CUỘC THI VIẾT 'CHỦ QUYỀN QUỐC GIA BẤT KHẢ XÂM PHẠM': Thiêng liêng lễ chào cờ ở Trường Sa

Buổi lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn sẽ in đậm mãi trong tâm trí và tình cảm của tôi mỗi khi nhớ về quần đảo Trường Sa

Tôi may mắn được đi cùng đoàn đại biểu của thủ đô Hà Nội ra thăm quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa vào dịp kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sáu năm đã trôi qua nhưng đó là chuyến đi tôi không thể nào quên.

Trong hành trình 10 ngày, đoàn công tác đã có nhiều hoạt động ý nghĩa tại 10 đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Lớn, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát) và nhà giàn DK1; thăm và tặng quà động viên cán bộ, chiến sỹ, người dân trên các đảo.

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân chỉnh tề thực hiện nghi thức chào cờ Tổ quốc trên đảo Trường Sa Lớn

Có thể nhận ra các đảo chìm như Len Đao, Đá Lớn, Đá Đông, Đá Tây, Núi Le, Đá Lát là những nơi có vị trí rất quan trọng; đều nằm trên nền san hô ngập nước, điều kiện ăn ở, sinh hoạt còn nhiều khó khăn. Nhưng ở đó, vượt qua mọi gian khó, cán bộ, chiến sĩ luôn vững chắc tay súng, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng trong mọi tình huống.

Được đặt chân lên đảo, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ hải quân đang thực thi nhiệm vụ là niềm vinh dự lớn với chúng tôi. Ấn tượng nhất của tôi trong cuộc hành trình này là cùng các anh và người dân trên đảo tham dự lễ chào cờ. Đến giờ, lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay nơi đầu sóng ngọn gió ở đảo Trường Sa Lớn trong lễ chào cờ hôm ấy vẫn cứ hiển hiện trong tâm trí tôi.

Đó là buổi sáng thứ hai bình yên của tuần lễ cuối tháng 4 - tuần lễ cả nước hướng đến chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giữa Trường Sa trời xanh lồng lộng, gió biển nâng những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.

Từ sáng sớm, các đơn vị đóng quân trên đảo Trường Sa Lớn đã chỉnh tề đội ngũ. Theo nghi thức, sau nghi lễ chào cờ, đọc 10 lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam , cán bộ, chiến sĩ diễu hành qua cột mốc chủ quyền Trường Sa.

Cán bộ, chiến sĩ diễu hành qua cột mốc chủ quyền Trường Sa

Cùng các đơn vị bộ đội và người dân huyện đảo Trường Sa, đoàn đại biểu Hà Nội ra thăm đảo xếp hàng ngay ngắn tham dự lễ chào cờ. Gương mặt ai cũng toát lên niềm vui, lòng tự hào, xúc động khôn tả.

"Tất cả chú ý…" - hiệu lệnh được phát ra từ người chỉ huy. Sau đó, tiếng hô dõng dạc vang lên: "Nghiêm… Chào cờ, chào!". Liền sau đó là bài Quốc ca hùng tráng vang lên. Chúng tôi không kìm nén được xúc động, nhiều đại biểu đã khóc trên nền nhạc "Tiến quân ca".

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thời điểm đó, Trưởng đoàn Công tác số 7 - bày tỏ: "Tôi đã dự lễ chào cờ nhiều lần trong cuộc đời nhưng chưa bao giờ thấy xúc động, cảm nhận được sự thiêng liêng như lần này. Xin ngàn lần biết ơn Đảng và Bác Hồ vĩ đại".

Trung tá Đỗ Thế Tuyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cho biết cán bộ, chiến sĩ và người dân ở đây rất vui khi được đón nhận tình cảm yêu thương từ đất liền. Anh xúc động: "Càng phải biết ơn tiền nhân, cha ông của chúng ta - những người đã đặt viên đá đầu tiên chinh phục biển khơi, xây dựng bờ cõi, giao lại cho con cháu quyền làm chủ vùng trời, vùng biển. Chúng tôi nguyện chắc tay súng giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Đã nhiều năm sinh sống trên đảo, vợ chồng anh Nguyễn Thành Hưng - chị Lê Thị Trúc Hà không bỏ sót lễ chào cờ nào. Cứ vào thứ hai hằng tuần, anh chị lại đưa 2 con nhỏ đến dự lễ chào cờ.

"Các cháu nhỏ đã có trường, có lớp học, có chỗ vui chơi trên đảo. Bài Quốc ca được các chú bộ đội dạy nên các cháu hát rất đúng nhịp. Chúng tôi rất tự hào và tin tưởng các cháu sẽ là những người lính tương lai, nối gót chiến sĩ Hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam" - anh Hưng thổ lộ.

Các đơn vị trên đảo, trong đó có khối dân quân tự vệ và người dân, dự lễ chào cờ

Theo Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải Quân, từ nhiều năm nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, diện mạo của Trường Sa đã thay đổi rõ rệt. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao; nghĩa tình quân dân luôn keo sơn, gắn bó.

Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà cho biết nghi lễ chào cờ đầu tuần trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa được duy trì đã nhiều năm. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, lòng tự hào dân tộc để tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đáp lại sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bản lĩnh chính trị vững vàng và ý chí quyết tâm, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân luôn vượt qua mọi gian nan, thử thách, sẵn sàng chấp nhận khó khăn để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà nhấn mạnh: "Quân chủng Hải quân là một khối đoàn kết thống nhất, chủ động, sáng tạo; khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng Trường Sa ngày càng phát triển, thực sự mạnh về phòng thủ, tốt về đạo đức lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường"...

Buổi lễ chào cờ hôm ấy sẽ in đậm mãi trong tâm trí và tình cảm của tôi mỗi khi nhớ về quần đảo Trường Sa. Chúng tôi thêm tự hào về Trường Sa, tự hào về những người lính đang ngày đêm canh trời, giữ biển cho "nước non Việt Nam ta vững bền".

Cờ Tổ quốc là hồn thiêng sông núi, là sức mạnh cả dân tộc. Thật thiêng liêng biết bao khi ở tuyến tiền tiêu của Tổ quốc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột mốc chủ quyền Trường Sa.

Tôi mong sao một ngày không xa, trên khắp các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu, sẽ có những "Đường cờ Tổ quốc" từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của Báo Người Lao Động.

Bài và ảnh: LÊ ANH THI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bien-dao/cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-thieng-lieng-le-chao-co-o-truong-sa-20231021201430726.htm