Cuối mùa mưa vẫn còn ngập

Nhiều năm qua, mỗi khi mùa mưa đến, một số khu dân cư thuộc các xã Phan và Suối Đá của huyện Dương Minh Châu phải chịu cảnh sình lầy, nước ngập. Chính quyền địa phương đã xây dựng hệ thống mương thoát nước, nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng này.

Vườn cao su của bà Trâm bị ngập 3 tháng qua.

Vườn cao su của bà Trâm bị ngập 3 tháng qua.

Ngập vườn cây lâu năm

Bà Phạm Thị Trâm, 75 tuổi, ngụ ấp Phước Tân 1, xã Phan có hơn 2 ha cao su đang kỳ thu hoạch mủ, gần ba tháng nay bị nước ngập lênh láng, phải ngưng thu hoạch mủ. Theo bà Trâm, vườn cao su của gia đình thuộc khu vực Bàu Le- một vùng đất trũng ở địa phương. Những năm trước, mưa lớn, nước từ trên sườn núi đổ xuống Bàu Le chỉ ngập cục bộ trong một thời gian ngắn.

Sau đó, nước theo con mương ven đường đất đỏ dẫn ra hệ thống mương thoát nước của đường 781 và rút cạn. Năm ngoái, đường vào khu vực Bàu Le được đầu tư nâng cấp thành đường nhựa cao ráo, sạch sẽ, nhưng không đặt cống thoát nước, nước mưa chảy xuống đều bị ứ đọng. Bà Trâm cho biết thêm, sau những cơn mưa lớn, nước còn ngập tới sân nhà, không có đường thoát.

Cạnh vườn cao su của bà Trâm là vườn trồng tràm bông vàng với diện tích khoảng 6 công của bà Lê Thị Thành. Đến ngày 29.10, vườn tràm vẫn còn ngập khá sâu, có nơi ngập khoảng 40cm.

Ông Bành Minh Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Phan cho biết, mùa mưa năm nay, trên địa bàn xã Phan có hai điểm ngập úng cục bộ. Trong đó, điểm ngập ở ấp Phước Tân 2 đã được chính quyền cùng người dân địa phương khai thông cống rãnh; còn ở ấp Phước Tân 1, hiện tại vẫn bị ngập úng, làm ảnh hưởng đến cây cao su và cây tràm bông vàng.

Thời gian qua, UBND xã Phan có thuê đơn vị đo cao độ mặt bằng để có kế hoạch khai thông cống để thoát nước. Sau khi khảo sát thực tế, chính quyền địa phương và Sở Giao thông Vận tải thống nhật phương án sắp tới sẽ móc mương thoát nước từ Bàu Le ra đường 781, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng ở khu vực này.

Ngập cả lối đi

Ở ấp Phước Hòa, xã Suối Đá có một điểm bị ngập nước triền miên. Chị Trần Sa Ry, ngụ tổ dân cư tự quản số 6, ấp Phước Hòa cho biết, chị về đây sinh sống khoảng 7 năm và năm nào đến mùa mưa là nước ngập đầy con hẻm trước cửa nhà. “Nếu 10 ngày không mưa thì nước xuống một ít, nhưng vừa có cơn mưa, nước từ trên sườn núi đổ xuống là con hẻm ngập lại như cũ”- chị Ry kể. Nước ngập khiến việc đi lại của các hộ dân trong khu vực này gặp nhiều bất tiện. Chị Ry phải gửi xe gắn máy ở nhà ba mẹ chồng ngoài đầu hẻm rồi dẫn con đi bộ vào nhà.

Bà Phan Thị Nguyệt, 70 tuổi, ngụ tổ dân cư tự quản số 5, ấp Phước Hòa cũng đang rất khổ sở vì tình trạng nước ngập. Bà Nguyệt quê ở tỉnh Vĩnh Long, về huyện Dương Minh Châu sinh sống từ năm 1972.

Mấy chục năm qua, năm nào đến mùa mưa là khu vực này bị sình lầy, ngập úng. Những năm gần đây, đường sá xung quanh nâng cấp nhưng không đặt cống thoát nước nên mùa mưa càng ngập nhiều hơn.

Bà Nguyệt kiếm sống bằng nghề nuôi gà thả vườn. Mưa lớn, nước ngập xung quanh nhà, bà phải nhốt gà lên giường để chúng khỏi chết. Gia đình bà Nguyệt có vườn dừa phía sau nhà, do bị ngập nước và sình lầy ứ đọng nên mấy tháng nay không thu hoạch trái dừa được; số rau đay, mồng tơi, đậu rồng trồng xung quanh vườn nhà cũng bị nước ngập thiệt hại gần hết.

Bà Nguyệt cho hay, nước ngập còn khiến rác thải sinh hoạt từ xóm trên trôi xuống, làm ô nhiễm môi trường. Từ tháng 5 đến nay, nước không rút cạn, xung quanh nhà bà Nguyệt phát sinh nhiều muỗi, lúc nào bà Nguyệt cũng đốt nhang muỗi trong nhà. Để tránh bị té ngã do đất xung quanh sình lầy, bà Nguyệt đành chi 1,8 triệu đồng để mua 10 tấm đan xi măng lát phía sau nhà. “Tôi đã từng kiến nghị chính quyền địa phương mở đường thoát nước cho bà con trong xóm đỡ khổ”- bà Nguyệt than thở.

Bà Hà Thị Huế Nhung- Chủ tịch UBND xã Suối Đá cho hay, trong mùa mưa, một số khu vực ở ấp Phước Hòa thường xuyên ngập do nước trên sườn núi đổ xuống. Sau khi người dân phản ánh, UBND xã đã khảo sát tình hình và nhận thấy hệ thống cống thoát nước của đường 781 quá nhỏ, chiều ngang chỉ 40cm, chiều sâu 60cm và thiết kế cao hơn mực nước ứ đọng bên trong nên không tiêu hết lượng nước.

UBND xã đề xuất UBND huyện khắc phục tình trạng này bằng cách nới rộng và đào sâu thêm đối với hệ thống kênh thoát nước hai bên đường 781; nghiên cứu, thiết kế sao cho nước mưa từ trên núi chảy xuống “chẻ” về kênh tiêu suối Tre, nhằm giảm lượng nước đổ về khu vực ấp Phước Hòa. Mặt khác, để tiêu hết nước ở khu vực này cần phải nạo vét kênh tiêu ST3, dẫn nước từ ấp Tân Định 2 xuống kênh Tây.

Thời điểm này xem như mùa mưa đã kết thúc, nhưng ngập úng vẫn còn ở những khu vực nêu trên. Chính quyền địa phương đã nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết vấn nạn này. Người dân rất mong cấp trên sớm xem xét, có biện pháp khắc phục để mùa mưa năm sau không còn cảnh sình lầy, nước đọng.

Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cuoi-mua-mua-van-con-ngap-a151137.html