Cuộc tấn công của Iran vào Israel: Thành công hay thất bại?

Vào đêm 13-14/4, Iran đã thực hiện Chiến dịch True Promise tấn công vào lãnh thổ Israel bằng UAV tự sát và tên lửa. Chính quyền Iran tuyên bố chiến dịch thành công, trong khi Israel tuyên bố đẩy lùi cuộc tấn công.

Chiến dịch True Promise của Iran tấn công lãnh thổ Israel bằng UAV tự sát và tên lửa. Nếu Iran tuyên bố đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và “đánh trúng mọi mục tiêu”, thì Israel cho biết họ đã đẩy lùi cuộc tấn công. Còn giới phân tích có khá nhiều dấu hỏi về điều này?

Cuộc tấn công của Iran vào Israel không chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự, mà còn nhằm vào không gian truyền thông. Nhiều video quay cảnh tên lửa Iran và hoạt động của hệ thống phòng không Israel… đã được thảo luận tích cực trên mạng internet.

Đáng chú ý là song song với những cảnh quay thực, thì có các video về cuộc tấn công vào Israel của lực lượng vũ trang Hamas đã được đăng tải ồ ạt trên mạng. Thậm chí có những đoạn video cũ không liên quan gì đến cuộc tấn công trả đũa của Iran.

Đánh giá cuộc tấn công của Iran vào Israel, theo thông tin sơ bộ, Iran đã sử dụng khoảng 300 máy bay không người lái tự sát tầm xa, cùng số lượng tên lửa đạn đạo và hành trình các loại cho Chiến dịch True Promise.

Cũng phải khẳng định, đây là lần đầu tiên Iran sử dụng vũ khí với số lượng lớn như vậy. Chính quyền Iran cho biết, nếu xung đột tiếp tục leo thang, lực lượng của cuộc tấn công sẽ tăng gấp đôi. Các cuộc tấn công cũng được thực hiện từ Iraq, Syria và Yemen vào lãnh thổ Israel.

Mặc dù hệ thống phòng không Iron Dome của Israel đã hoạt động “hết công suất”, nhưng một số tên lửa của Iran đã bắn trúng mục tiêu gần các căn cứ không quân Nevatim và Ramon. Đã có những video quay lại cảnh này.

Tuy nhiên, chỉ có 4 tên lửa tấn công của Iran đến được mục tiêu, trong đó đã có 110 tên lửa đạn đạo được Iran phóng đi. Thông tin này đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của cuộc tấn công của Iran? Hiện mức độ thiệt hại đối với các căn cứ không quân của Israel hiện vẫn chưa được xác định.

Trong cuộc tập kích tên lửa và UAV của Iran vừa qua, Israel đã đẩy lùi được cuộc tấn công nhờ hệ thống phòng không nhiều lớp và sự hỗ trợ của các đồng minh, đặc biệt là Anh và Mỹ. Ngoài ra, Quân đội Jordan còn tham gia bảo vệ không phận Israel.

Điều đáng chú ý nữa là mặc dù Iran sử dụng rất nhiều UAV tự sát tấn công Israel, nhưng số UAV tự sát này không thể đến được khu vực mục tiêu và phần lớn bị bắn hạ trên lãnh thổ Iraq, buộc Iran phải tổ chức làn sóng tấn công thứ hai và thứ ba bằng UAV.

Theo quan điểm của Iran, cuộc tấn công giúp "giữ thể diện" và chính thức giữ lời hứa "trừng phạt Israel" vì vụ tấn công Đại sứ quán Iran ở Damascus. Theo như tuyên bố của Iran, họ dựa trên Điều 51 của Hiến chương LHQ để đáp trả vụ tấn công của Israel.

Từ quan điểm thực tế, Iran đã chứng tỏ cho thế giới (nhất là Mỹ) về khả năng tích lũy khối lượng lớn vũ khí tên lửa và có thể tiến hành các cuộc tấn công kết hợp tương đối lớn, làm quá tải hệ thống phòng không của đối phương.

Nhưng hiệu quả của những cuộc tấn công như vậy rõ ràng là gần bằng không. Có lẽ, với các cuộc tấn công quy mô lớn, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nhưng điều quan trọng cần hiểu là Iran đã sử dụng khoảng 7% số UAV tự sát tầm xa và khoảng 5% vũ khí tên lửa trong cuộc tấn công vừa qua.

Nhưng hiệu quả cuộc tấn công của Iran vừa qua không có bất kỳ tác dụng nào, và cuộc tấn công này chỉ có giá trị về mặt truyền thông. Thậm chí cuộc tấn công của Iran vừa qua cũng là cuộc diễn tập thực tế, đánh chặn tên lửa và UAV của phòng không Israel.

Chính quyền Israel cho thấy rằng, họ không có ý định tiếp tục trả đũa Iran để tình hình tiếp tục leo thang. Sau khi đẩy lùi cuộc tấn công, Israel đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn cấp và tại đây, đại diện của Iran và Israel đã đấu khẩu nhau.

Nếu Israel cố tình trả đũa Iran, thì các căn cứ quân sự và cơ sở hạt nhân của Iran có thể nằm trong số các mục tiêu ưu tiên. Tuy nhiên khoảng cách từ lãnh thổ Israel đến Iran là quá xa, trong khi Israel không có nhiều tên lửa đạn đạo, mà phải sử dụng máy bay chiến đấu.

Cuộc tấn công của Iran vào Israel không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng là minh chứng cho năng lực của ngành công nghiệp tên lửa Iran và việc Tehran sẵn sàng leo thang xung đột.

Ngược lại, Israel đã chứng minh tính hiệu quả của hệ thống phòng không và sự sẵn sàng đáp trả. Trong tương lai gần, tình hình trong khu vực có thể vẫn căng thẳng và nguy cơ leo thang xung đột mới vẫn ở mức cao. (Nguồn ảnh: CNN, Reuters, IRNA).

Tiến Minh (Theo Avia.pro)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cuoc-tan-cong-cua-iran-vao-israel-thanh-cong-hay-that-bai-1979706.html