Cuộc khủng hoảng tiếp theo của Mỹ và châu Âu xuất phát từ bất động sản?

Mầm mống của khủng hoảng đang tồn tại trên thị trường bất động sản của châu Âu và Mỹ trong khi tình trạng bất ổn tài chính vẫn hiện hữu.

Biển "Cho thuê" tại một tòa nhà ở Miami, Florida, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo The Nikkei bản tiếng Trung, chiều hướng "thu hẹp" đáng kể của dòng tiền vốn đã "phình to" trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang gây nên biến động trên thị trường tài chính. Lần đầu tiên kể từ năm 1960 lượng cung tiền của Mỹ tiếp tục âm so với cùng kỳ năm trước.

Tăng lãi suất với tốc độ nhanh và thắt chặt tiền tệ đã làm lộ rõ sự căng thẳng của hệ thống tài chính, dẫn đến sự phá sản của các ngân hàng địa phương ở Mỹ và khủng hoảng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng ở châu Âu.

Mặc dù phản ứng khẩn cấp của chính phủ và doanh nghiệp đã giúp tình hình dần ổn định, nhưng mầm mống của khủng hoảng vẫn tồn tại trên thị trường bất động sản của châu Âu và Mỹ và tình trạng bất ổn tài chính vẫn hiện hữu.

Vừa qua, Credit Suisse và UBS đã triệu tập đại hội cổ đông ở Thụy Sỹ, thông báo với cổ đông tình hình sáp nhập hoạt động kinh doanh. Hệ thống tài chính Mỹ và châu Âu biến động bắt nguồn từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ và sự sáp nhập giải cứu thần tốc tổ chức tài chính lớn của Thụy Sỹ Credit Suisse. Hiện nay tình hình dường như đang dần ổn định trở lại. Ngày 4/4, chỉ số Stoxx 600 Banks bao gồm cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu tăng 4% so với trước khi quyết định cứu trợ ngày 17/3. Giá cổ phiếu các ngân hàng trung bình của Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi sau khi chạm đáy.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo cao cấp của Phố Wall vẫn không lơi lỏng cảnh giác. Trong thư gửi cổ đông, Jamie Dimon - Giám đốc điều hành JPMorgan Chase - viết rằng cuộc khủng hoảng hiện nay còn lâu mới kết thúc, ảnh hưởng của nó sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới. Mặc dù nhấn mạnh không giống cuộc khủng hoảng Lehman Brothers năm 2008, nhưng dự kiến các ngân hàng sẽ trở nên bảo thủ hơn, từng bước ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.

Nguyên nhân căn bản của khủng hoảng là sự thu hẹp đột ngột lượng cung tiền. Cung tiền mở rộng (M2), một trong những chỉ tiêu “cung tiền” của tổng lượng tiền tệ nhận được sự quan tâm. Theo số liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), M2 tháng 12/2022 lần đầu tiên chuyển sang âm kể từ năm 1960. Tăng trưởng âm của M2 tiếp tục kéo dài đến tháng 2 năm nay.

M2 tháng Hai của châu Âu cũng giảm 0,4% so với tháng trước, ghi nhận mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ đồng euro bắt đầu đưa vào lưu thông năm 2002. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tích cực tăng lãi suất đang tạo ra tác động đáng kể.

Trong thời kỳ dịch bệnh lây lan năm 2020, Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đã áp dụng biện pháp kích thích mạnh mẽ, hộ gia đình và doanh nghiệp tích cực gửi tiết kiệm. Kể từ năm 2022, Fed đã tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát mang tính lịch sử, hút thanh khoản dư thừa trên thị trường. Các nhà đầu tư hưởng lợi từ thanh khoản dư thừa đó đã bị tác động - đây là một nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng SVB bị phá sản và Credit Suisse rơi vào khủng hoảng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến M2 sụt giảm là do sự tháo chạy khỏi ngân hàng của tiền tiết kiệm. Theo số liệu của Fed, lượng tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng thương mại Mỹ trong tuần gần nhất đã giảm 125,7 tỷ USD, đồng thời là tuần thứ chín liên tiếp sụt giảm. Những người gửi tiết kiệm chuyển tài sản của họ sang các sản phẩm tài chính có thể thu lợi cao hơn, nỗi lo tín dụng của các ngân hàng trung bình đã kích thích sự tháo chạy của dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng. Do tiền gửi tiết kiệm tiếp tục chảy ra nên các ngân hàng phải thận trọng đối với việc cho vay.

Tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thực đã bắt đầu bộc lộ. Trong tuần gần đây nhất, các khoản cho vay của ngân hàng Mỹ đã giảm 20,4 tỷ USD, biên độ giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2021. Ngay cả khi so sánh với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng cũng chậm lại đáng kể. Chỉ số niềm tin sản xuất kinh doanh tháng Ba của Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) giảm tháng thứ năm liên tiếp xuống dưới ngưỡng 50 điểm.

Tiêu điểm tiếp theo là rủi ro đối với ngành bất động sản của Mỹ và châu Âu. Một lượng lớn dòng tiền lỏng đã chảy vào thị trường bất động sản thương mại. Vòng tuần hoàn ác tính do biến động tài chính gây nên ngày càng được chú ý.

Theo số liệu của ECB, giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư bất động sản đã tăng hơn hai lần trong 10 năm qua, đạt 1.038,7 tỷ USD vào năm 2022. Vấn đề ECB lo ngại là kịch bản dòng tiền đảo ngược do sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Do lãi suất tiếp tục tăng mạnh để kiềm chế lạm phát, nên gánh nặng lãi suất sẽ gia tăng. Điều này có thể khiến cho các ngân hàng khó khăn hơn trong việc cung cấp các khoản vay mới và tái cấp vốn. ECB cho biết “có dấu hiệu mong manh rõ ràng”.

Ở Mỹ, 40% các khoản cho vay bất động sản đến từ ngân hàng, trong đó 70% là các ngân hàng nhỏ và vừa, trong đó có những ngân hàng khu vực. Chuyên gia Kiran Leitura của công ty tư vấn kinh tế Capital Economics cảnh báo rằng: “Các ngân hàng địa phương không sẵn sàng cho vay có thể tạo ra sức ép đối với năng lực huy động vốn của các nhà đầu tư bất động sản”. Nếu có một lượng lớn nợ xấu bất động sản, điều này sẽ gây ra các vấn đề về hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nhiều quan điểm cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay là do thắt chặt tiền tệ gây nên, tương tự như các cuộc khủng hoảng của Hiệp hội cho vay và tiết kiệm (S&L) vào thập niên 1980 và những năm đầu thập niên 1990. Năm 1979, khi trở thành Chủ tịch Fed, ông Paul Volcker xác định kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên đã tăng mạnh lãi suất điều hành. Do lãi suất tiền gửi tương đối cao đã tạo ra chênh lệch nghịch đảo với thu nhập đầu tư, các S&L đối diện với khủng hoảng tín dụng và làn sóng rút tiền. Khi thị trường bất động sản thừa tiền, các khoản cho vay sẽ không quay trở lại.

Larry Fink, Giám đốc điều hành công ty quản lý đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock, thể hiện sự băn khoăn trong một bức thư rằng “trong cuộc khủng hoảng hiện nay không biết liệu có thêm ngân hàng sụp đổ hay không”, đồng thời nhấn mạnh các ngân hàng cần kiểm soát cho vay để củng cố bảng cân đối kế toán của mình. Cho dù có thể tránh được cú sốc ở cấp độ khủng hoảng Lehman Brothers, nhưng xác suất rơi vào suy thoái do không sẵn sàng cho vay cũng sẽ tăng lên. Loại bỏ hoàn toàn sự bất ổn tài chính đòi hỏi phải có thời gian./.

Thạch Bình (P/v TTXVN tại Hong Kong)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-khung-hoang-tiep-theo-cua-my-va-chau-au-xuat-phat-tu-bat-dong-san/287212.html