Cuộc sống 'ngày cũng như đêm' của bà lão suốt 4 năm thức trắng sau lần... nhổ một chiếc răng

Gần bước sang tuổi thất thập, cuộc đời bà Cam vẫn chưa có nổi một ngày vui. Thời trẻ lo chồng, lo con, lo gia đình. Lúc bóng xế chiều tà, bà lại liên tục đổ bệnh.

Gần bước sang tuổi thất thập, cuộc đời bà Cam vẫn chưa có nổi một ngày vui. Thời trẻ lo chồng, lo con, lo gia đình. Lúc bóng xế chiều tà, bà lại liên tục đổ bệnh. Nhưng với bà, tất cả nỗi vất vả hay những cơn đau thể xác ấy vẫn chẳng là gì khi đem so sánh với hơn 2.000 ngày không ngủ đã qua. Mọi chuyện, chỉ bắt đầu từ… một cái răng đau.

Căn nhà bà Cam đang sinh sống

Khốn khổ chịu đựng những cơn mất ngủ

Căn nhà nhỏ trống huơ trống hoác không có một thứ gì giá trị. Tiếp chuyện chúng tôi, người phụ nữ gầy yếu, xanh xao như nghẹn giọng khi được hỏi về nỗi khổ kéo dài hơn 3 năm qua của mình. Cuộc đời bà, vốn đã là chuỗi ngày dài bất hạnh khi bệnh tật liên tiếp hành hạ, có lúc rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Với nghị lực bản thân, từ chỗ nằm liệt giường, bà đã có thể tự mình đứng dậy và đi lại bình thường. Nhưng tai họa này chưa qua thì bất hạnh khác đã ập đến. Hơn 3 năm qua, bà không thể nào chợp mắt được. Người phụ nữ kém may mắn ấy là bà Nguyễn Thị Cam (SN 1947, ngụ thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Kể lại câu chuyện hy hữu của bản thân, bà Cam cho biết: Đầu năm 2012, bà bị nhức răng. Sau khi thăm khám, các bác sĩ yêu cầu bà phải nhổ chiếc răng hỏng. Nhưng trong quá trình nhổ răng, một chút sơ ý của bác sĩ đã khiến dây thần kinh số 5 của bà bị đứt. Từ đó, phần hàm phải của bà hoàn toàn bị mất cảm giác, ăn thức ăn gì cũng phải nhai bên phía hàm trái. Không những vậy, từ sau lần nhổ răng và đứt dây thần kinh số 5, bà không tài nào chợp mắt được nữa.

“Đêm đầu tiên sau khi đi nhổ răng và biết bị đứt dây thần kinh số 5, tôi về nhà nằm trằn trọc suy nghĩ về những bất hạnh trong cuộc đời. Cứ như thế, tôi nằm mãi mà không chợp mắt được cho tới sáng. Đến 2, 3 đêm sau, dù nằm mãi và cố gắng quên đi tất cả, tôi vẫn không sao ngủ được. Sau đó, tôi sút cân thấy rõ, từ 47kg lúc đầu xuống còn 35kg nữa. Đến bây giờ, hơn 3 năm rồi, tôi không biết đến giấc ngủ là gì”, bà Cam tâm sự.

Nhiều người hiếu kỳ biết tin bà Cam không ngủ, đến thăm và thức cùng bà để trò chuyện và an ủi. Bà Cam tâm sự: “Do mất ngủ triền miên, tôi không có khái niệm ngủ để khỏe hay thức đêm nhiều sinh ốm đau”. Bình thường, bà làm quần quật suốt ngày, người mệt lử. Vậy mà khi đêm về, người ta có thể ngả lưng xuống giường là ngon giấc ngay còn bà nằm mãi mà vẫn không tài nào ngủ được. “Nhiều khi thấy cả nhà ngon giấc, tôi chỉ ước ao mình có một giấc ngủ trọn vẹn mà không được”, bà Cam tâm sự. Vậy là cả đêm, bà Cam lục đục dậy làm việc, lau chùi, quét dọn... Làm chán, bà ra ngắm sao trời, lắng nghe côn trùng rỉ rả trong đêm.

Mắc phải căn bệnh lạ, bà cố gắng dành dụm tiền bạc đi khắp nơi chữa trị. Vậy nhưng tình hình đến giờ vẫn chẳng thấy cải thiện. Kể về “hành trình” đau khổ, bà Cam tâm sự: “Cứ nằm xuống giường là mắt tôi lại mở trừng trừng. Kể cả có nhắm mắt, lấy chăn trùm đầu thì tôi vẫn tỉnh như sáo. Một lần, tôi liều lĩnh uống liền 4 viên thuốc ngủ nhưng cũng không có kết quả. Nghĩ mà buồn, hồi trước tôi có thể ngồi ngay trên chiếc chiếu manh mà ngủ ngon lành. Giờ chăn êm nệm ấm, một tí ngủ gật cũng kiếm không ra”.

Không ngủ được, bà thắp đèn làm quần quật đủ thứ việc nhà nông như cuốc đất, làm cỏ, bóc đậu, nấu rượu, thái cây chuối cho heo ăn. Dù rất thương vợ, thương mẹ, nhưng chồng con bà Cam cũng không thể thức cùng bà đến mấy ngàn đêm như thế. Sợ làm phiền mọi người, bà Cam lặng lẽ hết nằm lại ra hiên ngồi chờ sáng.

Bà Cam tâm sự về cuộc đời và căn bệnh lạ mà mình đang mắc phải

Vẫn mong một phép màu

Dù không ngủ được, hàng đêm khi mọi người tắt đèn thì bà cũng lên giường nằm tắt điện. Trong đêm, dù nhắm mắt hay mở mắt thì một giấc ngủ ngắn ngủi cũng không tìm đến. Bà Cam bảo, mọi thứ khó khăn nhất trong cuộc đời bà cũng đã từng gặp qua nên bây giờ bà chỉ sợ bóng đêm. Bởi khi màn đêm buông xuống, bà như sống trong một thế giới khác. Một thế giới của sự cô đơn, lạnh lẽo, không có một ai bầu bạn, chỉ có tiếng ếch nhái văng vẳng bên tai và tiếng gió thổi ràn rạt đến lạnh người.

Gần 2.000 ngày qua, điều làm bà vui nhất là lúc gà cất tiếng gáy. Bởi lúc đó, bà biết rằng, mình sắp thoát khỏi thế giới bóng tối cô quạnh, sắp được nói chuyện với mọi người. Sợ chồng lo lắng, bà cũng chỉ im lặng, không tâm sự với ông. “Nhiều lần, tôi giả vờ nói rằng đêm qua có ngủ được một chút để cho ông ấy vui. Chồng tôi cũng già rồi, giấc ngủ quan trọng lắm. Ông ấy mà biết chuyện tôi không thể nào chợp mắt rồi lo lắng thì làm sao khỏe mạnh được chứ. Bây giờ, tôi chỉ ước làm sao có thể ngủ được một chút, dù 5 hay 10 phút cũng được nhưng chắc là không thể rồi. Thế nên, tôi chỉ biết cố gắng ăn uống thật nhiều để đảm bảo sức”, bà Cam chia sẻ. Lúc đầu, chồng bà cứ thấy vợ cả đêm trằn trọc thì vô cùng lo lắng. Cũng như các thành viên khác trong gia đình, ông chỉ hy vọng sẽ có bác sĩ giúp vợ khắc phục căn bệnh kỳ lạ này.

Ngồi tâm sự với chúng tôi, bà bảo: “May mà hôm nay chú đến đây tôi có thể nói chuyện được chứ mấy ngày trước miệng tôi đau nhức lắm, không thể nói được câu nào!”. Bà Cam vốn sinh ra ở thành phố Huế. Trước đây, bà có tiếng xinh đẹp lại thông minh, sắc sảo. Sau khi học hết cấp 3 ở trường nữ sinh Đồng Khánh (một ngôi trường nổi tiếng thời bấy giờ) bà thi đậu vào trường Đại học Sư Phạm Quy Nhơn. Tốt nghiệp cử nhân với tấm bằng loại ưu, bà trở về Huế và nhanh chóng được nhận vào dạy ở trường Tiểu Học Phú Mậu. Trong thời gian dạy tại đây, bà quen biết ông Trần Văn Hòa (SN 1945). Không lâu sau đó, hai người kết duyên vợ chồng rồi cùng nhau dựng một căn nhà nhỏ ở gần ngôi trường bà đang công tác làm tổ ấm.

Niềm vui nhân lên khi 2 năm sau ngày lấy nhau, bà sinh đứa con gái đầu lòng kháu khỉnh. Nhưng ông trời lại không cho hai vợ chồng ông bà được hưởng trọn niềm vui. Đứa con gái sinh ra dù đã lớn nhưng không thể nói được câu nào. Đưa con lên bệnh viện khám thử thì các bác sĩ cho biết cháu bị câm bẩm sinh. “Sinh đứa con trai thứ 2 thì nó không chỉ bị câm mà còn mắc bệnh tâm thần nữa. Lúc đó, tôi buồn lắm nhưng ông nhà tôi bảo rằng con nào cũng là con. Con khôn thương ít, con dại thì phải thương nhiều”, bà Cam buồn bã trải lòng.

Bao nhiêu năm lo lắng cho các con khiến sức khỏe của bà yếu dần đi. Năm 1997, trong lúc đang giặt áo quần sau nhà, một cơn tai biến khiến cho bà ngã quỵ. “Thời điểm đó, mọi công việc trong nhà từ đi chợ, nấu ăn, chăm lo cho các con đều do một tay ông nhà tôi lo liệu. Thấy ông vất vả nên trong lòng tôi quyết tâm phải làm sao vượt qua bệnh tật để phụ giúp ông. Vậy là, tôi bắt đầu cố gắng gượng dậy rồi bắt đầu tập đứng vững. Gần 1 năm sau, tôi mới có thể đi lại bình thường được. Vậy mà giờ đây, tôi đành bất lực trước căn bệnh mất ngủ triền miên này”, bà kể lại.

Duy Khánh – Tuyết Văn

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cuoc-song-ngay-cung-nhu-dem-cua-ba-lao-suot-4-nam-thuc-trang-sau-lan-nho-mot-chiec-rang-20161015100715335.htm