Cuộc sống của bộ tộc Beja bên bờ sông Nile

Châu Phi là lục địa lớn thứ hai trên trái đất, với gần 3.000 nhóm bộ tộc khác nhau sinh sống. Một trong số đó là nhóm bộ tộc Beja với dân số khoảng 1,2 đến 2,2 triệu người sống tập trung ở Sudan, Ai Cập và Eritrea.

Đàn ông Beja nhảy điệu truyền thống. Ảnh: AfricanHistory

Người Beja có nguồn gốc từ người Ai Cập cổ đại - những người đã sống ở khu vực sa mạc giữa sông Nile và Biển Đỏ từ 25.000 năm trước Công nguyên. Bộ tộc Beja sống theo lối du mục chăn nuôi gia súc. Vào thế kỷ 10, một nhà địa lý tên Abu Nasr Mutahhar al-Maqdisi đã ghi nhận người Beja vào thời điểm đó là những người theo đạo Thiên Chúa. Bắt đầu vào thế kỷ 15, người Beja theo đạo Hồi và dần mở rộng lãnh thổ tại Sudan. Hiện nay, bộ tộc Beja sống chủ yếu ở khu vực giữa sông Nile và Biển Đỏ ở Sudan, Eritrea và miền Đông Ai Cập. Có những quần thể nhỏ hơn của các nhóm dân tộc Beja khác ở xa hơn về phía Bắc sa mạc phía Đông của Ai Cập.

Người Beja nói ngôn ngữ Beja (tên gọi riêng là Bidhaawyeet hoặc Tubdhaawi). Hầu hết người Beja nói tiếng Beja, nhưng một số nhóm nhỏ sử dụng ngôn ngữ chung khác. Mặc dù có ảnh hưởng rõ rệt của tiếng Arab, nhưng ngôn ngữ Beja vẫn được sử dụng rộng rãi, bởi đây là ngôn ngữ gốc đối với hầu hết người Beja.

Cộng đồng người Beja chia thành nhiều thị tộc. Mỗi thị tộc sở hữu đồng cỏ và vùng nước riêng; trong mỗi thị tộc có các gia tộc khác nhau gồm khoảng 12 gia đình. Người Beja theo hôn nhân khác huyết thống và chỉ những người đàn ông Beja giàu có mới được cưới nhiều vợ.

Bộ tộc Beja theo lối sống du mục, chăn nuôi nhiều loại gia súc như dê, cừu, lừa và lạc đà. Bộ tộc cũng trồng nhiều cây lương thực như ngô, khoai, sắn và buôn bán hàng thủ công như chiếu rơm, thảm len để trao đổi lấy các thực phẩm khác ở chợ. Phần lớn người Beja du mục không có nhà cố định; họ mang theo ít tài sản và sống trong những chiếc lều hình bán cầu hoặc hình chữ nhật làm bằng chiếu rơm vắt trên khung gỗ. Còn với những người Beja định cư tại vùng đất cố định, họ xây những ngôi nhà gạch đắp bùn. Tất cả thành viên trong một gia đình gồm vợ chồng và con cái đều ngủ trên một giường lớn làm bằng chiếu rơm hoặc thảm len. Phụ nữ Beja phụ trách công việc nấu nướng, lấy củi và lấy nước. Đàn ông Beja phụ trách vắt sữa gia súc và lạc đà, chăn gia súc và du mục theo đàn gia súc.

Đám cưới của người Beja thường kéo dài 3 ngày liên tiếp. Trong ngày đầu tiên, phụ nữ Beja sẽ đàn hát những bài hát truyền thống của bộ tộc và nhảy múa. Lá cọ được buộc bằng len màu được đặt bên ngoài như là một vật trang trí. Ngày thứ hai là ngày đặc biệt chỉ dành cho chú rể và gia đình cô dâu, một số bạn bè của chú rể cũng có thể tham dự. Vào ngày thứ hai, chú rể nhờ một trong những người họ hàng nữ của mình (dì hoặc mẹ) vẽ các hình đặc biệt lên tay và mặc trang phục truyền thống của bộ tộc. Ngày thứ ba và là ngày cuối cùng của đám cưới, chú rể mới được phép nhìn thấy vợ mình sau khi cởi chiếc khăn choàng đỏ ra khỏi mặt cô ấy.

Trong hầu hết các đám cưới, ngày thứ ba đều sẽ được tổ chức vào đúng thứ Sáu. Sau lời cầu nguyện của cô dâu và chú rể, khách mời tập trung tại nhà trai để ăn uống các món truyền thống đến chiều tối. Trong suốt các ngày đãm cưới, khách mời được nhà trai và nhà gái mời uống thức uống truyền thống Gabana. Gabana được chế biến bằng cách rang hạt cà phê trên lửa củi, thêm các loại thảo mộc bao gồm gừng, đường và bạch đậu khấu, sau đó đun sôi trong nồi đất sét hoặc kim loại.

Khu vực người Beja sinh sống có lượng mưa dao động 500mm/năm, địa hình nhiều đá, gồ ghề, nhiều đồi núi, nhiều khe suối nhưng ít thảm thực vật. Ngày nay, do quá trình du mục không bền vững, môi trường sống của bộ tộc Beja ngày càng suy thoái và rơi vào tình trạng sa mạc hóa. Trước đây, bộ tộc Beja thường buôn bán động vật và các mặt hàng lương thực khác, nhưng do diện tích đồng cỏ tự nhiên và nước giếng cạn kiệt; hạn hán dai dẳng khiến số lượng đàn gia súc giảm, người Beja đổ về các trung tâm đô thị để làm các công việc khác.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-song-cua-bo-toc-beja-ben-bo-song-nile-post467887.html