Cuộc gặp lịch sử bàn thảo về hợp tác giữa Israel với các nước Arab

Các Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Maroc và Ai Cập đã có cuộc gặp 'lịch sử' tại thị trấn Sde Boker nằm ở sa mạc Negev, miền nam Israel, để bàn thảo về hợp tác giữa Israel với các nước Arab.

Các ngoại trưởng tại Hội nghị thượng đỉnh ở Sde Boker, Israel, ngày 28/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đây là hội nghị quan chức cấp cao đầu tiên giữa các bên kể từ sau khi một số quốc gia Arab ký Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ với Israel.

Được tổ chức dựa trên ý tưởng của Bộ trưởng Ngoại giao Israel, Hội nghị Negev diễn ra nhân chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tới Trung Đông. Với vai trò là trung gian cho các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel, Mỹ cũng muốn thông qua cuộc gặp giữa các bên lần này để củng cố tầm ảnh hưởng ở khu vực. Một nội dung quan trọng được thảo luận tại hội nghị là thúc đẩy hợp tác giữa Israel với các nước ký Hiệp định Abraham. Ai Cập không tham gia thỏa thuận, song đã bình thường hóa quan hệ với Israel từ đầu những năm 1980.

Tập trung bàn về hợp tác an ninh, kinh tế giữa Israel với các nước Arab ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ, các bên tham gia đã nhất trí đưa Hội nghị Negev trở thành một diễn đàn thường xuyên, với hàm ý hình thành một liên minh ở khu vực. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tiến trình này cho thấy cách tiếp cận thiện chí của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Hiệp định Abraham, một trong những dấu ấn nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump.

Trong chính sách của mình, ông Biden đã tiếp tục thực hiện một số cam kết đi kèm của Mỹ, trong đó có việc bán máy bay chiến đấu F-35 cho đồng minh UAE. Tuy nhiên, đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, chính quyền của Tổng thống Biden có cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược với chính quyền tiền nhiệm. Đó là lý do Bộ trưởng Ngoại giao Blinken tuyên bố tại Hội nghị Negev rằng, các hiệp định Abraham không phải là giải pháp thay thế cho cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Palestine. Các hiệp định Abraham ra đời được cho là sự phản bội đối với nỗ lực đấu tranh đòi quyền tự quyết và các quyền cơ bản của người Palestine. Thỏa thuận này bị chỉ trích đi ngược lại chính sách của Liên đoàn Arab, vốn luôn gắn việc bình thường hóa quan hệ với Israel với vấn đề thành lập Nhà nước Palestine.

Ngoài tăng cường hợp tác giữa các nước tham gia Hiệp định Abraham, hội nghị tập trung thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran. Đây cũng là mục tiêu mà Mỹ đặt ra trong chuyến công du Trung Đông của Bộ trưởng Ngoại giao Blinken nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực về thỏa thuận hạt nhân Iran. Israel vốn lo ngại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu được khôi phục sẽ không giúp kiềm chế được tham vọng hạt nhân của Tehran. Hơn nữa, các nước trong khu vực cũng lo lắng trước việc đồng minh chủ chốt Mỹ theo đuổi chính sách giảm can dự tại Trung Đông. Mới đây, Mỹ đã loại Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran khỏi danh sách các tổ chức bị Washington coi là khủng bố. Bởi thế, thông qua Hội nghị Negev, Mỹ muốn gửi thông điệp tới các đồng minh về việc duy trì "chiếc ô an ninh" của Washington ở khu vực.

Dù mang ý nghĩa là cuộc gặp lịch sử giữa các nước tham gia Hiệp định Abraham, song những vấn đề được đưa ra tại Hội nghị Negev gắn với các nội dung quan trọng trong chuyến công du Trung Đông của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Vì vậy, hội nghị chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng về một liên minh có chung mối quan tâm đối với vấn đề hạt nhân Iran. Thông qua diễn đàn này, Mỹ một lần nữa khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để đối phó những thách thức an ninh, đồng thời củng cố vị trí và tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

THÁI THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/cuoc-gap-lich-su-ban-thao-ve-hop-tac-giua-israel-voi-cac-nuoc-arab-691234/