Cuộc chiến ngày thứ 29, Tổng thống Putin đang chơi 'ván bài lạ'

Cuộc xung đột Nga – Ukraine bước sang ngày thứ 29, các cuộc giao tranh ác liệt hơn tiếp tục diễn ra. Mỹ vẫn đang bóp nghẹt toàn diện hơn đối với Nga.

Tổng thống Nga Putin luôn có những bước đi khiến đối thủ phải bất ngờ; hôm qua, ông có những hành động bất thường khiến EU phải ngộp thở, khi ông tuyên bố rằng, Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp, đối với khí đốt tự nhiên do Nga cung cấp, cho "các quốc gia và khu vực không thân thiện".

Vậy ý nghĩa “hành động lạ” trên của Nga là gì? Chúng ta có thể hiểu như sau; thứ nhất, các quốc gia “không thân thiện” mua dầu và khí đốt của Nga, Nga sẽ không chấp nhận thanh toán bằng USD và euro nữa, mà chỉ chấp nhận đồng rúp của Nga.

Thứ hai Nga khẳng định là họ không vi phạm hợp đồng, Nga vẫn cung cấp hàng đúng giá và số lượng hợp đồng ban đầu; nhưng không chấp nhận “tiền mất tật mang”. Tức là giao hàng hóa, nhưng không nhận được tiền mặt, vì các kênh thanh toán với Nga đã đóng lại.

Thứ ba, thời gian mà Tổng thống Nga ấn định chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp là trong vòng một tuần; và thứ tư, áp dụng với những đối tượng là các quốc gia và khu vực “không thân thiện”.

Những quốc gia và khu vực không thân thiện là ai; trước đó theo lệnh của Tổng thống Putin, Nga đã đưa ra một danh sách, trong đó chủ yếu bao gồm các quốc gia thuộc EU, Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản v.v. Các khách hàng mua dầu và khí đốt của Nga chủ yếu là các nước thành viên EU, Đức, Pháp, Italy.

Sau khi xung đột quân sự bùng nổ, Mỹ đã gây sức ép buộc EU áp đặt lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga, nhưng EU phản đối một cách thụ động. Lý do rất đơn giản, Nga có khí đốt, EU thì không có khí đốt; còn Mỹ thì không cung cấp đủ.

Hiện nay, hơn một nửa sản phẩm năng lượng của các nước EU được nhập khẩu, trong đó Nga cung cấp 41% khí đốt tự nhiên, 46% than đá và 27% dầu mỏ. Đặc biệt, Đức phụ thuộc vào Nga với 55% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Thủ tướng Bulgaria Petkov nói rằng, Bulgaria ủng hộ mọi biện pháp trừng phạt đối với Nga, ngoại trừ lệnh cấm mua dầu khí.

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng Ukraine, các lệnh trừng phạt toàn diện từ phương Tây vẫn khiến kinh tế Nga lao dốc, thị trường chứng khoán sụp đổ, đồng rúp lao dốc. Ít nhất 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã bị các nước phương Tây đóng băng, và tài sản của một số lượng lớn các công ty và cá nhân Nga ở phương Tây, cũng bị giam giữ.

Nhưng Nga vẫn còn vũ khí là năng lượng, và phương Tây tỏ ra miễn cưỡng chấp nhận mọi điều kiện với khí đốt tự nhiên của Nga, kể cả chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp qua các kênh thanh toán riêng của Nga.

Theo lẽ thường, nền kinh tế Nga càng bị ảnh hưởng bởi bao vây, cấm vận, thì càng cần ngoại tệ; nhưng Putin lại đi ngược lại, Moscow không cần USD và euro, mà Nga chỉ cần đồng rúp. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Harbeck đã cáo buộc Nga vi phạm hợp đồng, và Đức sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu "phản ứng như thế nào".

Ukraine ngay lập tức cáo buộc Nga tiến hành "chiến tranh kinh tế". Andrei Yermak, cố vấn của Tổng thống Ukraine cho biết, “Đây là một cuộc chiến kinh tế cốt yếu, mà phương Tây phải giành chiến thắng tập thể”. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để giành chiến thắng, thì Kiev không chỉ ra được cho EU?

Nếu phương Tây không chịu thực hiện, tức là không trả bằng đồng rúp, thì chắc chắn Nga sẽ không cung cấp khí đốt, và EU hiện đang cực kỳ thiếu khí đốt. Nếu không có dầu khí của Nga, giá dầu khí của châu Âu sẽ tiếp tục tăng cao và chính người dân châu Âu, sẽ lật đổ các chính phủ của họ.

Như vậy có thể thấy nước cờ hiểm của Tổng thống Putin, khi ông bắn một mũi tên “trúng nhiều đích”. Thứ nhất, giảm sự phụ thuộc của Nga vào ngoại hối, đồng USD và đồng euro dù sao cũng không đáng tin cậy; thực tế đã chứng minh.

Thứ hai, nó giúp củng cố đồng rúp, vốn đã bị giảm giá mạnh bởi sự cấm vận của phương Tây và bây giờ, EU phải đề nghị Nga bán rúp để thanh toán hóa đơn và thứ ba, chính là cái giá phải trả của phương Tây, khi loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Như vậy, Tổng thống Putin ngay cả khi bị dồn vào đường cùng, ông ấy luôn có thể tìm được “góc cạnh” để chống trả. Tất nhiên, cuộc đối đầu không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn là chiến trường.

Chiến sự ở Mariupol, Kharkov và những nơi khác trên lãnh thổ Ukraine vẫn diễn ra ác liệt, số người chết tăng lên hàng ngày. Thành phố lớn thứ hai của Ukraine là Kharkiv, hơn 1.000 tòa nhà đã bị phá hủy; ở Mariupol, khoảng 2/3 diện tích thành phố đã biến thành đống đổ nát.

Trong khi đó, phương Tây vẫn tiếp tục xiết chặt các biện pháp chống Nga, không chỉ về kinh tế, mà còn cả chính trị và ngoại giao. Ngày 24/3, Ba Lan tuyên bố trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga, với lý do hoạt động của họ là "không phù hợp với quy chế ngoại giao".

18. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm qua: "Chúng ta phải chắc chắn rằng, Nga sẽ bị đánh bại. Đó phải là mục tiêu chung, đó là vấn đề an ninh, là tương lai của châu Âu và cả thế giới".

Tuy nhiên đó cũng là những lời cảnh báo đối với Tổng thống Ukraine Zelensky, cho dù Ukraine thực sự sẵn sàng thỏa hiệp với Nga, nhưng phương Tây sẽ không đồng ý, và Tổng thống Putin phải bị đánh bại. Nhưng liệu nước Nga có chịu chấp nhận?

Và theo thông tin mới nhất, bà Madeleine Albright, nữ ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử của Mỹ đã qua đời. Khi còn đương chức, chính bà Albright là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự mở rộng NATO về phía đông, mặc dù lúc đó Tổng thống Nga là ông Yeltsin phản đối mạnh mẽ, nhưng sự phản đối này không hiệu quả.

Mới tháng trước, trước thềm cuộc chiến bùng nổ ở Ukraine, bà Albright cũng đã công khai cảnh báo rằng, Tổng thống Putin sẽ phạm sai lầm lịch sử, khi tấn công Ukraine, và Nga sẽ phải trả giá đắt. Đây cũng là câu nói quan trọng cuối cùng của bà trước khi qua đời.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/cuoc-chien-ngay-thu-29-tong-thong-putin-dang-choi-van-bai-la-1680084.html