ nữ chống lại nội dung khiêu dâm”, một nhóm nữ quyền tin rằng nội dung khiêu dâm cổ xúy bạo lực tình dục.

Aronowitz cũng khám phá, với sự giúp đỡ của nhà tiên phong về tình dục nữ quyền Betty Dodson, cách đàn ông học cách quan hệ tình dục. Dodson lưu ý trong những năm 1960 và 1970, hầu hết đàn ông tham gia vào cuộc cách mạng tình dục vẫn coi tình dục là định lượng - dẫn đến rất nhiều cuộc quan hệ tồi tệ.

Aronowitz cũng đã tham gia một buổi massage khiêu dâm để xem liệu cô có thể lên đỉnh trong bối cảnh như vậy không (và cô đã không thể). Nó mang lại cho cô trải nghiệm thú vị về khoái cảm tình dục của phụ nữ.

Trong cuốn sách của mình, cô cũng đề cập đến thông tin rằng trước thế kỷ 18, cực khoái của phụ nữ được coi là quan trọng không kém gì chuyện sinh đẻ.

Tình dục luôn là vấn đề chính trị với các nhà nữ quyền. Tuy nhiên, việc thể hiện mọi mong muốn trong “chính trị” có thể phức tạp, nếu không muốn nói là mệt mỏi.

Kể lại lần đầu tiên học cách đạt được cực khoái, Aronowitz nói rằng cô cảm thấy “bóng ma của khoái cảm nằm lửng lơ bên trên việc quan hệ tình dục” của mình.

Aronowitz cũng đọc lại nhật ký của mẹ cô từ đầu những năm 1980, trong đó Willis vật lộn với niềm tin chính mình về tình yêu tự do, cùng mối quan hệ một vợ một chồng với cha của Aronowitz, người đã ngoại tình.

Lần đầu đọc những điều đó ở độ tuổi 20, Aronowitz đã sửng sốt, cô cố gắng nhớ lại mối quan hệ tốt đẹp kéo dài 25 năm của cha mẹ mình. Những lần này, giữa lúc khám phá về tình dục của bản thân, nữ nhà văn bắt đầu nghĩ về cha mẹ như hai linh hồn đáng thương đang cố cân bằng cuộc sống với niềm tin chính trị của họ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuon-sach-ve-cach-mang-tinh-duc-cua-phu-nu-post1393006.html