Cuối năm bội thực

Như thường lệ, anh bạn học công tác ở huyện nói với cả nhóm là có tổ chức hoạt động chung gì thì chờ ra năm anh mới tham gia được. Cuối năm bận lắm.

Cuối năm cơ quan, đơn vị nào chả bận. Tổng kết công tác năm cũ, xây dựng kế hoạch cho năm mới, chứ có phải mình huyện anh đâu, tôi nói thế. Nghe thế, anh bạn xua tay nói không chỉ việc ấy, mà là phải tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền, mô hình...

Và như anh nói thì gần như năm nào cũng vậy, các huyện đều phải phối hợp với nhiều ngành trên tỉnh thực hiện các đề án. Mà không hiểu vì xây dựng kế hoạch chậm, không bố trí được nhân lực, vì kinh phí, hay vì gì nữa mà gần như thời điểm cuối năm nào huyện cũng phải vắt chân lên vai để cùng các ngành “giải ngân”. Đó là chưa kể huyện cũng có các đề án, chương trình riêng phải thực hiện cho xong.

Giải ngân là thế nào, tôi hỏi, thì được anh bạn trả lời đại ý là tiêu cho hết số tiền đã cấp. Mỗi đề án sau khi phê duyệt đều có số lượng công việc và được ngân sách Nhà nước cấp số tiền tương ứng để thực hiện. Gần như là ngành nào, địa phương nào cũng có đề án cả. Có những ngành được giao nhiều đề án trong năm. Muốn thực hiện được thường phải phối hợp với ngành khác và các địa phương. Dù nhiều đề án đã có kế hoạch thời gian nhưng không phải đơn vị, địa phương nào cũng bám sát tiến độ, việc xin lùi thời gian diễn ra nhiều và thường ộn lại vào dịp cuối năm. Vì thế, dịp cuối năm ngành nào cũng muốn cố gắng phối hợp để tổ chức thực hiện cho xong các phần việc được đề án giao. Nói cách khác là phải tiêu hết tiền ngân sách cấp để không phải trả lại. Còn nếu phải trả lại thì ê mặt lắm, vừa không hoàn thành nhiệm vụ, vừa khó để xin ngân sách mới.

Việc tổ chức nhiều hoạt động vào dịp cuối năm dẫn đến nguồn lực phục vụ đều không đảm bảo. Từ thiếu con người phục vụ, đến thiếu cơ sở vật chất tổ chức. Điều quan trọng nữa là các đối tượng thụ hưởng sẽ phải tiếp thu cùng lúc quá nhiều, mà nói như anh bạn là rất dễ để bội thực. Đó là còn chưa kể, vì thực hiện với tư tưởng cho xong cốt để giải ngân hết số kinh phí dẫn đến tình trạng có thể cơ quan, đơn vị được giao quản lý đề án sẽ thực hiện đại khái, lấy lệ, vừa làm giảm giá trị của đề án, vừa gây lãng phí ngân sách Nhà nước, còn tạo ra căn bệnh hình thức.

Tôi hỏi anh bạn là vì sao địa phương không kiến nghị với các ngành phối hợp để tổ chức cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả. Anh bạn than thở câu chuyện đầu năm đủng đỉnh, giữa năm thảnh thơi, cuối năm vắt chân lên cổ để chạy đã thành nếp rồi, chưa dễ để thay đổi ngay được. Tôi chỉ còn biết lắc đầu chia sẻ, và mong căn bệnh sớm được điều trị để các đề án phát huy hiệu quả hơn.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cuoi-nam-boi-thuc/201080.htm