Cùng nhau vươn lên

Ðể tạo việc làm, sinh kế cho phụ nữ nông thôn, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện U Minh có những mô hình hay, hiệu quả, giúp tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo.

Năm 2019, chị Dương Thị Nguyên, Ấp 14, xã Khánh An, trồng bồn bồn trên 11 công đất của gia đình. Từ đó đến nay, mô hình mang lại thu nhập khá ổn định.

Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng còn tạo việc làm cho lao động nam, với việc nhổ bồn bồn, tiền công 40 ngàn đồng/giờ/người.

Chị Nguyên chia sẻ: “Mỗi ngày gia đình thu hoạch trên 300 kg bồn bồn thành phẩm. Trung bình thu hoạch bồn bồn 10 ngày/tháng, trừ chi phí còn trên 10 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn kết hợp nuôi cá lóc, cá trê, cá rô. Tùy diện tích ao nuôi, có thể 1 năm hoặc 2 năm thu hoạch 1 lần”.

Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng còn tạo việc làm cho lao động trong ấp. Chị Nguyễn Thị Luyến, cùng ở Ấp 14, cho biết: “Tôi làm thêm việc tách bồn bồn tươi, thu nhập mỗi ngày từ 100-130 ngàn đồng. Công việc này tương đối nhẹ nhàng và mang lại thu nhập ổn định, nếu làm thêm ca đêm thì thu nhập khoảng 280 ngàn đồng/ngày”.

Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng ở Ấp 14, xã Khánh An, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều phụ nữ nơi đây.

Chị Ðặng Yến Như, Ấp 13, xã Khánh An, cũng là một trong những phụ nữ trẻ khởi nghiệp thành công từ sản vật có sẵn tại địa phương. Mang thương hiệu “Cô Ba Như”, các sản phẩm được chế biến từ chuối xiêm như: chuối khô, chuối chiên giòn, kẹo chuối, có được lượng khách hàng khá đông và ổn định, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ cùng xóm.

Chị Như cho biết: “Tôi nghĩ, nếu chuối tươi không bán được thì chuyển sang ép chuối khô để bán. Trừ chi phí, tôi thu nhập từ 40-50 triệu đồng/tháng. Sau thành công, tôi quyết định nhân rộng mô hình ép chuối khô để tạo việc làm, đồng thời giới thiệu, quảng bá đặc sản quê hương mình đến bạn bè cả nước”.

Chị Đặng Yến Như giới thiệu các sản phẩm làm từ chuối đến chị Nguyễn Kiều Lam (bên phải), Phó chủ tịch Hội LHPN huyện U Minh và chị Phạm Thị Lụa, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Khánh An.

Chị Phạm Thị Lụa, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Khánh An, cho biết: "Hội viên phụ nữ xã có nhiều mô hình phát triển kinh tế như: trồng bồn bồn và nuôi cá đồng, sơ chế cây bồn bồn, trồng chuối lấy lá, chăn nuôi heo, nuôi chồn... đã tạo việc làm, mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống. Năm 2023, Hội đã giúp đỡ 13 hộ thoát nghèo và 9 hộ cận nghèo”.

Tương tự, Hội LHPN xã Khánh Tiến duy trì nhiều mô hình phụ nữ đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế: Tổ làm bánh dân gian ở Ấp 10 tạo việc làm cho 10 thành viên, thu nhập trung bình từ 2 triệu đồng/người/tháng; Tổ hợp tác phụ nữ làm chả cá tại Ấp 5 tạo việc làm cho hơn 15 thành viên; Tổ hợp tác phụ nữ vá lưới ở Ấp 6; mô hình chia sẻ yêu thương; mô hình làm tàu hủ tại Ấp 6. Bên cạnh đó, các chi hội còn có nhiều hình thức hỗ trợ nhau như: hùn vốn xoay vòng, hùn tiền mua bảo hiểm y tế...

Chị Lâm Tuyết Măng, Chi hội Phụ nữ Ấp 5, Tổ trưởng Tổ hợp tác làm chả cá, chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày tổ làm được 300 kg chả từ cá phi và cá trôi, tạo việc làm cho khoảng 15 lao động nữ, thu nhập từ 250 ngàn đồng/người/ngày”.

Mô hình làm chả cá của phụ nữ Ấp 5, xã Khánh Tiến hiện đang duy trì hiệu quả.

Bà Nguyễn Kiều Lam, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện U Minh, cho biết: “Thời gian qua, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau tạo việc làm, đã phát triển rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ các mô hình đã tạo bước ngoặt giúp nhiều hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo, động viên nhiều chị em khác cùng vươn lên, ổn định cuộc sống”.

Năm 2023, Hội LHPN huyện U Minh đã giúp trên 160 hội viên giảm nghèo. “Thời gian tới, Hội tiếp tục rà soát hộ nghèo, cận nghèo; tăng cường nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hội viên để kịp thời giúp đỡ”, bà Lam cho biết thêm./.

Quỳnh Anh - Lê Tuấn

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cung-nhau-vuon-len-a32112.html