Cuộc hồi sinh trên đất nước Chùa Tháp (kỳ 2)

Chiến thắng ngày 7-1-1979 là dấu mốc khắc sâu trong ký ức các thế hệ người dân và dòng chảy lịch sử của dân tộc Campuchia. Tròn 45 năm kể từ ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, Campuchia đang 'thay da đổi thịt' từng ngày, dựng xây đất nước lại từ đống tro tàn tiến tới hòa giải, hòa hợp dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, gìn giữ hòa bình, hội nhập khu vực và quốc tế.

Campuchia trong sự hồi sinh mạnh mẽ của mình đang nỗ lực để trở thành một nước thu nhập cao vào năm 2050

Một chế độ diệt chủng tàn bạo

Lịch sử mãi khắc sâu dấu mốc ngày 17-4-1975, ngày đất nước và nhân dân Campuchia kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thế nhưng, nhân dân Campuchia chưa kịp mừng chiến thắng thì đất nước lại rơi vào thảm họa diệt chủng tàn bạo của tập đoàn cầm quyền Khmer Đỏ do Polpot - Ieng Sary - Khieu Samphan, đẩy cả dân tộc Campuchia tới bờ vực của sự diệt vong.

Ngay sau khi nắm quyền, tập đoàn cầm quyền Pol Pot - Ieng Sari đã phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng dã man tất cả những ai chống đối. Chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot - Ieng Sari cầm đầu đã xây dựng toàn bộ xã hội Campuchia theo mô hình “Công xã nhân dân” cùng với khẩu hiệu “thanh lọc dân tộc”, thực hiện cuộc tàn sát dã man hàng triệu người Campuchia.

Dưới sự lãnh đạo của Pol Pot - Ieng Sari, chế độ Khmer Đỏ đã đưa đất nước và người dân Campuchia trở lại thời kỳ Trung Cổ, buộc hàng triệu người phải bỏ thành thị về sống trong các công xã nông thôn, làm việc khổ sai trên các cánh đồng. Chúng không chỉ buộc người dân phải rời bỏ nhà cửa, mà sau đó còn tước bỏ của họ các quyền căn bản bằng cách kiểm soát mọi hoạt động của người dân và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Toàn bộ xã hội Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ đã bị cải hoán theo mô hình cánh tả cực đoan. Tập đoàn cầm quyền Pol Pot - Ieng Sari biến đất nước Campuchia thành một xã hội nông nghiệp hoang tưởng, không sách vở, không tiền bạc. Chế độ hà khắc Khmer Đỏ tiến hành xóa sổ trường học, hủy hoại văn hóa truyền thống, không để tri thức có cơ hội ươm mầm phát triển.

Người dân Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ cầm quyền không được lựa chọn công ăn việc làm, không thể thay đổi nơi làm việc, không có quyền tự do đi lại bất kỳ đâu. Người dân bị ép lao động đến kiệt sức trong điều kiện vô cùng hà khắc, phải lao động từ 12 đến 14 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, không được trả lương, chỉ được 1 suất ăn chết đói mà họ không thể tùy ý sử dụng.

Bất kỳ người dân nào cũng có thể bị bắt đi và bị dùng cuốc, xẻng nện vào đầu cho đến chết, mà chẳng được biết là đã phạm tội gì hoặc chẳng được ai bào chữa. Họ hàng gia đình không được phản đối hoặc đòi bồi thường gì cả, vì những chuyện đó sẽ dẫn đến cái chết chắc chắn cho bất kỳ ai dám phản đối, hoặc thậm chí phê phán chính quyền bằng việc khóc thương vợ, chồng hoặc con cái bị giết.

Các cuộc đấu tố diễn ra khắp nơi, bất kỳ ai bị coi là chống đối, kẻ thù giai cấp sẽ bị đày đi cải tạo, tù đày hoặc sát hại dã man. Chỉ trong nhà tù Tuol Sleng ở Thủ đô Phnom Penh (vốn từng là một trường trung học), Khmer Đỏ giam cầm và sát hại hơn 17.000 người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, chỉ có hơn 10 người sống sót khi quân tình nguyện Việt Nam và quân Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia vào giải phóng. Ngày nay, “địa ngục trần gian” mà Khmer Đỏ gọi bằng cái tên “Nhà tù an ninh S21” này đã trở thành Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng minh chứng cho tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ trong thời gian cầm quyền từ 1975-1979.

Người dân Campuchia những tháng ngày ấy chỉ biết sống trong lầm than, tuyệt vọng, như Thủ tướng Campuchia Hun Sen (nay là chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền) khẳng định: “Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”. Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) đã phán quyết rằng, chính quyền Khmer Đỏ đã phạm tội “diệt chủng” tại Campuchia trong giai đoạn từ năm 1975-1979.

Sự hồi sinh mạnh mẽ

Chiến thắng ngày 7-1-1979 đánh đổ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo do Pol Pot - Ieng Sari cầm đầu, kịp thời cứu đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng đã khắc sâu trong tâm trí các thế hệ nhân dân Campuchia, trong lịch sử đất nước Chùa Tháp. Chiến thắng lịch sử trọng đại này giúp nhân dân Campuchia giành lại tất cả các quyền làm người và trở thành người chủ vận mệnh của mình. Đất nước Camuchia từ đó hồi sinh mạnh mẽ, “thay da đổi thịt” từng ngày.

Trong những năm qua, nền kinh tế Campuchia duy trì mức tăng trưởng liên tục trên dưới 7% mỗi năm và luôn được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào hàng các quốc gia đạt mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó là việc Campuchia luôn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt ổn định tỷ giá hối đoái và kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của

Campuchia tăng từ 10,35 tỷ USD trong năm 2008 lên khoảng 26 tỷ USD năm 2023. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, mức thu nhập bình quân đầu người của Campuchia trong năm 2023 ước đạt 1.924 USD, cao hơn so với năm 2022 là 1.785 USD.

Campuchia hiện đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ quốc gia phát triển dựa vào lĩnh vực nông nghiệp thành quốc gia phát triển dựa vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Sự tăng trưởng của ngành xây dựng là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Campuchia, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Campuchia hiện đẩy mạnh các dự án xây dựng trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu đô thị mới… ở các trung tâm đô thị lớn như Phnom Penh, Siem Reap…

Du lịch cũng là một điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế tổng thể của đất nước Chùa Tháp. Với nhiều điểm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thời gian qua, Campuchia là lựa chọn của không ít du khách quốc tế. Theo Bộ Du lịch Campuchia, nước này đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Du lịch là một trong 4 trụ cột hỗ trợ nền kinh tế Campuchia, bên cạnh xuất khẩu hàng may mặc - giày dép, nông nghiệp, xây dựng - bất động sản.

Kinh tế Campuchia đang ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới. Nước này hiện là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, Campuchia còn ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Trung Quốc, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet vừa qua đã khái quát tầm nhìn phát triển kinh tế của Campuchia, trong đó nổi bật là mục tiêu đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050. Theo ông Hun Manet, Campuchia là quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh trong hàng chục năm, nhưng đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những năm qua. Campuchia trở thành nước có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng 7%.

Thủ tướng Hun Manet nêu tầm nhìn kinh tế của đất nước là “chiến lược ngũ giác”, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và thúc đẩy tính toàn diện và bền vững. Đây là những trụ cột trong hành trình hướng tới nước có thu nhập cao của quốc gia Đông Nam Á này.

Sự hồi sinh và phát triển của Campuchia ngày nay chính là minh chứng hùng hồn nhất cho tính chính nghĩa của Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979), ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng ngày 7-1-1979. Thủ tướng Hun Manet tại cuộc tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Việt Nam sau khi nhậm chức đã bày tỏ, cảm ơn sâu sắc Việt Nam luôn ủng hộ, giúp đỡ Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Thủ tướng Hun Manet khẳng định, Campuchia sẽ cùng với Việt Nam bảo vệ, giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

(Còn nữa)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoc-hoi-sinh-tren-dat-nuoc-chua-thap-ky-2-post563375.antd