Cuộc đoàn viên cảm động trên biên giới

Trong không khí náo nức của ngày hội Biên phòng toàn dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi, BĐBP Nghệ An được đón nhiều đoàn khách không quản đường sá xa xôi đến thăm, động viên. Năm nay, niềm vui của những người lính thêm nhân đôi khi vợ, con của các anh cùng lên đơn vị thăm chồng, cha của mình. Cuộc đoàn viên cùng gia đình ở biên giới xa xôi mang lại những cảm xúc dặc biệt đối với những người lính mang quân hàm xanh vốn quanh năm suốt tháng công tác xa nhà.

Các gia đình quân nhân của Đồn Biên phòng Na Ngoi có cuộc hội ngộ trên biên giới. Ảnh: Viết Lam

Đóng quân, thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn biên giới khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi luôn nhận được sự tin yêu, đùm bọc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Cùng với đó, những người lính quân hàm xanh còn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ một số đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa ở tuyến sau. Đây là nguồn động viên to lớn để những người lính mang quân hàm xanh yên tâm bám biên giới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Trong tháng 3/2024, khi đang có chuyến công tác tại Đồn Biên phòng Na Ngoi, chúng tôi đã ghi nhận tình đoàn kết quân dân keo sơn qua những hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống BĐBP, nhưng hình ảnh xúc động nhất là những cuộc đoàn tụ gia đình ấm áp của gia đình các cán bộ, chiến sĩ đơn vị ngay tại đồn biên phòng.

Theo tìm hiểu, tất cả người thân lên thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi đều đang sinh sống, công tác, học tập ở dưới xuôi. Những người vợ lính đã thống nhất, thuê chung một chiếc xe ô tô để dẫn con vượt hàng trăm cây số đường lên biên giới thăm chồng. Thường ngày, vợ của các quân nhân đang công tác tại Đồn Biên phòng Na Ngoi thường xuyên duy trì liên lạc qua nhóm Zalo để thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống. Rồi vào dịp lễ, Tết, kỳ nghỉ Hè của các con, kỷ niệm Ngày Truyền thống BĐBP hằng năm, họ đều cố gắng sắp xếp thời gian để lên thăm chồng. Cùng với tình thương yêu, mỗi dịp lên biên giới, họ đều góp tiền để mua một món quà ý nghĩa tặng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Trong chuyến đi ngược lên biên giới lần này, các chị em đã mua một máy đánh giày để cho các quân nhân sử dụng.

Trong cuộc gặp gỡ với các gia đình quân nhân ở biên giới, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm vợ chồng, cha con. Ấn tượng nhất là câu chuyện về gia đình do chị Nguyễn Nga, giáo viên Trường Mầm non xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương (vợ của Thượng tá Nguyễn Văn Hóa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Na Ngoi) kể lại: “Anh chị cưới nhau 32 năm, song thời gian ở bên nhau cũng chỉ tính được bằng tháng, chú ạ! Nhưng từ đầu, chị đã xác định khi làm vợ của người lính Biên phòng thì sẽ chịu nhiều thiệt thòi nên trong mọi hoàn cảnh luôn cố gắng khắc phục khó khăn, động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo quy định, đến tháng 7/2024, chồng của chị sẽ được nghỉ hưu theo chế độ của Quân đội”.

Chị Nguyễn Nga và Thượng tá Nguyễn Văn Hóa tại Đồn Biên phòng Na Ngoi. Ảnh: Viết Lam

Theo lời kể của chị Nga, năm 1992, khi còn là một chàng trai trẻ, anh Nguyễn Văn Hóa đã viết đơn tình nguyện lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và được tuyển chọn vào lực lượng BĐBP. Khi đang là tân binh tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Nghệ An, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Hóa được điều động tham gia hoạt động dã ngoại, giúp dân trên địa bàn huyện Con Cuông. Quá trình đó, anh Hóa đã quen biết chị Nga, một cán bộ đoàn viên người địa phương. Rồi thông qua hoạt động giao lưu giữa hai đơn vị, tình cảm giữa anh và chị càng lớn dần, rồi nhận lời yêu thương nhau. Từ mơ ước của bản thân và được người thương động viên, anh Hóa đã quyết tâm ôn luyện để thi vào đại học, phục vụ lâu dài trong Quân đội. Trong năm 1992, quân nhân trẻ được đơn vị tạo điều kiện tham gia dự thi và trúng tuyển vào Đại học Biên phòng và chuyển đến môi trường mới để học tập, rèn luyện. Dù ở xa cách nhau nhưng anh Hóa và chị Nga vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên nhau để cùng thực hiện ước mơ và sẽ tiến tới hôn nhân sau khi anh trở thành sĩ quan Biên phòng.

Sau thời gian học tập, rèn luyện, năm 1997, anh Hóa đã đã tốt nghiệp Đại học Biên phòng và trở thành chàng sĩ quan nhiều triển vọng. Ngay sau khi đã ổn định công tác, anh Hóa cầu hôn và cưới chị Nga làm vợ, rồi họ sớm chào đón con gái đầu lòng. Sau khi lập gia đình, chàng sĩ quan trẻ lại nhận nhiệm vụ tại các đơn vị khác nhau trên biên giới, mọi việc gia đình, chị Nga đều một mình gánh vác.

Nhận thấy vợ còn trẻ, lại có trình độ chỉ ở nhà chăm con sẽ nhiều thiệt thòi, anh Hóa cùng gia đình đã động viên chị Nga thử sức thi vào đại học. Bằng sự quyết tâm, năm 2000, người vợ, người mẹ trẻ đã thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và ôm con nhỏ về thành phố Vinh học tập. Sau 3 năm học tập, tốt nghiệp, năm 2003, chị viết đơn lên xã biên giới Na Ngoi để công tác. “Thời điểm đó, anh Hóa cũng đang thực hiện nhiệm vụ tại đây, vợ chồng đã nhờ đồng đội, nhân dân dựng cho một căn nhà gỗ tạm gần với đồn Biên phòng để tiện cho cuộc sống sinh hoạt. Nhưng cũng chỉ được vài tháng, anh lại được điều động đến đơn vị mới công tác, thế là tôi lại một mình vừa công tác, vừa chăm con nhỏ. Cứ như thế, đến năm 2013, tôi được chuyển về xuôi công tác, vợ chồng lại xa nhau biền biệt” - chị Nga tâm sự.

Qua câu chuyện được biết thêm, gia đình anh Hóa, chị Nga có một con gái và một con trai. Suốt quá trình dài, dù xa cách nhưng anh luôn là tấm gương sáng, cùng với sự tần tảo, chăm sóc của chị nên các con đều học tập rất giỏi. Khi anh sắp về nghỉ hưu thì cô con gái đầu đã trở thành giáo viên của một trường cấp 3 trên địa bàn huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và đã lập gia đình hạnh phúc. Còn cậu con trai từng đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, được tuyển thẳng vào ngành sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và chuẩn bị tốt nghiệp.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-doan-vien-cam-dong-tren-bien-gioi-post474016.html