'Cuộc khủng hoảng Pháp' của EU ở châu Phi

Quyết định rút 1.500 quân khỏi Niger của Pháp để lại một lỗ hổng trong nỗ lực của Mỹ và EU nhằm chống lại lực lượng nổi dậy cực đoan kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời có thể tăng cường ảnh hưởng của Nga trên các vùng đất rộng lớn ở Tây Phi.

Ngày càng có nhiều người dân châu Phi phản đối sự hiện diện quân sự của Pháp. Ảnh: AFP

Tổng thống Emmanuel Macron đã phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi vào ngày 24/9, thông báo triệu hồi ngay lập tức phái đoàn ngoại giao của Pháp tại Niger và rút 1.500 quân Pháp về nước trước cuối năm 2023.

Theo bình luận của mạng tin châu Âu Euractive ngày 26/9, rõ ràng Paris không có nhiều sự lựa chọn. Kể từ khi bị tuyên bố là người "không được hoan nghênh" vào tháng 8 năm nay, Đại sứ Sylvain Itte trên thực tế đã bị "quản thúc" tại đại sứ quán Pháp ở Niamey.

Đây không hẳn là sự kết thúc của "Françafrique" - cụm từ được đặt ra vào những năm 1950 để mô tả ảnh hưởng lâu dài của Pháp đối với các thuộc địa cũ ở châu Phi – nhưng đó là một sự đảo ngược ngoại giao đáng lưu ý.

Quan trọng hơn, nó khiến EU phải vật lộn để duy trì bất kỳ ảnh hưởng nào ở khu vực Sahel, nơi nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga đã hiện diện khắp nơi. Hãng tin Reuters dẫn bình luận của các nhà phân tích và nhà ngoại giao EU cho biết, quyết định của Pháp rút 1.500 quân khỏi Niger để lại một lỗ hổng trong nỗ lực của Mỹ và EU nhằm chống lại cuộc nổi dậy Hồi giáo cực đoan kéo dài hàng thập kỷ và có thể tăng cường ảnh hưởng của Nga trên các vùng đất rộng lớn ở Tây Phi.

Niger là đồng minh chủ chốt cuối cùng của phương Tây ở khu vực trung tâm Sahel phía Nam sa mạc Sahara cho đến khi cuộc đảo chính ngày 26/7 khiến chính quyền quân sự kêu gọi Pháp rời đi. Mucahid Durmaz, nhà phân tích cấp cao của công ty rủi ro Verisk Maplecroft có trụ sở tại London, nhận xét: “Công chúng ở các nước Tây Phi ngày càng cảnh giác trước sự hiện diện quân sự của phương Tây. Việc Pháp rút khỏi Niger sẽ đẩy lực lượng phương Tây ra xa trung tâm Sahel".

Đến nay, Tổng thống Macron và EU tiếp tục tuyên bố rằng họ không công nhận chính quyền quân sự ở Niger và Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum vẫn là người đứng đầu chính phủ hợp pháp của quốc gia Tây Phi này.

Thông điệp đó được lặp lại vào tuần trước sau khi Đại sứ EU tại Niamey, nhà ngoại giao Bồ Đào Nha Salvador Pinto da Franca, được triệu tập để dự cuộc gặp đầu tiên với thủ tướng do chính quyền quân sự Niger bổ nhiệm, Ali Mahaman Lamine Zeine.

Giống như Pháp, trên thực tế, EU cũng không có nhiều lựa chọn rõ ràng. Viễn cảnh Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) thực hiện lời đe dọa can thiệp quân sự để loại bỏ chính quyền quân sự, với sự hỗ trợ của EU, ngày càng khó xảy ra.

Các nhà lãnh đạo của ECOWAS bị chia rẽ về vấn đề này và nếu họ thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự, việc EU đóng góp bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ phản tác dụng.

Tại khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tuần trước, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell cho biết khối sẽ "đánh giá lại" chiến lược của mình ở Sahel. Ông Borrell mong muốn hợp tác song song với Mỹ, quốc gia có binh sĩ ở Niger đã chuyển đến thành phố Agadez trong những tuần gần đây.

Điều đó có thể bắt đầu bằng việc xây dựng lại quan hệ ngoại giao. Tháng 10 năm ngoái, ông Borrell đã chỉ trích nặng nề phái đoàn ngoại giao EU, liên quan đến cách các nhà ngoại giao EU hoạt động không hiệu quả ở Sahel.

Tổng thống bị lật đổ của Niger Mohamed Bazoum và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào ngày 16/2/2023. Ảnh: AFP

Do dự "giải cứu"

Đối với khu vực, tâm lý chống Pháp đã gia tăng trong nhiều năm, trong khi ở EU, các nước thành viên ngày càng bày tỏ sự thất vọng trước những kết quả mà chính sách ngoại giao khu vực của Pháp mang lại.

Câu hỏi quan trọng tiếp theo hiện nay là những người lính Pháp đồn trú ở Niger sẽ đi đâu? Paris sẽ làm gì với các căn cứ quân sự mà nước này vẫn để lại ở châu Phi và Pháp sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực như thế nào? Có khoảng 6.700 binh sĩ Pháp được cho là vẫn được triển khai trên lục địa châu Phi, bao gồm ở Chad, Senegal, Bờ Biển Ngà và Gabon.

Theo hãng tin Reuters, Pháp có ít lựa chọn: Một là gửi quân tới nước láng giềng Chad, nơi nước này có khoảng 1.000 quân. Nhưng Chad cách xa trung tâm cuộc nổi dậy hàng trăm km và có những vấn đề an ninh riêng cộng với tâm lý phản đối Pháp.

Là một phần trong kế hoạch toan tính lại về khu vực, Paris đã tìm kiếm sự giúp đỡ phối hợp hơn từ châu Âu. Nhưng các đồng minh châu Âu không có mong muốn cụ thể nào trong việc "giải cứu" Pháp, các nhà ngoại giao từ bốn đối tác châu Âu từng hoạt động trước đây ở Sahel cho biết.

Các quốc gia từng đề nghị gửi quân tới Mali (có thể đồn trú trong các căn cứ của Pháp), đặc biệt là ở Đông Âu, giờ đây không còn mong muốn thực hiện điều đó khi cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Thậm chí nhiều người ban đầu còn không hề biết rằng Tổng thống Macron sẽ tuyên bố rút quân khỏi Niger.

Hai nhà ngoại giao EU cho biết, trong giai đoạn này, các đối tác châu Âu như Italy và Đức, những nước có nhân viên quân sự cung cấp huấn luyện và hỗ trợ hậu cần cho nước này, cũng tỏ ra không sẵn sàng rút khỏi Niger.

Sự do dự của họ có liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư đang gia tăng ở châu Âu. Nhiều người di cư tìm đường qua Niger trước khi băng qua sa mạc Sahara để tới Biển Địa Trung Hải. Họ nói rằng việc cắt đứt quan hệ với Niger sẽ gây bất lợi cho việc kiểm soát các tuyến đường đó.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp từ Reuters/Euractiv)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-khung-hoang-phap-cua-eu-o-chau-phi-20230928161613733.htm