Cuộc tấn công vào Israel tiết lộ điều gì về kho vũ khí của Iran?

Cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel vào đêm 13/4 đã chứng tỏ sức mạnh quân sự của Tehran và những tiến bộ của chương trình vũ khí nội địa, đồng thời cũng tiết lộ những hạn chế trong kho vũ khí của Iran.

Với hơn 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa được phóng đi trong một cuộc tấn công chưa từng thấy, đây là động thái phô trương sức mạnh thông thường lớn nhất từ trước đến nay của Iran. Cuộc tấn công chỉ gây ra thiệt hại tối thiểu một phần là do tính chất có chủ ý và đã tuyên bố trước, giúp Israel và Mỹ có nhiều thời gian để chuẩn bị hệ thống phòng không, nhưng mặt khác, cũng có thể là do những hạn chế trong khả năng tầm trung và tầm xa của Iran.

Iran phóng thử tên lửa đạn đạo Kheibar vào năm 2023. Ảnh: Reuters

Trong một phát biểu ngày 17/4 Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gọi cuộc tấn công vào Israel là một “thành công vang dội” nhưng cũng nhấn mạnh đây chỉ là cuộc tấn công là “hạn chế và không toàn diện”.

“Nếu đây là một hành động quy mô lớn thì Israel sẽ không còn lại gì”, ông Raisi nói.

Tuy nhiên, sau khi phân tích các loại đạn được sử dụng trong cuộc tấn công cuối tuần trước và sự thành công của các hệ thống phòng thủ trong khu vực, các nhà nghiên cứu cho biết vẫn chưa rõ làm thế nào Iran có thể gây thiệt hại lớn hơn cho Israel thông qua các biện pháp quân sự thông thường.

Iran đã sử dụng những vũ khí gì?

John Krzyzaniak, nhà nghiên cứu chương trình tên lửa của Iran tại Dự án Kiểm soát vũ khí hạt nhân Wisconsin, đã dành nhiều ngày qua để nghiên cứu các video phóng, hình ảnh các mảnh vỡ và thông tin đánh chặn để xác định loại vũ khí cụ thể của Iran.

Ông cho rằng, “Về cơ bản, Iran đã dùng mọi thứ họ có để có thể tiếp cận lãnh thổ Israel”.

Iran đã sử dụng 170 UAV, 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình. Loại UAV được Iran sử dụng là Shahed-136 có phạm vi hoạt động 1.800-2.400km và phiên bản Shahed-131 cũ hơn. Tên lửa đạn đạo gồm Kheibar Shekan, Emad Ghadr, có tầm bắn từ 1.500-2.000km, tên lửa hành trình là Paveh tầm bắn 1600km

Các chuyên gia cũng lý giải việc Iran không sử dụng tên lửa Sejjil-1 và Shahab-3.

Fabian Hinz, nhà phân tích Iran tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Berlin, cho biết tên lửa Shahab-3 “không được sử dụng vì nó quá cũ”. Ông nói rằng, “Sejjil là một loại tên lửa bí ẩn”, đồng thời cho biết thêm Iran “rất ít sử dụng nó trong các cuộc diễn tập”.

Các nhà phân tích khác lưu ý rằng chi phí sản xuất tên lửa Sejjil rất tốn kém và có thể không còn được sản xuất nữa.

Số lượng đạn dược được sử dụng cũng cung cấp những hiểu biết mới về khả năng của Iran. Việc triển khai hơn 100 tên lửa đạn đạo trong một đợt cho thấy những ước tính trước đây rằng Iran có khoảng 3.000 tên lửa đạn đạo trong kho dự trữ có lẽ là chính xác, thậm chí có thể ở mức thấp.

“Nếu đây chỉ là hiệp một trong số vô số hiệp sắp tới, họ sẽ không tiêu tốn một phần đáng kể những gì họ có ngay trong hiệp đầu tiên”, ông Krzyzaniak nói.

Ngoài ra, việc phóng hơn 100 tên lửa đạn đạo trong vài phút cho thấy Iran có ít nhất 100 bệ phóng và đây là một dữ liệu mới cho các nhà nghiên cứu.

“Điều này cho thấy Iran thực sự không gặp phải hạn chế nào trong việc sản xuất tên lửa và bệ phóng trong nước”, ông Krzyzaniak nhận định.

Vũ khí Iran vẫn đang trong quá trình hoàn thiện

Kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Iran lớn hơn bất kỳ quốc gia nào ở Trung Đông và gần như hoàn toàn sản xuất nội địa. Trong những năm gần đây, Iran đã chứng tỏ khả năng nâng cấp một số hệ thống, cải thiện tầm bắn và độ chính xác của chúng.

Người phát ngôn của lực lượng vũ trang Iran, Abolfazl Shekarchi, cho biết các loại đạn được sử dụng trong các cuộc tấn công chống lại Israel chỉ chiếm “một phần nhỏ” sức mạnh quân sự của nước này.

Trước cuộc tấn công vào Israel, lần sử dụng tên lửa đạn đạo đáng chú ý nhất của Iran là vào năm 2020, sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Iraq khiến tướng Qasem Soleimani thiệt mạng.

Iran đã phóng hơn chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, một ở phía Tây và một ở phía Bắc.

Tehran cũng sử dụng tên lửa đạn đạo trong các cuộc tấn công vào Pakistan, Syria và Iraq đầu năm nay.

Nhưng cuộc tấn công vào Israel cho thấy nhiều tên lửa của Iran có chất lượng thấp. Quân đội Israel cho biết 99% tên lửa và máy bay không người lái do Iran phóng đã bị chặn hoặc không phóng được.

Behnam Ben Taleblu, thành viên cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, cho biết: “Chúng tôi thấy rằng độ chính xác của chúng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chỉ riêng những vũ khí này sẽ không giúp Iran giành chiến thắng trong cuộc chiến”.

Máy bay không người lái được Iran sử dụng trong đợt tấn công đầu tiên. Rẻ, hiệu quả và dễ sản xuất, UAV Iran được sử dụng trong các cuộc tấn công trên khắp Trung Đông trong nhiều năm. Iran cũng đã cung cấp UAV cho Nga.

Trong cuộc tấn công vào Israel, máy bay không người lái được triển khai để choán ngợp hệ thống phòng không đối phương và cho phép các loại đạn dược tiên tiến hơn lọt qua. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết tất cả UAV của Iran đã bị bắn hạ trước khi bay vào không phận Israel.

Ali Hamie, một nhà phân tích quân sự người Lebanon, cho biết Iran có lẽ đã thu được những bài học quan trọng về hệ thống phòng không của Israel.

“Đó có thể là một cuộc tấn công thử nghiệm và người Iran đã đạt được điều họ muốn. Vượt qua hệ thống phòng không của đối phương không phải chỉ là chiến thắng mang tính biểu tượng mà là chiến thắng thực sự”, ông Hamie nói.

Một số quả tên lửa lọt qua hệ thống phòng không đã đánh trúng căn cứ không quân của Israel trên sa mạc Negev. Hình ảnh về cuộc tấn công sau đó được phát trên nhiều đài truyền hình nhà nước Iran. Trong khi đó, Israel mô tả thiệt hại là rất nhỏ.

Iran vẫn chưa sử dụng đến vũ khí nguy hiểm nhất

Theo Afshon Ostovar, giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường sau đại học Hải quân ở California, ngoài việc phân tích hệ thống phòng không của Israel, Tehran có thể cũng sẽ nghiên cứu các vấn đề với hệ thống tên lửa của nước này, được cho là đã dẫn đến thất bại khi phóng và bay.

“Nếu có thêm một cuộc tấn công khác, nó có thể sẽ hiệu quả hơn. Nhưng kiểu tiếp cận được thể hiện trong cuộc tấn công hôm 13/4 không thực sự bền vững trong một cuộc xung đột lâu dài”, ông Ostovar bình luận.

Ông nói, ngay cả khi Iran thay đổi nhịp độ tấn công và điều chỉnh loại đạn dược được sử dụng, “họ vẫn sẽ phải phóng khá nhiều thứ để một vài quả đạn lọt qua được hệ thống phòng không đối phương”.

Một số quan chức Iran cho rằng nước này vẫn chưa sử dụng đến những vũ khí nguy hiểm nhất.

“Chúng tôi sẵn sàng sử dụng những vũ khí mà chúng tôi chưa từng sử dụng trước đây. Chúng tôi có kế hoạch cho mọi tình huống”, Abolfazl Amoui, người phát ngôn về an ninh quốc gia của quốc hội Iran cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mayadeen của Lebanon.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng rất khó để một loại đạn dược cụ thể nào có thể thay đổi cuộc chơi. Thay vào đó, nhiều khả năng Iran sẽ sử dụng các loại vũ khí tương tự trong một cuộc tấn công trong tương lai, nhưng theo một cách khác: đưa ra ít cảnh báo hơn hoặc tung ra đòn tấn công phối hợp với các nhóm chiến binh đồng minh trong khu vực. Lực lượng ủy nhiệm ở Lebanon, Iraq và Yemen, đóng vai trò không đáng kể trong cuộc tấn công hôm 13/4.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/cuoc-tan-cong-vao-israel-tiet-lo-dieu-gi-ve-kho-vu-khi-cua-iran-post1089924.vov