Cười nghiêng ngả với 'Ba Hòm' Đại Nghĩa trong 'Má ơi út dìa'

Được xem là nghệ sĩ trụ cột cho những vai diễn quan trọng của Nhà hát Kịch IDECAF, Đại Nghĩa đã không làm thất vọng khán giả khi mỗi vai mới đều tạo nét diễn duyên dáng, bản lĩnh.

NSƯT Đại Nghĩa trong vai ông Ba Hòm (vở "Má ơi út dìa")

Nhà hát Kịch IDECAF đã có suất diễn báo cáo phúc khảo vở hài kịch "Má ơi út dìa" (tác giả Trung Dân, đạo diễn Thanh Thủy). Trong vở kịch, nhân vật Ba Hòm do NSƯT Đại Nghĩa thể hiện dù là vai phụ nhưng làm người xem cười nghiêng ngã mỗi khi ông ba Hòm xuất hiện.

Được biên tập lại từ kịch bản "Tiếng vạc sành" của nghệ sĩ Trung Dân, vở "Má ơi út dìa" thật sự là một vở kịch đáng xem khi bên cạnh những tiếng cười thú vị còn là những giọt nước mắt hối hận muộn màng của người con sa ngã.

Khung cảnh miền quê sông nước được tái hiện sinh động trong vở "Má ơi út dìa"

Vở thuộc thể loại tình cảm và tâm lý xã hội do nghệ sĩ Thanh Thủy làm đạo diễn. Đây được xem là một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu và nghiêm túc của ê-kip với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ hiện được công chúng yêu mến như: Thanh Thủy, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Quang Thảo, Quốc Thịnh và các diễn viên trẻ triển vọng như: Ngọc Nguyên, Trung Tín.

Đặc biệt, vở còn có sự tham gia của nghệ sĩ Đặng Huyền Trâm, một gương mặt rất quen thuộc với khán giả qua cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ". Và tất nhiên đạo diễn đã để nữ nghệ sĩ này ca vọng cổ, hát dân ca rất mùi mẫn qua vai diễn Thảo - cô con dâu hiền lành, chân chất của bà Thơm.

Nghệ sĩ Đình Toàn và Quốc Thịnh trong vở "Má ơi út dìa"

Bên cạnh đó, hai vai diễn của Quốc Thịnh và Đình Toàn sẽ khiến khán giả lưu luyến, da diết khi đến với câu chuyện "Má ơi út dìa". Họ gần như bổ sung cho nhau trong mỗi tình huống khiến người xem vừa thương, vừa giận.

Lấy ý tưởng chủ đạo là xã hội Việt Nam những ngày đầu thế kỷ XXI khi mà một bộ phận thanh niên bỏ quê lên thành học tập nhưng lại sa đà vào chuyện ăn chơi, đua đòi, rồi nghiện ngập. Sự chuyển mình vào giai đoạn hiện đại hóa đô thị đã có những mặt trái và tác giả Trung Dân đã khai thác rất sâu và chắc.

Ở vùng quê êm đềm nằm trên cù lao giữa những con rạch, nơi nhà bà Thơm nhiều năm trông con trai Út về thăm, đã bị khuấy động đến nghẹt thở khi "thằng Út dẫn vợ về ra mắt má". Để rồi họ mang theo biết bao bi kịch đến nao lòng, khiến khán giả rơi lệ qua nét diễn bi đầy tinh tế của nghệ sĩ Thanh Thủy, Quang Thảo.

Diễn viên trẻ Ngọc Nguyên, Quốc Thịnh, Đặng Huyền Trâm trong vở "Má ơi út dìa"

NSƯT Đại Nghĩa đã nghiên cứu kỹ cách diễn vai ông Ba Hòm, vai diễn trước đây đã từng là vai được yêu thích của nghệ sĩ Trung Dân (năm 2002 - 2003). Chính vì có sự nghiên cứu và khai thác triệt để mảng miếng liên quan đến vai trò ông Ba Hòm, ngoài bán hòm còn kinh doanh, môi giới đất đai, Đại Nghĩa đã làm cho khán giả cười thích thú với phong cách diễn lém lĩnh, phóng khoảng của anh.

Các diễn viên tham gia vở "Má ơi út dìa"

Chọn vở diễn này để khai trương vào tối 16-3, khởi đầu cho mùa diễn kịch sau Tết Nguyên Đán, Nhà hát Kịch IDECAF kỳ vọng khán giả sẽ thích thú khóc cười với câu chuyện "Má ơi út dìa".

Với thông điệp đối mặt cái chết và lòng hận thù, dù tình thương yêu có thể hóa giải tất cả, nhưng là con mà để mẹ đau, tủi hờn đó là bất hiếu.

Câu chuyện kịch "Má ơi út dìa" vì thế đan xen tình cảm gia đình, tình yêu trai gái, tình làng nghĩa xóm và trên hết là tình mẫu tử thiêng liêng, đã được các nghệ sĩ khắc họa sinh động.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoi-nghieng-nga-voi-ba-hom-dai-nghia-trong-ma-oi-ut-dia-196240312110922645.htm