Cuộc đời 'khác người' của vị tỷ phú dốc hết 8 tỷ USD tài sản làm… từ thiện

Trên đất Mỹ, số tỷ phú chẳng hiếm, số tỉ phú làm từ thiện cũng chẳng phải là ít, nhưng số người mang cho bằng hết toàn bộ khối tài sản hàng tỷ USD như Chuck Feeney thì có lẽ không quá nhiều. Có lẽ vì vậy, mà sự ra đi mới đây của ông đã gây nhiều sự chú ý và tiếc nuối.

“Anh bán bánh mì kẹp thịt” và hành trình tích cóp từng đồng USD xây cơ nghiệp

“Sinh ra trắng tay thì ra đi cũng tay trắng” - đó là quan điểm mà lúc sinh thời, tỷ phú Mỹ Chuck Feeney cứ tự nhủ mãi với chính bản thân ông cũng như để lý giải cho quyết định cho đi hết số tài sản khổng lồ của mình. Trên thực tế, đúng như lời ông nói, ông là vị tỷ phú tự thân, làm giàu từ hai bàn tay trắng. Sinh ra trong một gia đình bình dân ở New Jersey, Mỹ, năm 1931, mẹ ông làm y tá, còn cha ông là nhân viên thẩm định bảo hiểm, cùng bố mẹ, từ nhỏ Chuck Feeney đã phải lăn lưng tìm mọi cách để kiếm tiền nuôi sống bản thân, từ việc xúc tuyết đến bán thiệp Giáng sinh tận nhà.

Tỷ phú Feeney và vợ.

Theo tài liệu của Quỹ Từ thiện The Atlantic Philanthropies, tỷ phú Feeney từng có những chuyến thăm Việt Nam cuối thập niên 1990. Các dự án từ thiện của ông tại Việt Nam được tiến hành từ 1997, kết thúc năm 2015. Tổng cộng có 297 dự án với tổng số tiền là 381,6 triệu USD dành cho 97 cơ sở địa phương, chủ yếu cho các nỗ lực cải thiện công tác y tế, hiện đại hóa cơ cấu y tế công cộng và giáo dục đại học.

Sau này lớn lên, tới tuổi 17, Chuck Feeney quyết định nhập ngũ, rồi theo học Đại học Cornell bằng tiền trợ cấp cựu quân nhân. Cũng chính trong thời sinh viên đó, biệt danh “anh bán bánh mì kẹp thịt” đã đến với Chuck Feeney khi chàng sinh viên tiếp tục nỗ lực kiếm tiền của mình bằng công việc bán bánh mì bologna (bánh mì kẹp nướng ăn với giò xắt lát). Có lẽ suốt cuộc đời mình, ngay cả sau này khi đã trở thành tỷ phú, Chuck Feeney không quên những tháng ngày thơ ấu, sinh viên miệt mài tích cóp từng USD từ những công việc lao động vất vả.

Bước ngoặt của cuộc đời Chuck Feeney bắt đầu từ năm 1958 khi một người bạn cùng học đại học với ông rủ ông thành lập Công ty sau này là Tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế Duty Free Shoppers (DFS). Việc khai sinh ra cái gọi là “mua sắm miễn thuế” - cung cấp các ưu đãi cao cấp cho khách du lịch, miễn thuế nhập khẩu, bán lẻ rượu, thuốc lá và những mặt hàng xa xỉ phẩm tại các sân bay - đã giúp đôi bạn Chuck Feeney - Robert Warren Miller - hai người đồng sáng lập DFS - kiếm bộn tiền. DFS bắt đầu hoạt động tại Hồng Kông, rồi mở rộng sang châu Âu và các lục địa khác. Doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm của DFS đã dần đưa Chuck Feeney tới ngôi vị tỷ phú.

Tỷ phú không… nhà, không xe hơi

Nếu nói Chuck Feeney là “dị nhân” có lẽ cũng không ngoa. “Dị nhân” cả trong cách sống lẫn trong cách làm việc. Ông từng chia sẻ: “Tôi đặt ra mục tiêu để làm việc chăm chỉ, không phải để làm giàu”. Chuck Feeney cũng đặc biệt kín tiếng, không bao giờ khoe khoang về thành công hay sự giàu có của mình, cực ít khi chịu trả lời phỏng vấn.

Lạ lùng hơn nữa là vị tỷ phú từng đứng hạng 23 trong số những người giàu nhất thế giới này sinh thời đã sống một cuộc sống vô cùng đơn giản. Ít ai có thể tin rằng, ông chủ giàu có của DFS đã từng không có nhà mà cũng không có cả… xe hơi, chỉ sắm quần áo may sẵn, đeo chiếc đồng hồ trị giá không tới 15 USD, đi làm bằng xe điện ngầm, chỉ bay ở hạng phổ thông ngay cả khi các thành viên trong gia đình và đồng nghiệp của ông đi hạng thương gia trên cùng một máy bay…. Chuck Feeney thường nói ông quý trọng tiền bạc nhưng rất ghét phung phí nó.

Chuck Feeney luôn luôn chọn loại rượu thứ hai với giá rẻ nhất từ danh sách rượu vang. Khi chúng tôi đi cùng nhau ông ấy luôn ăn mặc như một du khách người Mỹ” - người viết tiểu sử của ông, cựu phóng viên Irish Times - Conor O’Clery cho biết. Còn Christopher Oechsli - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies thì khẳng định: “Những câu chuyện về sự tiết kiệm của Chuck Feeney là có thật. Ông ấy có chiếc đồng hồ Casio 10 USD và mang giấy tờ trong túi nilon. Đó là điều khiến ông ấy cảm thấy thoải mái và đó thực sự là con người của Chuck”. Cho đến lúc trước khi mất, Chuck Feeney được cho là vẫn sống trong một căn hộ nhỏ thuê ở San Francisco cùng vợ.

Tỷ phú Feeney và vợ trong một lần đến thăm Việt Nam. Ảnh tư liệu

“Sự giàu có mang lại trách nhiệm”

Chia sẻ ấy của Chuck Feeney với tờ Guardian cũng là điều vị tỷ phú này đã tâm niệm trong suốt hành trình sống của mình. Cũng bởi hai chữ trách nhiệm ấy nên nhiều năm qua, Chuck Feeney đã lặng lẽ, âm thầm dành nhiều thời gian và tiền bạc cho công việc thiện nguyện. Năm 1982, Chuck Feeney thành lập Quỹ Từ thiện The Atlantic Philanthropies và vào năm 1984 chuyển toàn bộ 38,75% cổ phần của mình trong DFS, trị giá khoảng 500 triệu USD cho quỹ này.

Khi chết, bạn không thể mang hết tài sản đi theo được, vậy thì tại sao lại cho hết ngay đi để có thể dõi theo những đồng tiền từ thiện, quản lý được chúng và chứng kiến được các kết quả thiện nguyện ngay khi còn sống?” - Chuck Feeney chia sẻ về lý do vì sao ông đưa ra quyết định mà theo nhìn nhận của không ít người là điên rồ khi quyết định dành toàn bộ tài sản 8 tỷ USD của mình để làm từ thiện. "Hãy sử dụng tài sản giàu có của bạn để giúp đỡ mọi người. Hãy sử dụng tài sản giàu có của bạn để lập ra các tổ chức giúp đỡ mọi người” - Chuck Feeney luôn kêu gọi.

Điều đáng nói hơn nữa là toàn bộ hành trình làm thiện nguyện của Chuck Feeney là hoàn toàn bí mật, tuyệt đối không thông tin truyền thông. “Mong muốn ẩn danh là sự kết hợp giữa tính khiêm tốn của Chuck với ước muốn làm việc thầm lặng và khôn khéo. Ông ấy muốn gặp gỡ mọi người, trò chuyện, học hỏi và hành động mà không cần thu hút nhiều chú ý hay được mọi người công nhận” - ông Christopher G. Oechsli - nguyên chủ tịch kiêm giám đốc điều hành quỹ Atlantic chia sẻ.

Từ 8 tỷ USD trên suốt hành trình các dự án của Quỹ Atlantic, những khoản tiền mà Chuck Feeney cho đi đã góp phần thực hiện nhiều thay đổi mang tính lịch sử như tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Bắc Ireland, thúc đẩy hình thành kinh tế tri thức ở Ireland và Úc, thúc đẩy xóa bỏ án tử hình đối với người chưa thành niên và kéo giảm số trẻ em không có bảo hiểm y tế ở Mỹ, bảo đảm thuốc điều trị cứu sống nhiều triệu người nhiễm HIV/AIDS ở Nam Phi, giúp Việt Nam phát triển các dự án giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Đóng góp của Feeney được xếp vào hàng vĩ đại nhất so với bất kỳ người Mỹ nào còn sống”- tờ Time viết. Còn tỷ phú Warren Buffett thì nói về Feeney với sự trân trọng lớn: “Anh ấy là người hùng của tôi và Bill Gates. Anh ấy là người hùng của mọi người”. Từ “nguồn cảm hứng Chuck Feeney”, Bill Gates và Warren Buffett đã thành lập “Giving Pledge” - chiến dịch kêu gọi tầng lớp giàu nhất nước Mỹ cho đi ít nhất 50% khối tài sản trước khi qua đời.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-doi-khac-nguoi-cua-vi-ty-phu-doc-het-8-ty-usd-tai-san-lam-tu-thien-post268294.html