Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung sẽ thay đổi ngành bán dẫn như thế nào?

Năng lực sản xuất vật liệu bán dẫn sẽ luôn là trọng tâm trong các cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới dù có kết quả như thế nào thì xu hướng này sẽ không thay đổi.

Biểu tượng của tập đoàn viễn thông Huawei tại trụ sở công ty ở Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng của tập đoàn viễn thông Huawei tại trụ sở công ty ở Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc chạy đua làm chủ lĩnh vực bán dẫn
Chất bán dẫn là thành phần cơ bản trong các thiết bị kỹ thuật số và cũng là nền tảng cho sự đổi mới trong tương lai. Những con chip nhỏ bé có mặt trong điện thoại thông minh, ô tô tự lái đến công nghệ trí tuệ nhân tạo hay trung tâm dữ liệu.
Ngành sản xuất linh kiện bán dẫn được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới, với doanh thu 412 tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu thống kê. Chính bởi vị trí quan trọng của chất bán dẫn mà chính phủ các nước công nghiệp phát triển, từ Mỹ đến Trung Quốc, từ châu Âu đến Nhật Bản, đều dành ưu tiên chính sách cho lĩnh vực này nhằm xây dựng năng lực tự chủ của quốc gia.
Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) có trụ sở tại Washington, cho biết: “Chúng ta đang ở trong một thế giới mà chính phủ quan tâm hơn đến tính bảo mật của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Xu thế chủ nghĩa dân tộc về công nghệ ngày càng được tăng cường ở nhiều nước trên thế giới là một thách thức đối với ngành công nghiệp bán dẫn”.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận các công nghệ và thiết bị do Mỹ sản xuất. Các lệnh trừng phạt của Washington đã được mở rộng từ việc nhắm vào “ông lớn” ngành công nghệ Huawei Technologies sang tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC.
Tuy nhiên, trong khi thế giới bên ngoài tin rằng Trung Quốc sẽ bị giáng đòn nặng nề, ngành sản xuất chip bán dẫn của nước này dường như vẫn có thể tiếp tục thúc đẩy nâng cấp công nghệ, thậm chí là tự chủ về công nghệ, thoát khỏi sự bao vây của Mỹ.
Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh việc phát triển các công nghệ nền tảng, ngành nghề mang tính chiến lược, và coi đây là một "vũ khí" quan trọng mà nước này cần mài giũa để chống lại cuộc chiến khoa học công nghệ của Mỹ.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cũng đang cố gắng “hồi hương” chuỗi sản xuất thiết bị bán dẫn sau nhiều thập kỷ ngành công nghiệp này được khuyến khích “toàn cầu hóa”. Hồi tháng Sáu, chính phủ đã đề xuất một đạo luật nhằm xây dựng các động lực để hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Mỹ.
Cũng với lý do cần thúc đẩy “chủ quyền kỹ thuật số”, Ủy ban châu Âu (EC) đã dành 30 tỷ euro (35 tỷ USD) nhằm mục tiêu nâng thị phần của doanh nghiệp châu Âu trên thị trường chip thế giới từ mức dưới 10% hiện nay lên 20%.
Nhật Bản cũng đang tìm cách tăng cường khả năng tự cung tự cấp chất bán dẫn. Bloomberg dẫn nguồn tin trong ngành cho biết, Tokyo đã cử phái đoàn đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng Năm và Sáu năm nay với hy vọng thuyết phục công ty sản xuất chip TSMC của Đài Loan đầu tư vào Nhật Bản. Hồi tháng 5/2020, TSMC đã thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở bang Arizona, Mỹ.
Yếu tố chi phối sự phát triển của ngành bán dẫn
Sau khi Washington áp đặt lệnh hạn chế quyền tiếp cận của Huawei đối với các sản phẩm phần mềm và công nghệ của Mỹ, chuỗi cung ứng của tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc này đã bị “mắc kẹt”. Một loạt công ty vốn là nhà cung cấp lâu năm của Huawei phải “đứt gánh giữa đường” với công ty Trung Quốc.

Trong đó, có thể kể tới một số cái tên nổi bật như nhà sản xuất chip TSMC của Đài Loan, nhà sản xuất cảm biến hình ảnh Sony Corporation, các nhà sản xuất chip lớn như Samsung Electronics, SK Hynix của Hàn Quốc và Toshiba Memory (Kioxia) của Nhật Bản.
Một giám đốc điều hành của một công ty bán dẫn Trung Quốc cho biết, ba trong số các giao dịch của họ đã bị hủy bỏ do Ủy ban đầu tư nước ngoài (CFIUS) của Mỹ viện dẫn quan ngại về an ninh quốc gia.

Các côngtenơ hàng hóa xếp tại cảng Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 17/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các côngtenơ hàng hóa xếp tại cảng Yangshan ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 17/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc - thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% tổng số chip được bán ra - được cho là sẽ không “ngồi yên” khi tham vọng phát triển công nghệ cao bị đe dọa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết khoản đầu tư ước tính 1.400 tỷ USD từ nay đến năm 2025 cho các công nghệ chiến lược tương lai, như trí tuệ nhân tạo hay mạng không dây.

Một trọng tâm của Bắc Kinh là đẩy nhanh nghiên cứu chất bán dẫn thế hệ thứ ba, với là các chip làm bằng những vật liệu hiệu năng cao như silicon cacbua (SiC) và gali nitride (GaN) - một công nghệ non trẻ chưa có quốc gia nào thống trị.
Bên cạnh đó, vị thế khách hàng lớn này cũng có nghĩa là nhiều thỏa thuận lớn cần được sự cho phép của Bắc Kinh. Năm 2018, nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới Qualcomm (Mỹ) đã từ bỏ kế hoạch thâu tóm hãng sản xuất chip của Hà Lan NXP do không nhận được sự chấp thuận từ Trung Quốc.

Trung Quốc là nước cuối cùng trong số chín thể chế mà Qualcomm phải tham vấn và có sự đồng ý trong thương vụ nói trên vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chiếm tới gần 2/3 doanh thu của tập đoàn trong năm 2017.
Ngoài ra, theo các nhà quan sát, Trung Quốc còn sở hữu một “quân bài” khác để làm đòn bẩy trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, đó là đất hiếm. Thống kê cho thấy Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 90% thị phần trên thị trường đất hiếm toàn cầu và nước này có thể kiểm soát xuất khẩu các kim loại đất hiếm - vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất chip điện tử.
Các chuyên gia lưu ý rằng các hạn chế mà Chính quyền Tổng thống Trump áp đặt không chỉ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất chip của Trung Quốc mà còn tác động đến toàn bộ ngành bán dẫn. Xu hướng này sẽ không giảm đi cho dù ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 này.
Mặc dù Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế với những “gã khổng lồ” như Intel Corp hay Qualcomm và giữ thế độc quyền đối với các phần mềm cần thiết để thiết kế chip, “không có khu vực nào trên thế giới có thể tuyên bố quyền tự chủ chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn”, đó là nhận định của Jan-Peter Kleinhans, Giám đốc phụ trách dự án nghiên cứu Công nghệ và địa chính trị tại Viện nghiên cứu Stiftung Neue Verantwortung. Chuyên gia này cho rằng việc loại bỏ bất kỳ người chơi nào đều sẽ khiến chuỗi giá trị của ngành sụp đổ.
Theo ông Jimmy Goodrich thuộc SIA, việc “tách rời” hoàn toàn ngành công nghệ của Mỹ và Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Mỹ và cũng tác động tiêu cực đến Trung Quốc.

Kịch bản này đồng thời tạo ra rủi ro làm giảm dòng vốn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong ngành bán dẫn, làm chậm tiến trình đổi mới, và khi đó "một thế giới mà Mỹ và Trung Quốc độc lập với nhau sẽ là hệ quả tiêu cực đối với tất cả mọi người”./.

Mai Ly (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-se-thay-doi-nganh-ban-dan-nhu-the-nao/176646.html