Cuộc chiến của các bác sỹ Gaza cứu sống bệnh nhân trong điều kiện thảm khốc

Nhiều bệnh nhân ở Dải Gaza đang rơi vào cảnh chờ chết khi các bệnh viện không thể hoạt động với công năng của nó trong tình trạng mất điện và nước.

Bên trong một phòng mổ tối tăm của bệnh viện al-Shifa ở Dải Gaza, các nhân viên y tế đặt hàng 7-8 trẻ sinh non đang quấn tã vào mỗi giường để giữ ấm và giúp các em có thể sống sót.

Không có oxy và điện cho lồng ấp, các y tá đã cố gắng chăm sóc tốt nhất có thể cho 39 em được chuyển từ khoa sơ sinh tới sau cuộc tấn công vào phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện al-Shifa.

Nhân viên y tế bệnh viện al-Shifa đặt 7-8 trẻ sơ sinh vào mỗi giường để giữ ấm và giúp các em có thể sống sót. Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế bệnh viện al-Shifa đặt 7-8 trẻ sơ sinh vào mỗi giường để giữ ấm và giúp các em có thể sống sót. Ảnh: Reuters

Việc di chuyển các em cũng là một nhiệm vụ nguy hiểm. Các nhân viên bệnh viện đã báo cáo về các cuộc tấn công nhằm vào bất kỳ ai di chuyển trong khuôn viên bệnh viện.

“Khoa sơ sinh không được nối liền với các khoa phẫu thuật chính; rất nguy hiểm khi đi từ tòa nhà đó để đón các em bé tới đây”, ông Marwan Abu Sada, người đứng đầu khoa phẫu thuật tại bệnh viện al-Shifa, nơi hiện đang phải hoạt động dưới làn đạn của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, cho biết.

“Chúng tôi đã gọi cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế [ICRC] và phía Israel chỉ để đảm bảo việc đưa các em bé từ phòng chăm sóc đặc biệt của khoa sơ sinh đến khu phẫu thuật”, ông Sada nói.

Bác sỹ quyết không bỏ bệnh nhân

39 trẻ sơ sinh đã sống sót sau khi được chuyển đến khu phẫu thuật, nhưng tình trạng của các em trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần.

“Hôm nay chúng tôi đã mất một em bé. Hôm qua chúng tôi đã mất 2 em trẻ và tôi sợ rằng tất cả các các em có thể sẽ mất mạng”, bác sỹ Abu Sada nói.

Bệnh viện Al-Shifa có khoa sơ sinh lớn nhất ở Gaza và không cơ sở nào khác có thể chăm sóc trẻ sinh non, do đó việc sơ tán là không thể.

“Bệnh viện al-Shifa bị bao vây; không ai có thể ra ngoài và cũng không ai có thể vào trong”, bác sỹ Abu Sada cho biết.

Theo bác sỹ Abu Sada, bệnh viện al-Shifa, đã hứng chịu 6 cuộc tấn công trong 2 ngày qua khi xe tăng Israel áp sát sơ sở này, trong đó có một cuộc tấn công vào khu vực phòng chăm sóc đặc biệt hôm 12/11. Xe cứu thương không thể đưa những người bị thương đến bệnh viện hoặc chuyển bất kỳ bệnh nhân nào đến các cơ sở khác. Một người đã bị bắn chết khi nhìn ra ngoài cửa sổ.

“Đó là một cảnh tượng kinh hoàng. Chúng tôi rất sợ những cuộc oanh tạc. Nhưng chúng tôi phải ở lại đây, về mặt đạo đức, chúng tôi có nghĩa vụ phải điều trị cho bệnh nhân và chúng tôi không thể rời đi khi bệnh nhân vẫn còn ở bên trong”, bác sỹ Sada nói.

Giới chức Israel đã nhiều lần yêu cầu người dân Palestine ở Gaza sơ tán về phía Nam, bao gồm cả các bệnh viện mà hàng ngàn người đang trú ẩn. Các bác sỹ nói rằng việc sơ tán những bệnh nhân nguy kịch có thể sẽ khiến họ tử vong trên đường đi.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho rằng Hamas hoạt động từ các boongke bên dưới khu phức hợp bệnh viện al-Shifa. Tuy nhiên, cả Hamas và nhân viên bệnh viện đều phủ nhận.

Đại tá Moshe Tetro, người đứng đầu đơn vị liên lạc và điều phối Gaza của IDF, cho biết: “Không có vụ nổ súng nào xảy ra tại bệnh viện và không có cuộc bao vây nào. Phía Đông của bệnh viện [al-Shifa] vẫn mở. Ngoài ra, chúng tôi có thể phối hợp với bất kỳ ai muốn rời bệnh viện một cách an toàn”.

Tình cảnh thảm khốc và nguy hiểm

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 12/11 cho biết, tình hình tại bệnh viện al-Shifa “thật thảm khốc và nguy hiểm”. Trong 3 ngày qua, cơ sở này không có điện, nước và mạng Internet rất kém, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc thiết yếu.

“Điều đáng buồn là số bệnh nhân tử vong đã tăng lên đáng kể. Bệnh viện này không còn hoạt động với công năng của nó nữa”, ông Ghebreyesus cho biết, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Các bệnh nhân tại bệnh biện al-Shifa được chuyển vào hành lang bên trong, tránh xa cửa sổ. Ảnh: Getty

Các bệnh nhân tại bệnh biện al-Shifa được chuyển vào hành lang bên trong, tránh xa cửa sổ. Ảnh: Getty

Trong một tuyên bố, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế nhấn mạnh: “Các quy tắc của chiến tranh rất rõ ràng. Bệnh viện là cơ sở được bảo vệ đặc biệt theo luật nhân đạo quốc tế. ICRC kêu gọi bảo vệ tất cả dân thường, bao gồm cả nhân viên nhân đạo và nhân viên y tế. Sự bảo vệ này không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là mệnh lệnh đạo đức để bảo toàn mạng sống con người trong thời điểm khủng khiếp này”.

Lực lượng không quân Jordan cho biết họ đã thực hiện một đợt thả viện trợ khẩn cấp để cung cấp vật tư y tế cho bệnh viện dã chiến ở Gaza hôm 12/11, trong khi nhiều cơ sở y tế khác ở Thành phố Gaza cho biết họ buộc phải ngừng hoạt động.

Bệnh viện Al-Quds ở thành phố Gaza, nơi ước tính có khoảng 14.000 người đang trú ẩn, được cho là đã bị xe tăng Israel bao vây hôm 11/11. Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine, cơ quan điều hành al-Quds, cho biết bệnh viện này “không còn hoạt động nữa. Nguyên nhân là do nguồn nhiên liệu cạn kiệt

“Các cuộc bắn phá liên tục của Israel đang gây ra rủi ro nghiêm trọng cho nhân viên y tế, bệnh nhân và cả dân thường mất nhà ở đang trú ẩn tại đây”, Tổ chức Lưỡi liềm Đỏ Palestine cho biết thêm.

Nguy cơ “trở thành nhà xác”

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã kêu gọi bảo vệ các bệnh viện trên khắp Gaza.

“Điện trong bệnh viện là nguồn sống. Nếu không có điện, bệnh nhân sẽ chết. Cần phải hành động ngay bây giờ, nếu chúng ta không ngăn chặn cuộc đổ máu này ngay lập tức bằng lệnh ngừng bắn hoặc ở mức tối thiểu là sơ tán bệnh nhân về mặt y tế, những bệnh viện này sẽ trở thành nhà xác”, tổ chức MSF nhấn mạnh.

Theo các nhân viên bệnh viện và thông tin từ Bộ Y tế Palestine, bệnh viện al-Shifa đã hết nước sạch sau khi các bể chứa trên mái của cơ sở này bị hư hỏng trong các vụ đánh bom, nguồn cung cấp oxy bị ảnh hưởng, nguồn máu dự trữ cũng bị hỏng do thiếu điện.

Tại bệnh viện al-Ahli Arab ở phía Đông thành phố Gaza, cơ sở duy nhất có thể tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Fadel Naim cho biết nguồn máu dự trữ đã cạn kiệt.

“Tình hình thật thảm khốc. Nguồn nhân lực của chúng tôi rất hạn chế, các đồng nghiệp của chúng tôi đang ở bệnh viện al-Shifa và họ không thể đến giúp chúng tôi. Chúng tôi đang tiếp nhận hàng trăm người bị thương cũng như những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc tăng huyết áp, tiêu chảy và mất nước. Có những phụ nữ mang thai đến đây, một số người cần sinh mổ nhưng chúng tôi không thể giúp được tất cả họ. Chúng tôi hoạt động như một bệnh viện dã chiến, tiến hành các biện pháp khẩn cấp và can thiệp tối thiểu để giữ mạng sống và cầm máu. Nhiều bệnh nhân cần được can thiệp bằng phẫu thuật, nhiều người bị gãy xương kèm chảy máu, nhưng chúng tôi chỉ có thể thực hiện các ca phẫu thuật cứu mạng sống vào lúc này”, bác sỹ Naim cho biết.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo The Guardian

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cuoc-chien-cua-cac-bac-sy-gaza-cuu-song-benh-nhan-trong-dieu-kien-tham-khoc-post1058867.vov