Thế giới của những người sau đột quỵ

Những người trẻ tuổi bị đột quỵ có thể mắc những di chứng đeo bám họ trong suốt cuộc đời.

 Thống kê của các tổ chức y tế trên thế giới cho thấy số ca đột quỵ đang gia tăng ở những người trẻ tuổi như một điều đáng báo động. Ảnh: Unsplash.

Thống kê của các tổ chức y tế trên thế giới cho thấy số ca đột quỵ đang gia tăng ở những người trẻ tuổi như một điều đáng báo động. Ảnh: Unsplash.

Marwar Uddin, 42 tuổi, sống tại London, Anh bị đột quỵ xuất huyết ở tuổi 40 vào năm 2022. Kể từ đó, người cha của 3 đứa trẻ phải cần người chăm sóc, kể cả những việc căn bản như tắm rửa hay mặc quần áo.

Căn bệnh đã khiến cuộc sống của ông đảo lộn và tước đi những cơ hội tham gia nhiều hoạt động hơn với các con, theo Stroke Association.

“Đột quỵ là một trong những điều tồi tệ nhất vì nó ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể. Tôi cần giúp đỡ để đi vệ sinh. Tôi thậm chí không thể tự mặc quần áo. Có quá nhiều thứ tôi không thể làm được nữa. Giọng nói của tôi cũng thay đổi, như thể tôi trở thành một người khác. Tôi khóc đến mất ngủ gần như mỗi ngày”, ông nói.

Cơn ác mộng

Marwar đã làm tại hội đồng địa phương hơn 20 năm và đột quỵ trong giờ làm việc. “Khi vừa kết thúc họp trực tuyến, tôi đã cảm giác có gì đó ở trong đầu. Khi chạm vào đầu thì mắt tôi bắt đầu mờ đi. Tôi đã gọi được cho đồng nghiệp hỗ trợ mà không hiểu sao tôi đã có thể làm vậy, khi mọi thứ trước mặt tối đen”, ông chia sẻ.

Điều trị tại bệnh viện trong hơn 2 tháng và với các di chứng từ đột quỵ, đi lại và giao tiếp là điều khó khăn với ông Marwar. Người con trai 17 tuổi phải đảm nhận thay nhiều trách nhiệm chăm sóc gia đình. Trở về nhà trên chiếc xe lăn, ông nói đó là “thời kỳ đen tối nhất”.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng đột quỵ chỉ xảy ra với những người lớn tuổi. Mặc dù người lớn tuổi chiếm đa số những trường hợp đột quỵ, căn bệnh này không chừa bất kỳ độ tuổi nào.

Theo số liệu từ Hội Đột quỵ Thế giới năm 2022, mỗi năm có hơn 12,2 triệu trường hợp đột quỵ trên thế giới. 16% trường hợp xảy ra ở những người 15-49 tuổi. Cũng ở độ tuổi này, 6% trường hợp tử vong trực tiếp từ đột quỵ, cùng 15% người tử vong do các biến chứng liên quan hoặc bị tàn tật.

 Di chứng để lại sau cơn đột quỵ mới là điều kinh khủng. Ảnh: Unsplash.

Di chứng để lại sau cơn đột quỵ mới là điều kinh khủng. Ảnh: Unsplash.

Theo HealthMatch, các trường hợp đột quỵ trên toàn cầu đang tăng ở mức đáng lo ngại. Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu trên thế giới. Có nhiều loại đột quỵ nhưng đều mang đặc điểm chung là lượng máu cung cấp cho não giảm. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ phổ biến bao gồm cao huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường.

Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết 28% người trẻ 20-39 tuổi mắc tiểu đường vào năm 2005-2006. Con số này đã tăng hơn 35% sau 10 năm. Trong khi đó, hiện nay cứ 8 người 20-40 tuổi thì có một người bị cao huyết áp.

Marc Lazzaro, nhà thần kinh học tại Bệnh viện Froedtert, Mỹ cho rằng lối sống ít vận động và chế độ ăn thiếu dinh dưỡng phần nào ảnh hưởng đến thực trạng đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng, do những điều này khiến người trẻ dễ xuất hiện các tình trạng có nguy cơ gây đột quỵ.

Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra mối tương quan giữa những người nhập viện vì đột quỵ do thiếu máu cục bộ với tình trạng sử dụng thuốc lá, chẩn đoán tăng huyết áp và tiểu đường.

Theo đó, gần 1/3 người 15-34 tuổi và hơn một nửa người 35-44 tuổi đột quỵ mắc chứng cao huyết áp. Hơn 1/4 người 35-44 tuổi mắc tiểu đường.

 Các cơ quan y tế cho biết trường hợp người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng. Ảnh: Nebraska Medicine.

Các cơ quan y tế cho biết trường hợp người trẻ bị đột quỵ ngày càng tăng. Ảnh: Nebraska Medicine.

Người trẻ đảo lộn cuộc sống vì đột quỵ

Ông Lazzaro nói ngay ở với những người trẻ khỏe mạnh vẫn có nguy cơ mắc đột quỵ. Nguyên nhân phổ biến là tổn thương động mạch cổ, đến từ những chấn thương như tai nạn ôtô hay tai nạn trượt tuyết. Ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi nhất, dị tật tim bẩm sinh hay vấn đề về van tim có thể hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ.

“Đột quỵ ở người trẻ có tác động nghiêm trọng, gây tàn tật và ảnh hưởng khả năng hoạt động của họ suốt đời”, ông Lazzaro cho biết.

Alex Bowles, 32 tuổi, đến từ Brentwood (Anh) đã không thể đọc, viết và nói bình thường khi sau khi sống sót qua cơn đột quỵ ở tuổi 23.

Cô cảm thấy choáng váng vào buổi sáng nhưng cho rằng đây là dấu hiệu bình thường sau một đêm tiệc tùng với bạn trước đó. Khi nói chuyện với người giúp việc, cô bắt đầu nói lắp bắp và nói chuyện vô nghĩa.

Gia đình khi đó mới phát hiện điều bất thường và gọi cấp cứu. Kết quả chụp CT cho thấy cô đã có cơn đột quỵ nặng, kết hợp cả thiếu máu cục bộ và xuất huyết não.

“Cuộc sống vốn có đã hoàn toàn thay đổi. Tôi dành một năm nghỉ làm và đi rất nhiều buổi trị liệu. Tôi đã không muốn thừa nhận mình ‘khác biệt’, điều khiến tôi rất buồn và giận giữ”, Alex chia sẻ.

Giờ đây, cô muốn biến những trải nghiệm khó khăn thành điều tích cực, qua việc hỗ trợ cho chiến dịch nâng cao nhận thức về đột quỵ ở người trẻ.

“Tôi đã muốn lập một nhóm dành cho người từng mắc đột quỵ tại địa phương. Tôi thấy mọi người đều chung cảnh ngộ. Dù tôi dễ cảm thông với những phụ nữ cùng trang lứa, tôi không muốn nhóm này giới hạn ở độ tuổi hay giới tính”, Alex cho biết.

CDC Mỹ cho biết 80% trường hợp đột quỵ có thể được ngăn chặn nếu thay đổi lối sống và thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Cơ quan này khuyến cáo nên bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, kiểm soát lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, thường xuyên chụp phim và kiểm tra tình trạng huyết áp hay cholesterol trong cơ thể.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/the-gioi-cua-nhung-nguoi-sau-dot-quy-post1465949.html