'Cuộc cách mạng' mở đường - Từ một nghị quyết 'vượt trước' (Bài 2): Mở đường - mở tương lai

Những 'con đường 12' ở Triệu Sơn là con đường của mồ hôi, công sức, của tinh thần cộng đồng trách nhiệm và hơn hết là của khát khao đổi mới. Để rồi đây, những 'con đường 12' ấy - với người dân nơi đây - là những 'đại lộ' thênh thang dẫn gần hơn đến tương lai tươi mới...

Con đường thôn Đông Thành, xã hợp Lý được mở rộng thênh thang. Ảnh: P.V

Từ “những trái tim thắp lửa”...

Thật không quá khi nói, về Triệu Sơn những ngày này, “ra ngõ là gặp điển hình hiến đất” với những câu chuyện tình nguyện hiến đất gây xúc động. Họ - những người nông dân chân chất như hạt lúa, củ khoai. Nhưng khi cần đắp đổi, hy sinh cho những mục đích cao cả, lớn lao hơn, thì họ cũng chính là “đội quân tiên phong”, sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt - của gia đình để mang đến nhiều lợi ích lâu dài - cho cộng đồng.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nằm gần cuối con đường - nơi chủ nhân của nó vẫn thường được nhắc đến trong câu chuyện hiến đất của người dân thôn Tiến Thành, xã Hợp Lý. Chuyện là vào thời điểm địa phương phát động hiến đất, gia đình ông Nguyễn Quốc Huy xây vừa ráo vữa gian nhà rộng hơn 20m2, cùng hệ thống công trình phụ, với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng.

Gian nhà chuẩn bị để con trai cưới vợ, nên ông Huy đã dành không ít tâm huyết. Ấy thế mà, khi địa phương đến vận động, sau một hồi đắn đo suy nghĩ, gia đình ông đã đồng lòng phá dỡ gian nhà, cùng với 2 công trình phụ, tường rào có tổng chiều dài 27m để hiến đất mở đường. Với hơn 40m2 đất đã hiến, nếu tính cả tiền đất, tiền công trình đã phá dỡ, tiền hoàn trả mặt bằng, tiền xây tường rào, thì tổng số tiền gia đình ông phải bỏ ra là hơn 200 triệu đồng. Ông Huy chia sẻ: “Ban đầu, nghĩ đến số tài sản thiệt hại tôi cũng tiếc lắm, nhưng nếu không phá nhà thì đường không thể mở rộng được. Vì sự nghiệp chung, gia đình tôi đã quyết tâm phá nhà, hiến đất. Ban đầu tiếc một, thì giờ thấy đường được mở rộng thông thoáng, sạch đẹp để con cháu được hưởng lợi, tôi lại vui mừng gấp đôi, gấp ba. Thêm nữa, thấy được trong sự phát triển của quê hương có chút đóng góp của gia đình, nên cũng hãnh diện phần nào”.

Gia đình anh Trịnh Văn Hà cũng là một điển hình “đi trước về sau” trong việc hiến đất mở rộng đường của thôn 5 (xã Thọ Tiến). Nằm trên cung đường dài 600m chật hẹp, nên khi xã có chủ trương mở đường, gia đình anh Hà đã hưởng ứng đầu tiên và đã hiến hơn 80m2. Anh Hà cho hay: “Bản thân tôi nhận thấy, nếu không ai chịu hy sinh một phần lợi ích, thì con đường này sẽ không bao giờ mở rộng được. Mà đường không mở, thì cả không gian chung tất yếu chật hẹp, tù túng. Do đó, nếu bản thân mình tiên phong hiến đất trước, thì có thể người dân trong thôn sẽ thấy đó để làm theo. Đường rộng, đẹp thì mọi người cùng được hưởng lợi. Rồi thì tương lai sẽ thuận lợi cho việc giao thương. Đúng là mở đường... lợi đủ đường”.

Về xã Dân Quyền hỏi chuyện hiến đất mở đường, người dân thôn 6 lại xuýt xoa khen ngợi ông Lê Gia Khoa và càng tấm tắc trước sự hy sinh của gia đình ông vì lợi ích của cả cộng đồng. Hai vợ chồng ông Khoa sống trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, rộng chừng hơn 30m2. Song, đó chỉ là phần còn lại của toàn bộ khu nhà đã bị phá dỡ để hiến đất làm đường. Ông Khoa kể: “Tôi đã phá dỡ ngôi nhà ngang ba gian và công trình phụ. Toàn bộ diện tích đất rộng khoảng 150m2, tôi đã hiến cho thôn để mở thông con đường chạy ngang cái ao phía sau, giúp bà con không phải đi đường vòng mỗi lần muốn ra đường lớn”.

Hiến 150m2 đất, có trị giá lên đến 500 triệu đồng, với hộ dân có điều kiện kinh tế không lấy gì làm dư dả như hộ ông Khoa, tưởng chừng là điều... không tưởng. Ấy thế nhưng, giữa đời thường vẫn có những tấm gương rất đáng trân trọng như vậy. Họ hy sinh thầm lặng với mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến vào... ngày mai. Và chúng tôi xin gọi họ là “những trái tim thắp lửa” – bình dị và cao quý!

... đến những “con đường 12” sáng màu cuộc sống mới

Từ những “đốm lửa” nhiệt thành được nhen lên từ mỗi xóm làng, đã lan thành “làn sóng” hiến đất mạnh mẽ trên quê hương Bà Triệu, để những “con đường 12” - cứ thế được nối dài, tỏa rộng. Điều đó cũng khẳng định Nghị quyết 12-NQ/HU, ngày 22-7-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn”, đã thực sự đi vào đời sống.

Diện mạo vùng quê Thọ Vực có nhiều đổi thay sau thực hiện Nghị quyết 12.

Về Triệu Sơn, không “cẩn thận” những vị khách phương xa có thể “lạc chân” vào những “phố trong làng”. Ví như, con đường thôn Đông Thành rộng tới 11m, đủ khiến nhiều người “ngợp” vì tốc độ và mức độ dám “đi trước”, “đón đầu” của cấp ủy, chính quyền xã Hợp Lý. Nhìn con đường thênh thang dài chừng 1km trước mắt, ông Lê Xuân Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Đông Thành, lại cảm khái khi nhớ về những ngày con đường chỉ rộng vẻn vẹn 2,5m, mỗi khi vào vụ thu hoạch là nào người, nào xe tắc ứ đến phát hoảng. Rồi những nhà có điều kiện, con cháu đi làm ăn xa hay ở phố về có cái ô tô cũng phải để tít ngoài đường cái. Người một nơi, của một nẻo, nghĩ cũng xót ruột...

Thế nên, khi chính quyền đến vận động mở đường XDNTM (rộng 7,5m), người dân đều đồng thuận. Sau này, khi tiếp tục vận động bà con hiến đất mở rộng đường theo Nghị quyết 12-NQ/HU (rộng 11m), ban đầu có người cũng băn khoăn vì đường vừa mở chưa lâu. Nhưng vì trù tính cho tương lai lâu dài, khi nghề chính của thôn là trồng hoa, cây cảnh thì càng cần phải đẩy mạnh giao thương, buôn bán. Cho nên, 52 hộ dân nằm dọc con đường đã một lần nữa phá tường, đập cổng, hiến đất tiếp tục mở rộng đường. Giờ đây, con đường thôn rộng tới 11m này đã trở thành “con đường điểm”, “con đường mẫu” của thôn kiểu mẫu Đông Thành (đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2023) và của xã NTM Hợp Lý.

Không được thênh thang như “đường mẫu” Đông Thành; nhưng bù lại, con đường thôn 6, xã Thọ Vực lại đẹp đến nao lòng. Cái vẻ đẹp làng quê man mác của ca dao, tục ngữ đã hằn vào tâm trí lớp người thế hệ trước; đã thành lời ru bên cánh võng trưa hè mà thấm đẫm tâm hồn tuổi thơ những người sinh ra từ làng. Ai đã từng nói, cổng làng là nơi níu lại bước chân kẻ xa xứ; ao làng chất chứa lời thì thầm tuổi dậy thì, nơi trăng 16 soi vội những e ấp thẹn thùng... Đi qua những mùa trăng, con người rồi sẽ lớn lên, sẽ thay đổi. Theo nhịp CNH, HĐH, làng quê cũng ngày càng thay da đổi thịt.

Nhưng có những giá trị - có đôi khi không thể gọi thành tên, không thể cân đong đo đếm bằng các bộ công cụ đo lường – thì vẫn mặc nhiên tồn tại, khi mạnh mẽ, lúc âm thầm. Ví như phong tục tập quán, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn. Ví như niềm cộng hưởng, cộng cảm, hay tình yêu với làng quê đã in hằn lên con đường, hay con đường cứ nằm đó mà trở thành chứng nhân về những đổi thay, thay đổi của làng. Đó là những giá trị bất biến đã trở thành “mỏ neo” để níu giữ lại “mảnh hồn làng”, để những đứa con xa xứ không bao giờ được phép quên đi nguồn cội tiên tổ...

Đó cũng là cảm nhận, là cảm giác của những vị khách phương xa khi một lần được bước chân trên con đường làng vừa truyền thống, thân thuộc, lại vừa mới mẻ và giàu sức sống này.

Chỉ đi qua những con đường lầy lội người ta mới thấm thía giá trị của những con đường bê tông sạch sẽ. Và rồi, chỉ đi trên những con đường rộng thoáng mấy làn xe chạy mà vẫn phong quang, người ta mới thấm hết ý nghĩa của câu “có đường là có nhiều thứ”. Để có được những con đường “thênh thang ta bước” không ít hộ dân đã xung kích, tình nguyện đôi ba lần hiến đất. Cũng nhờ đó mà “con đường” hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Triệu Sơn cũng ngày càng thêm rộng mở. Những “con đường 12” ấy - với người dân nơi đây - là những “đại lộ” thênh thang dẫn gần hơn đến tương lai tươi mới...

Đã gắn bó gần trọn cuộc đời với vùng quê nghèo Sơn Hương (xã Triệu Thành), ông Lê Đình Sơn không khỏi vui mừng khi thấy quê mình thay da đổi thịt. Đặc biệt, từ khi những con đường bê tông nối từ làng này qua làng nọ được mở, thì nhiều điều “kỳ diệu” đã đến với thôn Sơn Hương này. Những con đường ngày nắng bụi trắng trời còn ngày mưa thì lầy lội, giờ đã trở thành dĩ vãng. Con đường bê tông đã nâng bước trẻ nhỏ tới trường; đã đưa những chuyến xe thu mua nông sản đến tận ruộng; đã mang những chuyến hàng đến cận cửa... Và hơn hết, những con đường đang góp phần làm đẹp thêm diện mạo làng quê giàu sức sống và đáng sống.

Bởi vậy, thật không quá khi nói, những “con đường 12” đã thực sự tạo nên một “cuộc cách mạng” trong XDNTM ở Triệu Sơn. Bởi, hạ tầng giao thông đi trước một bước đang và sẽ tạo ra sự kết nối giúp Triệu Sơn thu hút các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Minh chứng là, thông qua sự kiện kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước (diễn ra vào tháng 6-2023); đồng thời, thông qua những “con đường 12” đã góp phần tạo dựng nên diện mạo những làng quê đáng sống - khang trang, hiện đại, văn minh - mới đây, Triệu Sơn đã thu hút thêm các nhà đầu tư đầy hứa hẹn. Trong đó có Công ty TNHH Đèn Led trang trí Đông Phương Hà Nam; Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật SUNRISE; Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng; Công ty Triệu Thái Sơn; Công ty TNHH Trường Đại Lộc. Đây sẽ là những “cánh chim đầu đàn” trong việc khai thác tiềm năng và mở ra điểm kết nối Triệu Sơn với các vùng miền trên khắp cả nước.

Có thể khẳng định, “cuộc cách mạng” trong thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU ở Triệu Sơn đó là sự vận động đi lên của một quá trình từ nhận thức đến hành động; từ khó khăn, đến tháo gỡ khó để đạt được những thành quả bước đầu quan trọng. Đồng thời, là rút ra những bài học kinh nghiệm quý để dẫn đường, cán đích những mục tiêu, kỳ vọng.

Nhóm Phóng viên

Bài cuối: Không chỉ những “con đường 12”...

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cuoc-cach-mang-mo-duong-tu-mot-nghi-quyet-vuot-truoc-bai-2-mo-duong-mo-tuong-lai/196669.htm