'Cuộc chung sống chính trị' khó khăn

Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hôm 10.4, vượt trội đáng kể so với đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền. Chiến thắng này đã đưa đến một Quốc hội do phe đối lập nắm quyền trong 4 năm tới, gây ảnh hưởng đáng kể đến các quyết sách của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Kịch bản lặp lại

Theo kết quả được Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) công bố tối ngày 11.4, DPK đã giành được 175 ghế trong tổng số 300 ghế. Trong khi đó, đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền chỉ giành được 108 ghế. Đảng Xây dựng lại Hàn Quốc, một đảng cấp tiến nhỏ đối lập do cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk lãnh đạo, đã giành được 12 ghế, đánh dấu màn ra mắt thành công trong cuộc bầu cử đầu tiên. Trong số các đảng nhỏ khác, đảng Cải cách đã giành được 3 ghế. Đảng Saemirae và đảng Jinbo, mỗi đảng giành được một ghế.

Như vậy, phe đối lập đã giành được tổng cộng hơn 190 ghế, mặc dù không đạt được kết quả như các thăm dò ý kiến được công bố trước đó, dự báo rằng khối đối lập rộng lớn hơn có thể giành được tới 200 ghế.

Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ phải đối mặt với tương lai khó khăn sau thất bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử. Ảnh:Korea Times

Thất bại lần này của đảng Quyền lực Nhân dân giống như hiện tượng deja-vu, bởi kịch bản tương tự đã xảy ra trong cuộc bầu cử 2020. Vào thời điểm đó, đảng Dân chủ và đồng minh đã giành được tổng cộng 180 ghế trong khi đảng Tương lai Thống nhất (tên cũ của đảng Quyền lực Nhân dân) và các đảng anh em chỉ giành 103 ghế.

Trong số 44 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu của Hàn Quốc, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chung cuộc ước tính 67%, cao nhất trong một kỳ bầu cử Quốc hội kể từ năm 1992, theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia.

Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Tổng thống

Cuộc bầu cử hôm 10.4 được nhìn nhận giống như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với Tổng thống Yoon, vốn là một cựu công tố viên hàng đầu lên nhậm chức tổng thống hồi năm 2022 với nhiệm kỳ 5 năm. Thất bại bầu cử đã khiến ông Yoon đã trở thành tổng thống đầu tiên trong hệ thống tổng thống hiện tại của Hàn Quốc được thành lập vào năm 1987, phải đối mặt với một Quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của ông.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Yoon đã chủ trương tăng cường hợp tác với Mỹ, cải thiện quan hệ với Nhật Bản để giải quyết một loạt thách thức an ninh và kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, ông Yoon đang vật lộn với tỷ lệ ủng hộ thấp ở trong nước và một Quốc hội do phe đối lập kiểm soát đã hạn chế các đường lối chính sách lớn của ông.

Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng chính quyền Yoon từ lâu đã gặp khó khăn trong giao tiếp với công chúng, chẳng hạn như cách Chính quyền xử lý vụ các bác sĩ đồng loạt biểu tình để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y của Chính phủ, gây tê liệt lên toàn bộ hệ thống y tế. Tình trạng tê liệt này đã kéo dài hơn hai tháng khiến cử tri không còn kiên nhẫn và quay lưng với Chính phủ.

Những nhận xét gây tranh cãi gần đây của Trợ lý Tổng thống Yoon về tự do báo chí hay quyết định mới đây của Tổng thống Yoon bổ nhiệm một cựu Bộ trưởng Quốc phòng đầy tai tiếng làm đại sứ mới tại Australia cũng làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng. Các nhà phê bình cũng chỉ ra tác động từ việc gia đình ông vướng vào nhiều vụ bê bối, trong đó có “vụ bê bối túi Dior” nổi tiếng liên quan đến đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Choi Jin, một nhà bình luận chính trị, người đứng đầu Viện Lãnh đạo Tổng thống có trụ sở tại Seoul, cho biết các đảng đối lập đã lợi dụng những sơ suất của chính quyền hiện tại để gây phẫn nộ cho công chúng. Ông Choi nói: “Những quyết định thiếu khôn ngoan đã mở đường cho sự chỉ trích của công chúng và các đảng đối lập đã kích động sự tức giận của người dân một cách có chiến lược”.

Chưa phải kịch bản xấu nhất

Các chuyên gia cho rằng, thất bại trong cuộc bầu cử lần này là một tin xấu đối với đảng cầm quyền nhưng chưa phải xấu nhất bởi họ đã tránh được kịch bản để rơi 200 ghế vào tay phe đối lập, một con số được các cuộc thăm dò trước bầu cử ghi nhận. Vậy con số 200 ghế tại Quốc hội Hàn Quốc có ý nghĩa như thế nào?

Con số này rất quan trọng, bởi vì một nhóm đảng kiểm soát 2/3 số ghế tại Quốc hội đơn viện có thể mang lại quyền lực đáng kể cho phe đối lập và sẽ gần như vô hiệu hóa quyền lực của Tổng thống. Với thế đa số hiện tại đảng Dân chủ đối lập sẽ vẫn gặp khó khăn nếu muốn thúc đẩy một số dự luật gây tranh cãi bởi Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình. Nhưng nếu phe đối lập giành được 200 ghế trở lên, họ có thể lật ngược phủ quyết của Tổng thống Yoon.

Không chỉ vậy, với đa số 2/3 được đảm bảo, về mặt lý thuyết, phe đối lập có thể thúc đẩy việc luận tội Tổng thống, sửa đổi Hiến pháp để rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống 5 năm hiện tại hoặc thay đổi hệ thống quản lý đất nước sang hệ thống nghị viện, từ hệ thống tổng thống hiện tại. Mặc dù, hai điều cuối cùng vẫn cần phải trải qua hai “cửa ải” khác là sự ủng hộ của công chúng thông qua một cuộc trưng cầu dân ý và sự đồng ý của Tòa án Hiến pháp.

Trong lịch sử dân chủ tương đối ngắn của Hàn Quốc, chưa có một lực lượng chính trị nào đạt được 200 ghế trong Quốc hội gồm 300 ghế của Hàn Quốc.

Nguy cơ bế tắc chính trị

Sau khi có thông tin về kết quả sơ bộ, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Han Dong-hoon, Duck-soo cũng như 3 trợ lý cấp cao của tổng thống, trong đó có Chánh Văn phòng Tổng thống Lee Kwan-seop, đã từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại trong cuộc bầu cử.

Về phần mình, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ cải cách các vấn đề nhà nước để phản ánh ý chí của người dân sau thất bại nặng nề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử. “Tôi sẽ khiêm tốn chấp nhận ý chí của người dân được bày tỏ trong cuộc tổng tuyển cử và sẽ cố gắng cải cách chính quyền cũng như nỗ lực hết sức để ổn định nền kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân”, ông nói trong cuộc họp báo sau bầu cử.

Mặc dù ông Yoon sẽ tiếp tục nắm quyền và các chính sách đối ngoại chính của ông có thể sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, thất bại nặng nề của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử sẽ khiến chương trình nghị sự của ông Yoon đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chẳng hạn, theo đối lập có thể thúc đẩy quy trình lập pháp thông qua nhanh các dự luật, rút ngắn quá trình thảo luận, từ đó khiến việc bỏ phiếu toàn thể nhanh hơn so với các dự luật khác. Để làm được điều này, họ sẽ cần sự hỗ trợ của ít nhất 3/5 tổng số thành viên Quốc hội.

Hơn nữa, chính phủ phải đối mặt với nguy cơ thất bại khi thúc đẩy các chương trình nghị sự về chính sách và ngân sách khi đảng Xây dựng lại Hàn Quốc, với khẩu hiệu là "chấm dứt Chính phủ Yoon", đã ra mắt thành công khi giành được 12 ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua. Đảng này sẽ đóng vai trò quyết định trong các cuộc chiến lập pháp sắp tới.

Ông Chung Jin-young, cựu hiệu trưởng Trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế Thái Bình Dương tại Đại học Kyung Hee đánh giá: “Chiến thắng của phe đối lập sẽ khiến Hàn Quốc rơi vào bế tắc chính trị trong ba năm tới, vì cả đảng cầm quyền và đối lập không thể làm việc đơn phương nhưng cũng không thể chung sống chính trị với nhau”, ông Chung nói. Một số chuyên gia cho rằng, điều tệ hơn đối với Tổng thống Yoon là ông sẽ phải đối mặt với tín nhiệm thấp và đứng trước áp lực từ chính trong nội bộ đảng của ông về việc phải rút lui khỏi ghế Tổng thống. Bởi việc có một tổng thống không được lòng dân cũng là một rủi ro đối với đảng cầm quyền, điều có thể làm lu mờ cơ hội để đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2027.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cuoc-chung-song-chinh-tri-kho-khan-i366222/