Cuộc 'trở về' của những di vật thời chiến

Đại diện các gia đình liệt sĩ đều rưng rưng, nghẹn ngào khi chứng kiến một phần sự 'trở về' của những người thân yêu, sau nhiều chục năm các anh hy sinh trong buổi lễ tiếp nhận 'Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam' được tổ chức sáng 2-6, tại Hà Nội, do Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas, Hoa Kỳ bàn giao.

“Là em ruột của liệt sĩ Phan Đình Điều, tôi xin gửi lời cảm ơn ban tổ chức đã kết nối để gia đình được xem lại những kỷ vật của anh trai tôi. Nguyện vọng của gia đình là từ những thông tin này có thể tìm được hài cốt của anh trai tôi về nghĩa trang quê nhà”, lời phát biểu xúc động của ông Phan Đình Đều, đến từ Thanh Miện, Hải Dương sau khi được tiếp nhận hiện vật gồm thư, nhật ký… của Tiến sĩ Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, Hoa Kỳ vào sáng 2-6 trong Lễ tiếp nhận “Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam” khiến cả khán phòng lặng đi vì xúc động.

Ông Dương Ngọc Vân đón nhận di vật của liệt sĩ Nguyễn Cao Kỳ từ Tiến sĩ Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, Hoa Kỳ.

Ông Dương Ngọc Vân đón nhận di vật của liệt sĩ Nguyễn Cao Kỳ từ Tiến sĩ Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, Hoa Kỳ.

Còn ông Dương Ngọc Vân, thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Cao Kỳ đến từ xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ nỗi xúc động nghẹn ngào khi được đón nhận những hiện vật của liệt sĩ cùng số tiền 10 triệu đồng do một cựu chiến binh của Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam gửi tặng gia đình liệt sĩ.

Ông Dương Ngọc Vân cho biết, nhờ sự kết nối từ Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch CLB Trái tim Người lính Việt Nam, gia đình ông đã nhận được thông tin về buổi lễ trao hiện vật của các liệt sĩ hôm nay. Ông Vân cũng cho biết, hoàn cảnh gia đình liệt sĩ rất khó khăn, chỉ còn mẹ của liệt sĩ, hiện đã già yếu, nơi hương khói cho liệt sĩ cũng chưa có bàn thờ. Những dòng nhật ký cùng thư từ của liệt sĩ (đã được scan và in thành tài liệu) sẽ được ông mang về trao tận tay mẹ của liệt sĩ tại quê nhà.

Đó cũng là cảm xúc chung của thân nhân các liệt sĩ được trao tặng hiện vật. Ngoài gia đình hai liệt sĩ trên, tại buổi lễ, Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University đã trao tặng hiện vật đến thân nhân của các liệt sĩ: Đặng Thùy Trâm (Hà Nội), Nguyễn Hải Trường (Thanh Hóa), Lưu Văn Chí (Phú Yên), Trần Minh Tiến (Hà Nội)…

Đại diện Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, Hoa Kỳ trao tặng hiện vật thân nhân các liệt sĩ.

Đại diện Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, Hoa Kỳ trao tặng hiện vật thân nhân các liệt sĩ.

Có mặt tại Lễ trao tặng hiện vật, sinh viên Phan Thu Thảo (Trường Đại học Luật Hà Nội) bày tỏ sự cảm kích, trân trọng trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đối với đất nước. Em Phan Thu Thảo bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều tài liệu, hiện vật của các liệt sĩ được tìm thấy và trao trả về cho thân nhân như các gia đình được trao tặng ngày hôm nay.

Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng, đại diện ban tổ chức cho biết: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã có hàng vạn những cuốn sổ tay nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của bộ đội ta bị phía bên kia thu được trên chiến trường. Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University số hóa hình ảnh và thông tin trong một dự án phi lợi nhuận mang tên “Hồ sơ Di sản Chiến tranh Việt Nam”. Những bản copy này cũng có thể được xem như là “bản gốc”, chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, nhưng rất cảm động và thiêng liêng, vì hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng…”.

Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA) tại Đại học Công nghệ Texas (Tech University), bang Texas, Hoa Kỳ được thành lập năm 1989. Nhiệm vụ của VNCA là thu thập và bảo quản các tài liệu và thông tin về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Trong hơn 30 năm qua, VNCA đã hoàn thành bộ sưu tập thông tin phi Chính phủ lớn nhất và toàn diện nhất về chiến tranh tại Việt Nam. Ngày 17-8-2007, VNCA đã trở thành tổ chức đầu tiên của Hoa Kỳ ký thỏa thuận trao đổi với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Đến nay, VNCA đã thu thập được hơn 30 triệu trang tài liệu, bao gồm thư từ, sổ tay, ảnh, bản đồ, báo chí, ấn phẩm, bản ghi âm, phim, video, sách và các tư liệu khác liên quan đến chiến tranh và lịch sử Việt Nam...

 Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” và Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, Hoa Kỳ ký bản Thỏa thuận ghi nhớ việc hợp tác.

Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” và Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, Hoa Kỳ ký bản Thỏa thuận ghi nhớ việc hợp tác.

Trong số hơn 30 triệu trang tài liệu của VNCA đang lưu giữ, có hơn 2,7 triệu trang về Quân đội nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thu được trên chiến trường. Những tài liệu độc đáo này chứa nhiều thông tin về các hoạt động quân sự, bao gồm thông báo tử vong, danh sách và địa điểm chôn cất liệt sĩ.

VNCA hiện đang thực hiện một dự án sử dụng các tài liệu và tư liệu phong phú để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh và được chôn cất, nhưng hài cốt vẫn còn mất tích và chưa được trả về với gia đình. Ngoài ra VNCA cũng thực hiện việc trao trả di sản (nhật ký, thư riêng...) cho các cá nhân, hoặc thân nhân liệt sĩ.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Phan Đình Điều được scan lại.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Phan Đình Điều được scan lại.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường.

Tại buổi lễ đã diễn ra Lễ ký bản Thỏa thuận ghi nhớ việc Hợp tác giữa Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, Hoa Kỳ. Theo Tiến sĩ Steve Maxner, đây sẽ là dịp để hai bên cùng phối hợp xử lý, khai thác những “Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam” đang được lưu giữ tại VNCA một cách hiệu quả cũng như cùng nhau thiết lập những cầu nối để chuyển giao lại những hiện vật nêu trên cho thân nhân các cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ tại Việt Nam; góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh ở Việt Nam cũng như biên soạn thành những cuốn sách tư liệu quý, lưu giữ cho thế hệ mai sau...

Bài, ảnh: THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cuoc-tro-ve-cua-nhung-di-vat-thoi-chien-729896