Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Apple 'giữa hai làn đạn'

Apple có nguy cơ 'đứng giữa hai làn đạn', nếu hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc sa vào cuộc chiến thương mại.

Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của Apple. Nguồn: Internet.

Trung Quốc không chỉ là một trong những thị trường lớn nhất, mà còn là cơ sở sản xuất quan trọng những sản phẩm chủ lực của Apple như iPhone, MacBook và iPad.

Chính vì vậy mà công cuộc kinh doanh của Apple - công ty có giá trị nhất thế giới trên thị trường chứng khoán - bị đe dọa nghiêm trọng, khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ biến thành cuộc chiến thương mại.

Quy mô kinh doanh Apple ở Trung Quốc

Doanh thu từ thị trường “Đại Trung Quốc”, bao gồm Hong Kong và Đài Loan, chiếm 20% tổng doanh thu của Apple (229,2 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2017, theo báo cáo công ty hàng năm mới nhất.

Điều đó đã làm cho “Đại Trung Quốc” trở thành thị trường lớn thứ ba của Apple, sau châu Mỹ và châu Âu.

“Đại Trung Quốc” chiếm 21,9% tổng lợi nhuận kinh doanh của Apple trong năm tài chính vừa qua, tương đương với châu Âu và gấp đôi Nhật Bản.

Trung Quốc lục địa chính là thị trường lớn nhất thế giới tiêu thụ iPhone, sản phẩm chủ lực của Apple, chiếm 62% tổng doanh thu của tập đoàn trong năm tài chính vừa qua.

Theo ước tính của hãng nghiên cứu Newzoo, ước tính có khoảng 730 triệu chiếc iPhone đang được sử dụng trên toàn thế giới vào tháng 7 năm 2017, trong đó Trung Quốc lục địa chiếm tới 243 triệu chiếc, tương đương một phần ba.

Nước Mỹ, nơi Apple đặt trụ sở chính, chỉ có 134 triệu người dùng iPhone trong cùng thời kỳ.

Các sản phẩm của Apple “Made in China”

Trong báo cáo thường niên mới nhất, Apple cho biết tất cả các sản phẩm phần cứng của tập đoàn "hiện đang được các đối tác gia công sản xuất phần lớn ở châu Á, chỉ có một số máy tính Mac được sản xuất tại Mỹ và Ireland".

Tuy nhiên, khi xem kỹ các sản phẩm như iPhone và iPad, người ta sẽ thấy ở mặt sau: "Apple California thiết kế, lắp ráp ở Trung Quốc ”

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Apple, trên cương vị nước sở hữu chuỗi các nhà cung cấp linh kiện và là nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của tập đoàn công nghệ khổng lồ này.

Theo báo cáo thường niên của Apple, tính đến tháng 9/2017, Trung Quốc chiếm 30,2% tổng tài sản dài hạn của tập đoàn công nghệ khổng lồ này, trong khi nước Mỹ chiếm 61,1%.

Những tài sản dài hạn này bao gồm công cụ sản xuất, thiết bị, quy trình sản xuất cũng như các tài sản khác như các cửa hàng bán lẻ và cơ sở hạ tầng hữu quan.

Apple trong tranh chấp thương mại Mỹ-Trung

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc hàng năm ở Bắc Kinh hồi tháng trước, Giám đốc điều hành Apple (CEO) Tim Cook hy vọng hai bên bình tĩnh trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Apple, cùng với các công ty đa quốc gia khác, đã tuân thủ những quy định mới của chính phủ Trung Quốc, trong đó có yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp tất cả dữ liệu của họ ở Trung Quốc, cho các trung tâm dữ liệu đại lục.

“Người khổng lồ công nghệ” Apple đã thành lập một trung tâm dữ liệu ở tỉnh Quý Châu để tuân thủ Luật bảo mật an ninh mạng của Trung Quốc.

Vốn đã khốn khổ bởi chủ trương “chuyển sản xuất về nước Mỹ” của Tổng thống Donald Trump, Giám đốc điều hành Tim Cook hy vọng “những cái đầu lạnh” sẽ thắng thế, khi căng thẳng Mỹ-Trung Quốc gia tăng.

Không những thế, CEO Tim Cook còn tìm cách gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 4/5 để thảo luận về các vấn đề thương mại Mỹ-Trung, trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có nguy cơ sa vào cuộc chiến thương mại.

Cuộc gặp này đã diễn ra trước chuyến đi theo kế hoạch của các quan chức chính quyền Trump đến Bắc Kinh. Apple vẫn giữ im lặng về những gì đã được thảo luận cụ thể trong cuộc gặp giữa CEO Tim Cook và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Minh Bích (Theo SCMP)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/cuoc-chien-thuong-mai-mytrung-apple-giua-hai-lan-dan-1474.html