Cuộc cách mạng xe điện: Qua 'điểm bùng phát', đối diện nhiều gập gềnh

Cuối năm 2023, xe điện vượt qua 'điểm bùng phát' 5% tại 31 quốc gia trên toàn thế giới, là mức thị phần được coi là phương tiện đã phổ biến tới người dân. Tuy nhiên, bước sang đầu năm nay, cơn sốt xe điện đã hạ nhiệt đáng kể ở các thị trường lớn.

Người Mỹ bớt hào hứng với xe điện

Một điều gì đó đang âm thầm diễn ra trên thị trường xe điện chạy pin (EV) của Mỹ và điều đó đã tác động không mấy tích cực lên ngành sản xuất xe điện của nước này cũng như chính sách hỗ trợ xe điện cực "khủng" của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong vài tháng cuối năm 2023, thị trường xe hơi Mỹ chứng kiến doanh số bán hàng chậm lại, xe điện không bán được chồng chất trong các đại lý.

Hãng xe Tesla của tỷ phú Elon Musk phải “vật lộn” để đưa một vài chiếc bán tải điện CyberTrucks, vốn được quảng cáo rầm rộ trước đó, ra thị trường sau 5 năm hứa hẹn. Các công ty xe điện thuần túy như Fisker cũng bấp bênh trên bờ vực tài chính và các nhà sản xuất ô tô truyền thống như Ford và GM thông báo trì hoãn kế hoạch đầu tư của họ để phát triển xe điện trong tương lai.

Mọi thứ vẫn không được cải thiện trong quý đầu tiên của năm 2024. Nếu có thì ngành này dường như đang chuyển sang chế độ khủng hoảng. Hãng xe Fisker tuyên bố giảm giá chưa từng có lên tới gần 40% cho mẫu SUV Ocean của mình như một phần trong nỗ lực giảm lượng hàng tồn kho và tránh phá sản.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 4, Ford Motor thông báo rằng họ sẽ rút lại kế hoạch giới thiệu hai mẫu xe điện mới và trì hoãn các khoản đầu tư lớn vào việc xây dựng và “trang bị lại” các nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ và Canada.

Loạt dấu hiệu này khiến nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi rằng liệu thời kỳ bùng nổ của xe điện đã qua? Theo một cuộc thăm dò của Gallup được thực hiện vào tháng 3, trong khi 55% người Mỹ cho biết vào năm ngoái rằng họ đang cân nhắc mua xe điện, thì con số đó đã giảm xuống còn 44% trong năm nay.

“Dữ liệu của Gallup xác nhận rằng thị trường xe điện ở Mỹ vẫn còn khá hạn chế, với khoảng 1/6 người Mỹ hiện đang sở hữu một chiếc hoặc đang cân nhắc nghiêm túc việc mua một chiếc”, nhà phân tích Jeffrey Jones của Gallup nhận định.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cũng đã hạ mục tiêu sử dụng xe điện của nước này từ 67% xuống còn 35% vào năm 2032 sau phản ứng mạnh mẽ của ngành sản xuất ô tô và công nhân trong ngành.

Thay vào đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã thông qua đề án quản lý “trung lập về công nghệ”, cho phép các nhà sản xuất ô tô có thể linh hoạt hơn trong việc lựa chọn kết hợp công nghệ xe lai điện hybrid kiểm soát ô nhiễm phù hợp với người tiêu dùng mà vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải.

Quyết định của EPA cũng phản ánh sức ép Tổng thống Biden đang phải đối mặt trong chiến dịch tái tranh cử tại các bang như Michigan, Wisconsin hay Pennsylvania, những bang mà người lao động lo ngại rằng quá trình chuyển đổi xe điện sẽ đe dọa đến tương lai việc làm của họ.

Ảnh minh họa

Phí bảo hiểm cao “đè nặng” thị trường xe điện Trung Quốc

Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, cũng không tránh khỏi tình trạng suy thoái. Theo số liệu vừa được Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA) công bố, doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đã tăng 10,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, khi các nhà sản xuất ô tô của nước này, dẫn đầu bởi “gã khổng lồ” BYD, đã giảm giá sâu hơn và cung cấp các công cụ tài chính để tăng doanh số bán hàng.

Lũy kế 3 tháng đầu năm, doanh số bán xe điện đạt tổng cộng 1,03 triệu chiếc, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng trưởng hàng quý chậm nhất kể từ quý II/2023. CPCA dự kiến doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới sẽ tăng 25%, lên 11 triệu chiếc trong năm nay. Đó là mức tăng trưởng lành mạnh nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 36% của năm ngoái.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng gặp khó khăn kể từ khi kết thúc đại dịch, với áp lực giảm phát và khủng hoảng thị trường bất động sản khiến chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm. Ngày càng nhiều người dùng xe điện Trung Quốc than phiền về việc họ phải trả nhiều tiền hơn cho phí bảo hiểm. Đây được xem là một trong những trở ngại kéo tốc độ tăng trưởng của thị trường xe điện Trung Quốc chậm lại trong những tháng gần đây.

Một lái xe cho biết phí bảo hiểm xe điện hàng năm của ông lên tới 8.000 nhân dân tệ (1.100 USD), cao hơn khoảng 2.000 nhân dân tệ so với một chiếc ô tô chạy bằng nhiên liệu truyền thống. Một người khác thì cho biết phí bảo hiểm gia hạn của họ đã tăng lên mặc dù thực tế là họ chưa gặp tai nạn nào. Một số chủ sở hữu xe điện thì chia sẻ họ thậm chí đã bị các công ty bảo hiểm từ chối vì quãng đường di chuyển dài hàng ngày được coi là yếu tố rủi ro cao.

Việc mua bảo hiểm cho xe điện trở nên khó khăn hơn hoặc tốn kém hơn có thể sẽ trở thành một vấn đề khác đè nặng lên tâm trí người tiêu dùng ở Trung Quốc, ngay cả khi các nhà sản xuất ô tô đã giảm giá niêm yết cho xe điện trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Người châu Âu quay lại dùng xe chạy xăng

Nghị viện châu Âu hồi tháng 2 năm ngoái đã chính thức thông qua luật cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel ở Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2035. Đây được xem là đòn bẩy để xe điện bung sức phát triển, tuy nhiên, doanh số xe điện ở thị trường này vẫn chưa bứt phá trong những tháng gần đây.

Doanh số bán xe điện tại châu Âu đã giảm 24% trong ba tháng đầu năm. Nhu cầu xe điện sụt giảm xảy ra khi các chính trị gia trong khu vực hủy bỏ trợ cấp và xem xét lại các mục tiêu đầy tham vọng nhằm loại bỏ ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel. Cuối năm ngoái, một trong những thị trường lớn nhất châu Âu là Đức đã quyết định dừng trợ cấp cho xe điện sau khi chiến dịch này đã ngốn khoảng 10 tỷ euro (10.6 tỷ USD) suốt từ năm 2016

Nhiều người mua ô tô hiện đang cân nhắc mức giá của xe điện so với xe hybrid và xe chạy xăng hoặc diesel, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tại châu Âu ngày càng tăng trong những năm gần đây. Họ cũng lo lắng vì thiếu mạng lưới sạc nhanh và đáng tin cậy. Một cuộc khảo sát của S&P Global Mobility cho thấy khoảng 45% người tiêu dùng trên khắp các quốc gia châu Âu nêu mối lo ngại về sự sẵn có của các trạm sạc và thời gian cần thiết để sạc là lý do khiến họ không mua xe điện.

Việc doanh số bán ô tô điện ở châu Âu chững lại khiến các hãng như Volkswagen, BMW, Mercedes, GM và Ford đã thu hẹp lại các mục tiêu tham vọng mà họ đặt ra trước đó. “Gã khổng lồ" trong lĩnh vực ngân hàng của Thụy Sĩ UBS đã cắt giảm dự báo doanh số bán xe điện ở châu Âu trong năm nay xuống còn 2,3 triệu so với ước tính trước đó là 2,5 triệu.

UBS cho biết mối đe dọa của các hãng xe điện Trung Quốc đối với các nhà sản xuất châu Âu có thể giảm bớt nếu EU tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, nhưng điều này có thể làm chậm lại lộ trình chuyển sang xe điện. Dù vậy, ngân hàng vẫn giữ quan điểm dài hạn rằng xe điện cuối cùng sẽ “giành chiến thắng”.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự sụt giảm doanh số bán hàng này có thể chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt khi các mẫu xe mới gia nhập thị trường với giá cả cạnh tranh hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư châu Âu lo ngại rằng chính phủ đang đẩy các nhà sản xuất ô tô vào lĩnh vực chưa được kiểm chứng và nguồn vốn đang bị phân bổ sai.

Ảnh minh họa

Lê Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cuoc-cach-mang-xe-dien-qua-diem-bung-phat-doi-dien-nhieu-gap-genh-20180504224298012.htm